BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm học mới, chương trình mới, học phí mới 

Cập nhật ngày: 07/09/2022 - 00:04

BTN - Sau ngày học đầu tiên, nhiều học sinh vẫn chưa có sách giáo khoa hoặc có nhưng chưa đủ. Vấn đề tổ chức cho học sinh chọn tổ hợp môn ở lớp 10, mức thu học phí theo chính sách mới… đã và đang tiếp tục được xã hội quan tâm.

Tiết học đầu tiên của học sinh lớp 10 Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh.

Năm học 2022-2023 đã bắt đầu. Đây là năm học đầu tiên, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 triển khai ở lớp 3, 7 và 10. Sau ngày học đầu tiên, nhiều học sinh vẫn chưa có sách giáo khoa hoặc có nhưng chưa đủ. Vấn đề tổ chức cho học sinh chọn tổ hợp môn ở lớp 10, mức thu học phí theo chính sách mới… đã và đang tiếp tục được xã hội quan tâm.

CHƯA ĐỦ SÁCH GIÁO KHOA, KHÔNG CÓ GIÁO VIÊN ÂM NHẠC, MỸ THUẬT

Tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh, năm học này nhà trường có 3 lớp 10. Căn cứ Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và các văn bản hướng dẫn, ngoài những môn học bắt buộc, nhà trường lên phương án xếp các nhóm môn học tự chọn cho học sinh đăng ký. Kết quả, số lượng học sinh chọn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên quá ít (chỉ 17 em), không thể thành lập lớp riêng. Nhà trường đành chuyển toàn bộ học sinh học theo tổ hợp môn Khoa học xã hội có xen vào môn Vật lý, riêng môn Hoá học, Sinh học, học sinh lớp 10 của nhà trường không học hai môn này.

Đại diện nhà trường thông tin, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh trường này ít chọn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, trong đó có học lực của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. “Căn cứ mặt bằng, học lực của học sinh, nhà trường đã chọn phương án tối ưu, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh”- đại diện nhà trường cho biết. Buổi học đầu tiên, học sinh lớp 10 Trường phổ thông Dân tộc nội trú chưa có bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào. Ngôi trường này bao cấp hoàn toàn, do đó, học sinh không tốn bất kỳ loại phí nào, kể cả sách giáo khoa. “Sách giáo khoa sẽ sớm có, phụ huynh và học sinh yên tâm”- đại diện nhà trường nói.

Tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ, lãnh đạo nhà trường thông tin, toàn bộ học sinh đã nhận được sách giáo khoa. Theo hướng dẫn, nhà trường đặt hàng, sau đó nhà xuất bản, công ty phát hành sách chuyển về để nhà trường phát cho học sinh, tức học sinh đăng ký mua sách giáo khoa tại trường, không mua ở ngoài. Năm học này, Trường THPT Hoàng Văn Thụ có 16 lớp 10, sau khi xây dựng tổ hợp môn, kết quả có 8 lớp theo học nhóm môn Khoa học xã hội, 8 lớp theo nhóm môn Khoa học tự nhiên, ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.

“Học sinh lớp 10 đa số đã có sách giáo khoa nhưng chưa đủ. Tương tự cách làm của đơn vị khác, chúng tôi đăng ký mua sách từ nhà xuất bản, sau đó họ vận chuyển lên để phát cho học sinh. Học sinh cũng có thể hoàn toàn tự chọn nơi mua sách giáo khoa, em nào đăng ký thì nhà trường mua giùm”- đại diện Trường THPT Nguyễn Chí Thanh thông tin sau ngày khai giảng. Việc xếp nhóm môn học đối với học sinh lớp 10, lãnh đạo đơn vị này cho biết, nhà trường xây dựng tổ hợp môn, sau đó cho học sinh đăng ký.

“Nhà trường phải tính toán sao cho có tính khả thi chứ không thể để cho học sinh hoàn toàn tự chọn được, vì đội ngũ giáo viên không thể đáp ứng được. Ví dụ, môn Âm nhạc, Mỹ thuật không có giáo viên nên nhà trường “định hướng” để học sinh không chọn hai môn học nêu trên. Còn hai tổ hợp môn tự chọn Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, số lượng học sinh đăng ký chọn khá cân bằng”- lãnh đạo nhà trường thông tin bước đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

“Toàn bộ học sinh trường chúng tôi đã có đủ sách giáo khoa. Việc xếp các tổ hợp môn tự chọn (Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên) cũng cân bằng”- đại diện Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết. Theo đại diện nhà trường, đây chỉ mới là thông tin, kết quả ban đầu; sau một học kỳ, có thể sẽ có học sinh đăng ký chọn lại, tức thay đổi nhóm môn tự chọn để định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp phổ thông. Lý do, mới vào năm học, học sinh mới từ lớp 9 lên, các em chưa đủ thông tin hoặc suy nghĩ chín chắn về việc chọn nghề nghiệp trong tương lai.

“Trước ngày khai giảng, nhà trường nhận được sách giáo khoa để phát cho học sinh. Sau khai giảng, nhà trường tiếp tục nhận bổ sung sách giáo khoa. Đến hôm nay, cơ bản sách giáo khoa đã tương đối đầy đủ, một số môn học vẫn đang thiếu, số lượng này sẽ được bổ sung trong ít ngày tới”- lãnh đạo Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thông tin.

Việc xếp lớp đối với môn học tự chọn, nhà trường có 7 lớp 10 thì có hơn 2 lớp đăng ký chọn nhóm môn Khoa học tự nhiên, còn lại chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội. Kết quả lựa chọn này hợp lý đối với học sinh vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua (Chương trình giáo dục năm 2000) cho thấy, phần lớn học sinh lớp 12 của trường này đăng ký thi bài thi Khoa học xã hội.

TẠM THỜI CHƯA THU HỌC PHÍ MỚI

Ngày 9.12.2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập (có hiệu lực từ ngày 20.12.2021). Theo Nghị quyết 13, đối với giáo dục mầm non, phổ thông (trừ học sinh tiểu học) và giáo dục thường xuyên, học phí mỗi tháng 300.000 đồng.

Học sinh vùng nông thôn, học sinh mầm non, trung học cơ sở 100.000 đồng/tháng, riêng học sinh THPT 200.000 đồng tháng. Mức thu học phí này căn cứ quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ. Mặc dù Tây Ninh áp giá thấp nhất so với mức trần của Nghị định 81 nhưng so với quy định trước đó, mức học phí (tuỳ cấp học, khu vực cư trú của học sinh) tăng rất mạnh.

Theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mức học phí thấp nhất áp dụng đối với học sinh vùng nông thôn chỉ từ 30.000 - 120.000 đồng, thành thị từ 60.000 - 300.000 đồng. Cũng như Nghị định 81 năm 2021, khi áp dụng Nghị định 86 năm 2015, Tây Ninh cũng thu học phí ở mức thấp nhất trong khung học phí do Chính phủ quy định.

Năm học 2022-2023, mức học phí cao hơn nhiều lần so với những năm học trước. Ngày 6.9, trao đổi về mức học phí mới, hầu hết các cán bộ quản lý ngành Giáo dục chung nhận định rằng, mức thu học phí quá cao, trong khi mấy năm qua, dịch bệnh Covid như cơn cuồng phong làm đảo lộn mọi mặt trong đời sống xã hội, kinh tế khó khăn.

“Mức thu này, có lẽ không thu được bao nhiêu, đặc biệt học sinh vùng nông thôn, vùng sâu. Hiện tại, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể, nhưng mới đây, chúng tôi nhận được thông tin: tạm thời chưa thu học phí theo mức mới, chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét”- nhiều cán bộ quản lý trong ngành cho biết.

Cần nhắc lại, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hồi tháng 7.2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề xuất miễn toàn bộ học phí đối với học sinh THCS trên toàn quốc, bắt đầu từ năm học 2022-2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau đề xuất của Bộ GD&ĐT, chưa thấy động thái nào tiếp theo. Hiện tại, trên cả nước, năm học này đã có 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn học phí đối với học sinh mầm non, THCS, trong đó có tỉnh miễn luôn học phí đối với học sinh THPT.

Việt Đông