Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng với những nét riêng, đặc thù của thành phố Tây Ninh, từ đó định vị và phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, vừa qua, UBND thành phố Tây Ninh ban hành Kế hoạch phát triển du lịch trong năm 2024.
Bà Đen Farm là một điểm dừng chân với nhiều món ăn được chế biến từ dưa lưới được trồng tại đây.
Cụ thể, trong năm 2024, UBND thành phố Tây Ninh hướng đến mục tiêu đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của Thành phố và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch.
Theo đó, dự kiến trong năm 2024, thành phố Tây Ninh sẽ triển khai lấy ý kiến quy hoạch các phân khu khi quy hoạch chung của thành phố Tây Ninh được phê duyệt, tạo điều kiện cho các loại hình thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển phù hợp với quy hoạch.
Chính quyền địa phương tiếp tục kêu gọi đầu tư các loại hình phát triển kinh tế ban đêm tại các phường trung tâm Thành phố, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch; thực hiện thành công các mô hình tranh bích hoạ, tạo cảnh quan, nét đặc trưng cho Thành phố nhằm góp phần xây dựng hình ảnh người dân Thành phố trách nhiệm, thân thiện, hiếu khách; phấn đấu đến cuối năm 2024 vận động 100% cơ sở lưu trú, vui chơi, khu, điểm du lịch cung cấp wifi miễn phí cho khách du lịch.
Năm 2024, UBND Thành phố cũng sẽ tập trung khảo sát, lựa chọn xây dựng ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hoá, nghề truyền thống hoặc môi trường sinh thái của địa phương trên cơ sở khảo sát các hộ gia đình, các mô hình nông nghiệp có khả năng phục vụ phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, hình thành các điểm tham quan trang trại OCOP; vận động phát triển mô hình homestay tại các xã, phường kết hợp phát huy thế mạnh của địa phương về ẩm thực. Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2024, có ít nhất 1 sản phẩm mang tính đặc trưng của Thành phố tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ngoài địa bàn.
Chùa Khedol (Botum Kirirangsay) ở xã Thạnh Tân là nơi còn lưu giữ những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Khmer.
Chính quyền địa phương cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá du lịch Tây Ninh trên các trang mạng xã hội, xây dựng sổ tay du lịch nhằm gợi ý các điểm đến thích hợp với nhu cầu của du khách và quảng bá hình ảnh du lịch Thành phố; bảo tồn và phát huy tốt giá trị của di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn; lắp đặt các biển chỉ dẫn di tích, phấn đấu đến cuối năm 2024, trên 50% di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn được lắp biển chỉ dẫn.
Và để thực hiện có hiệu quả, UBND Thành phố tiếp tục tăng cường kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng, đạt tiêu chuẩn; đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị lễ hội, văn hoá, nghề truyền thống.
“Chúng tôi sẽ từng bước vận động, hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư, người dân địa phương tham gia vào lực lượng lao động, trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh và nét đẹp của thành phố.
Cùng với đó là kêu gọi đầu tư xây dựng dịch vụ tổ chức tham gia các tour du lịch về nguồn, thăm di tích lịch sử cách mạng, di tích kiến trúc và tôn giáo; tham quan nghề truyền thống; tham gia các lễ hội truyền thống; trải nghiệm các loại hình văn hoá, tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống dân tộc Khmer (xã Thạnh Tân), dân tộc Chăm (phường 1); hình thành các chương trình hoạt động trải nghiệm nông nghiệp như tham quan vườn cây ăn trái (mãng cầu, sầu riêng, nho rừng...), các mô hình nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP tại địa phương”, ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết.
Vận động người dân xây dựng cơ sở dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn cũng là một trong những mục tiêu phát triển du lịch của thành phố Tây Ninh.
Địa phương cũng có kế hoạch từng bước xây dựng thành phố Tây Ninh theo mô hình thành phố sinh thái- kinh tế, phân khu chức năng hợp lý. Trong năm 2024, thành phố Tây Ninh sẽ thực hiện nâng cấp, mở rộng các đường Nguyễn Văn Rốp, Nguyễn Chí Thanh (nối dài); nâng cấp, lắp đặt hệ thống thoát nước đường vào đình Hiệp Ninh; xây dựng hàng rào di tích chùa Khmer Khedol; xây dựng công viên khu phố 4, phường 2; quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn; phát triển và xây dựng thương hiệu ẩm thực truyền thống đặc sắc của địa phương.
Ngọc Diêu