Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Liên tục một tuần qua, 2/3 tỉnh thành Nam bộ, trong đó có TP.HCM, có mưa, nhiều nơi mưa cực lớn. Diễn biến thời tiết không khác gì mùa mưa nhưng được gọi là mưa trái mùa.
Nhiều người bì bõm lội nước sau trận mưa trái mùa ngày 1-4 trên đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp - Ảnh Q.Khải
Theo ông Lê Đình Quyết - phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, một số tiêu chí áp dụng trong khí tượng xác định mùa mưa: trong 10 ngày liên tục phải có ít nhất năm ngày mưa; tổng lượng mưa đạt từ 50mm trở lên; sau giai đoạn 10 ngày mưa sẽ diễn ra liên tục chứ không gián đoạn trong thời gian 5-7 ngày.
Vì vậy nếu xét theo tiêu chí đầu: thời gian mưa (liên tục trong tuần), lượng mưa đều đạt (có nơi như TP.HCM đạt 162,9mm). Tuy nhiên kể từ ngày 7-4, mưa giảm hẳn và thời tiết nắng nóng sẽ quay lại nên mưa sẽ bị gián đoạn thời gian dài.
Còn vì sao gọi là mưa trái mùa? Theo ông Quyết, đây là cách gọi dân gian, đơn giản để phân biệt mưa này không phải ở mùa mưa.
Cũng theo ông Quyết, thời điểm tháng 4 là thời kỳ thời tiết thường đạt những giá trị cực đại trong năm do vào giai đoạn chuyển mùa có sự thay đổi hình thế khí quyển. Ở giai đoạn này có thể mưa dông, gió lốc, sấm sét, thậm chí mưa đá.
Mưa dông thường tập trung vào chiều tối, nhưng xen kẽ vẫn là những đợt nắng nóng, nhiệt độ trong lều tại một số nơi Nam bộ có thể lên đến 39 độ C (nhiệt độ môi trường xung quanh có thể cao hơn 2-4 độ C–PV).
Mùa mưa ở Nam bộ dự báo trong cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Nguồn TTO