Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Năm 2023: Tín dụng tăng trưởng khá
Thứ hai: 07:15 ngày 04/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 2023, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), mức tăng trưởng tín dụng trong năm khá tốt

Công nhân làm việc tại một công ty chế biến hạt điều trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Để hỗ trợ nền kinh tế, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay, NHNN Việt Nam điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5%-2%/năm dù trong bối cảnh lãi suất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tăng và các ngân hàng Trung ương neo lãi suất ở mức cao.

Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường và tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời góp phần giảm mặt bằng lãi suất cho vay, so với cuối năm 2022, lãi suất cho vay với các khoản vay mới đã giảm 1%/năm. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khoản vay mới bình quân ở mức 5,5%-7%/năm; trung và dài hạn khoảng 8,5%-10%/năm.

Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Tây Ninh, trong năm 2023, các TCTD chấp hành tốt quy định về lãi suất của NHNN Việt Nam; sau khi NHNN Việt Nam có các quyết định về điều chỉnh các mức lãi suất và chỉ đạo thực hiện giảm lãi suất cho vay, diễn biến mặt bằng lãi suất trên địa bàn theo xu hướng giảm chung của cả nước cả về huy động và cho vay.

Bên cạnh đó, nhiều NHTM công bố các chương trình, gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn khoảng 1%-3%/năm cho từng lĩnh vực, đối tượng khách hàng; đồng thời tự giảm lãi suất cho các dư nợ hiện hữu mức giảm từ 0,5%-2% theo đối tượng khách hàng.

Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối năm 2023 đạt 97.445 tỷ đồng, tăng 13,5% so đầu năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 72.144 tỷ đồng; dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam ước đạt 87.645 tỷ đồng; dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh ước đạt 82.645 tỷ đồng; dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 15.550 tỷ đồng.

Trong năm, các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các chính sách tín dụng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và các chính sách của NHNN Việt Nam.

Theo đó, dư nợ cho vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20.5.2022 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam đạt 225 tỷ đồng cho 15 khách hàng, doanh số cho vay được hỗ trợ đạt 1.155 tỷ đồng cho 17 khách hàng với số tiền lãi được hỗ trợ luỹ kế từ đầu chương trình là 5,8 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của chi nhánh Ngân hàng Chính sách tỉnh Tây Ninh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 226,8 tỷ đồng với 3.597 khách hàng. Số tiền đã hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NQ-CP ngày 30.5.2022 của Chính phủ đạt 34,8 tỷ đồng.

Đối với Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1 dự án nhà ở xã hội là “Dự án chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng” do Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh Tây Ninh công bố. Công ty đang tiếp cận các NHTM để vay vốn theo quy định.

Thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23.5.2023 của NHNN Việt Nam quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, các chi nhánh NHTM đã triển khai quyết liệt và kết quả đến nay các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ 339 tỷ đồng cho 72 lượt khách hàng, trong đó dư nợ gốc là 323,8 tỷ đồng, dư nợ lãi là 15,3 tỷ đồng.

Trong năm 2023, các TCTD trên địa bàn luôn quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện nhiều giải pháp xử lý kéo giảm nợ xấu, kiểm soát nợ xấu ở mức thấp; tuy nhiên, do khó khăn chung của nền kinh tế, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp nên nợ xấu có xu hướng tăng.

Ước đến cuối năm nợ xấu chiếm 0,7% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 0,32% của đầu năm. Trong 10 tháng đầu năm 2023, các TCTD đã xử lý 363 tỷ đồng nợ xấu, bao gồm: bán tài sản bảo đảm 5 tỷ đồng, khách hàng trả nợ là 184 tỷ đồng, xử lý bằng dự phòng rủi ro là 146 tỷ đồng và biện pháp khác 28 tỷ đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, NHNN Việt Nam chi nhánh Tây Ninh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ; kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Song song đó, các TCTD tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm tạo điều kiện cho khách hàng tuỳ chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu; đồng thời được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy kinh tế.

Ngoài ra, các TCTD thực hiện tốt công tác tín dụng theo định hướng của NHNN Việt Nam và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024; cải tiến quy trình, thủ tục cấp tín dụng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng trong vay vốn.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt Thông tư số 02/TT-NHNN ngày 23.5.2023 của NHNN Việt Nam quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục