Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm 2023, công tác giải ngân đầu tư công của tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế mà Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra như: năng lực nhà thầu, công tác giải phóng mặt bằng…
Dự án sửa chữa đập Tha La đã bắt đầu khởi công vào cuối năm 2023.
Để công tác giải ngân đầu tư công năm 2024 hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra, Sở KH&ĐT yêu cầu các chủ đầu tư chú trọng đến việc kiểm soát chặt chẽ năng lực của các nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu và thương thảo ký hợp đồng, bảo đảm đủ số lượng chỉ huy trưởng, kỹ thuật, nhân công phù hợp để thi công các gói thầu, không để xảy ra trường hợp không bố trí đủ nhân lực thực hiện theo đúng kế hoạch yêu cầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Lựa chọn nhà thầu đúng quy định
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành giao thông tỉnh (đơn vị làm chủ đầu tư nhiều công trình giao thông trọng điểm), quy trình lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ theo quy định chứ không phải nhà thầu nào tham gia đấu thầu có giá thấp là được lựa chọn. Trong đó có hai tiêu chí chính để đánh giá hồ sơ tham gia dự thầu là năng lực kỹ thuật và năng lực tài chính.
Đối với năng lực kỹ thuật, hồ sơ tham dự thầu của nhà thầu phải thể hiện được là đã có kinh nghiệm thi công những công trình có quy mô tương tự, đáp ứng các tiêu chí về phương tiện máy móc, chỉ huy trưởng công trình… và theo quy định, mỗi công trình phải có một chỉ huy trưởng. Đây là quy định của pháp luật về đấu thầu nên các chủ đầu tư khi lựa chọn nhà thầu phải xem xét rất kỹ. Việc dư luận cho rằng, doanh nghiệp nào giảm giá thầu thấp sẽ được chọn thầu, dẫn đến nhà thầu thi công ảnh hưởng đến tiến độ… là không khách quan.
Tiêu chí thứ hai để đánh giá năng lực nhà thầu là năng lực tài chính. Khi nhà thầu tham gia dự thầu phải thể hiện kết quả kiểm toán doanh thu hằng năm, báo cáo kiểm toán tài chính…
Tuy nhiên, điều mà chủ đầu tư chú trọng nhất là nhà thầu phải có ngân hàng bảo lãnh cam kết cấp tín dụng mà nhà thầu tham gia dự thầu trong suốt quá trình thi công. Khi có ngân hàng cam kết bảo lãnh cam kết cấp tín dụng trong suốt quá trình thi công, chủ đầu tư và ngân hàng đã có sự ràng buộc nhau về vốn đầu tư giải ngân cho công trình.
Trong quá trình triển khai dự án, nếu nhà thầu có vấn đề khó khăn về nguồn vốn, ngân hàng phải có trách nhiệm thanh toán lại khoản tiền tạm ứng mà chủ đầu tư đã tạm ứng theo quy định cho nhà thầu.
Chủ đầu tư phải có trách nhiệm đôn đốc nhà thầu
Theo quy định, khi nhà thầu chính gặp khó khăn, chủ đầu tư và nhà thầu chính có thể thương thảo lựa chọn nhà thầu phụ để triển khai dự án nhưng không quá 10% giá trị gói thầu. Đối với những dự án thi công đường bộ bình thường, vấn đề lựa chọn nhà thầu phụ để tiếp tục triển khai dự án “dễ thở” hơn so với những dự án đòi hỏi kỹ thuật cao bởi rất khó khăn để lựa chọn nhà thầu phụ có kinh nghiệm thi công những dự án tương tự.
Do đã có sự thoả thuận bốn bên gồm: chủ đầu tư, ngân hàng bảo lãnh dự án, nhà thầu chính và nhà thầu phụ nên khi nhà thầu phụ thi công, nguồn tiền được quyết toán theo khối lượng công việc đã thi công, nhà thầu phụ cũng không bị thiệt thòi.
Với sự linh loạt của chủ đầu tư, ngân hàng cam kết bảo lãnh vốn cho dự án, trong năm 2023, dù còn rất nhiều khó khăn do trượt giá vật tư, một số công trình chậm tiến độ, tuy nhiên sau khi có nhà thầu phụ tham gia, các dự án đã được triển khai nhanh chóng; công tác giải ngân đầu tư công các dự án do Ban Quản lý dự án ngành giao thông làm chủ đầu tư đạt được kết quả khả quan. Đơn vị này nỗ lực hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán và tất toán các dự án hoàn thành, phối hợp với đơn vị thi công thực hiện đầy đủ, kịp thời các thủ tục để giải ngân vốn theo tiến độ thi công và kế hoạch vốn được giao.
Theo Sở KH&ĐT, năm 2024, các chủ đầu tư phải có trách nhiệm đôn đốc nhà thầu quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công; hằng tháng so sánh kết quả giải ngân thực tế và cam kết để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chất lượng công trình, thường xuyên tổ chức kiểm tra tại hiện trường, kiên quyết xử lý vi phạm trong thực hiện hợp đồng thi công.
Theo quy định của Luật Đấu thầu, chủ đầu tư có quyền xử phạt nghiêm các nhà thầu vi phạm như chậm tiến độ thi công, thi công kéo dài… Khi xử phạt nhà thầu, chủ đầu tư sẽ đưa việc xử phạt lên hệ thống đấu thầu toàn quốc, hậu quả là nhà thầu bị cấm tham gia dự thầu trong một thời gian. Trước yêu cầu của Sở KH&ĐT đối với công tác giải ngân đầu tư công năm 2024, các chủ đầu tư cũng nên xem xét đến việc sử dụng biện pháp này để xử lý các nhà thầu thi công cố tình chây ì.
Thiên Tâm