Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Năm học mới, học phí cũ
Thứ tư: 06:19 ngày 23/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều hiệu trưởng trường phổ thông, mầm non, cán bộ quản lý ngành Giáo dục ở Tây Ninh khi được hỏi đều cho biết, việc Chính phủ yêu cầu không thu học phí theo mức mới giúp cho người dân giảm khó khăn.

Theo quy định, năm học 2023-2024, mức thu học phí đối với các cấp học, bậc học từ mầm non đến đại học (trừ cấp tiểu học) sẽ thu theo Nghị định 81 năm 2021. Tuy nhiên, ngày 30.7.2023, Chính phủ yêu cầu không tăng học phí trong năm học 2023-2024, xuất phát từ thực tế đời sống, thu nhập của một bộ dân cư, người lao động đang gặp khó khăn.

Học sinh lớp 1, Trường tiểu học Kim Đồng tựu trường năm học mới.

Xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 81

Thông báo số 300/TB-VPCP nêu rõ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẩn trương tiếp thu ý kiến, thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023-2024, trình Chính phủ trước ngày 8.8.2023.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung xây dựng, ban hành nghị định thay thế Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12.2023.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 17.7.2023 về cơ chế thu, quản lý học phí, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, chính sách học phí vừa phải công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ dịch vụ giáo dục, đào tạo vừa giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chăm lo cho đối tượng chính sách, yếu thế, người khó khăn.

Mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của chính sách học phí mới là bảo đảm mọi trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường để thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông; quan tâm, đề cao hơn nữa giáo dục nghề nghiệp để mọi người được đào tạo, có nghề nghiệp, chú trọng thu hút sinh viên có năng lực, đào tạo nhân tài ở bậc đại học.

Vì thế, việc xây dựng chính sách học phí mới (thay thế Nghị định 81) phải được nghiên cứu toàn diện, đánh giá tác động đầy đủ, lấy ý kiến nhân dân, các bộ, ngành, các cấp, bao phủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo.

Quyết định đúng nhưng hơi chậm

Sau khi Chính phủ yêu cầu không thu học phí theo quy định tại Nghị định 81, nhiều cán bộ quản lý, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đều cho rằng, quyết định không thu học phí theo mức mới là đúng, vì đời sống, thu nhập của người lao động đang gặp khó khăn.

“Tuy nhiên, quyết định này ban hành có phần chậm trễ, vì trước đó, giữa tháng 7.2023, Hội đồng nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước (trong đó có HĐND tỉnh Tây Ninh) đã thông qua nghị quyết quy định mức thu học phí mới đối với cơ sở giáo dục công lập.

Vì Nghị định 81 vẫn còn hiệu lực, năm học 2021-2022 đã hoãn một lần, năm học này (2023-2024) căn cứ Nghị định 81, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết thu học phí theo mức mới. Nếu Chính phủ thông báo sớm hơn, có thể nhiều địa phương không xây dựng nghị quyết này”- một vị đại biểu HĐND tỉnh trao đổi với phóng viên.

Tương tự ý kiến vừa nêu, nhiều hiệu trưởng trường phổ thông, mầm non, cán bộ quản lý ngành Giáo dục ở Tây Ninh khi được hỏi đều cho biết, việc Chính phủ yêu cầu không thu học phí theo mức mới giúp cho người dân giảm khó khăn.

Đây là tin vui trước thềm năm học mới, song thông báo của Chính phủ có phần chậm trễ. “Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan ở Trung ương, trong đó có Bộ GD&ĐT. Khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục tham mưu UBND tỉnh xem xét quyết định.

Trao đổi với một số tỉnh, thành, họ cũng cho biết đang chờ Bộ GD&ĐT hướng dẫn hoặc ra thông báo chính thức. Việc tạm thời chưa tăng học phí khiến cho lộ trình tăng học phí theo tinh thần “tính đúng tính đủ” phải kéo dài”- một vị lãnh đạo ngành Giáo dục thông tin. Do chưa có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền, hiện tại, hầu hết trường học trên địa bàn tỉnh đang chờ, chưa thu học phí theo mức mới.

Mức học phí mới như thế nào?

Nghị quyết của HĐND tỉnh (thông qua tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khoá X) quy định, kể từ năm học 2023-2024, mức học phí mới áp dụng đối với học sinh mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên cao nhất 300.000 đồng/tháng.

Việc ban hành nghị quyết mới về chế độ học phí nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thuộc tỉnh trực tiếp quản lý xác định được mức thu học phí, thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với quy định của pháp luật và thống nhất trên địa bàn tỉnh.

Để xây dựng và ban hành nghị quyết, Sở GD&ĐT lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, đồng thời đăng nội dung trên Cổng thông tin điện tử lấy ý kiến đóng góp rộng rãi đối với nội dung dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Thời gian lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử từ ngày 18.5.2023 đến 17.6.2023. Kết quả: không có ý kiến đóng góp.

Nội dung cơ bản của Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cụ thể như sau (bảng dưới):

Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thu học phí cho phù hợp với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, mức độ tăng trưởng kinh tế hằng năm, điều kiện kinh tế xã hội của địa phương và khả năng chi trả của người dân thì UBND tỉnh đề xuất trình HĐND tỉnh quyết định sửa đổi, điều chỉnh mức thu học phí nhưng không quá 7,5% so mức thu năm học trước đó.

Mức học phí học trực tuyến (học online): Trường hợp học trực tuyến, mức học phí bằng 50% mức học phí của cơ sở giáo dục đã được ban hành tương ứng từng vùng, từng cấp học được quy định tại mức học phí năm học 2023-2024. Đối với cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông được áp dụng mức học phí tương đương với mức học phí của cơ sở giáo dục phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tạm hoãn lần thứ hai

Đây là lần thứ hai, việc thu học phí theo quy định trong Nghị định 81 phải tạm hoãn. Cần nhắc lại, ngày 9.12.2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 13 quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập (có hiệu lực từ ngày 20.12.2021). Theo Nghị quyết 13, đối với giáo dục mầm non, phổ thông (trừ học sinh tiểu học) và giáo dục thường xuyên, học phí mỗi tháng 300.000 đồng.

Học sinh vùng nông thôn, học sinh mầm non, trung học cơ sở 100.000 đồng/tháng, riêng học sinh THPT 200.000 đồng tháng. Mức thu học phí này căn cứ quy định tại Nghị định 81 ngày 27.8.2021 của Chính phủ. Mặc dù Tây Ninh áp giá thấp nhất so với mức trần của Nghị định 81 nhưng so với quy định trước đó, mức học phí (tuỳ cấp học, khu vực cư trú của học sinh) tăng rất mạnh.

Theo quy định tại Nghị định 86 năm 2015, mức học phí thấp nhất áp dụng đối với học sinh vùng nông thôn chỉ từ 30.000 đồng - 120.000 đồng, thành thị từ 60.000 đồng - 300.000 đồng/tháng. Cũng như Nghị định 81 năm 2021, khi áp dụng Nghị định 86 năm 2015, Tây Ninh thu học phí ở mức thấp nhất trong khung học phí do Chính phủ quy định.

Không tính giáo dục đại học, chuyên nghiệp và dạy nghề, hiện nay từ bậc học mầm non cho đến hết giai đoạn giáo dục phổ thông (lớp 12), chỉ có cấp tiểu học không phải đóng học phí. Các cấp, bậc học còn lại gồm mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông, học sinh vẫn phải đóng học phí.

Theo Luật Giáo dục năm 2019 (sửa đổi), học sinh cấp THCS không phải đóng học phí. Nhưng luật này cũng quy định, việc miễn học phí cho học sinh THCS giao Chính phủ thực hiện theo lộ trình. Theo tính toán và các văn bản liên quan, phải đến năm học 2025-2026, việc miễn học phí đối với học sinh cấp THCS mới thực hiện được. Tháng 7.2022, Bộ GD&ĐT từng đề xuất Chính phủ miễn thu học phí đối với học sinh trung học cơ sở, vì cấp học này đã phổ cập giáo dục giống như cấp tiểu học.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh