Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nam Phi: Mũi tiêm tăng cường mRNA không ngăn được biến thể Omicron
Thứ năm: 14:55 ngày 20/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nam Phi, mũi tiêm tăng cường công nghệ mRNA không giúp ngăn ngừa biến thể Omicron, nhưng giúp bảo vệ chống bệnh diễn tiến nặng hơn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà khoa học Nam Phi vừa công bố nghiên cứu cho thấy các mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tăng cường sử dụng công nghệ mRNA như vaccine của hãng Pfizer và BioNTech sản xuất đã không ngăn chặn được sự lây nhiễm của biến thể Omicron.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, trong nghiên cứu công bố trên tuần san y khoa The Lancet hôm 18/1, các nhà khoa học cho biết 7 du khách người Đức đến thành phố Cape Town vẫn trải qua quá trình “lây nhiễm COVID-19 đột phá” trong khoảng thời gian từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2021 mặc dù những người này đã được tiêm mũi tăng cường.

Các phát hiện này bổ sung thêm bằng chứng về khả năng của biến thể Omicron trong việc tránh các kháng thể do vaccine ngừa COVID-19 tạo ra.

Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ khác như tế bào T – một dạng tế bào miễn dịch – xuất hiện để chống lại các chủng virus và cho đến nay dữ liệu về tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong cho thấy biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta.

Sự lây lan nhanh chóng trên toàn cầu của biến thể Omicron, lần đầu tiên được xác định ở Botswana và Nam Phi vào cuối tháng 11/2021, đã thúc đẩy các quốc gia như Anh, Mỹ và Nam Phi đẩy mạnh triển khai các chiến dịch tiêm mũi tiêm tăng cường.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy mũi tiêm tăng cường này có thể chỉ có tác động hạn chế.

Theo nghiên cứu, trong số những du khách Đức, 4 người đang tham gia khóa huấn luyện tại các bệnh viện ở Cape Town và 3 người đang đi nghỉ, tất cả ở độ tuổi từ 25 đến 39. Trong số này, 5 người đã được tiêm 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech sản xuất.

Một người đã tiêm 1 mũi vaccine của Moderna, sau đó là tiêm 2 mũi vaccine của hãng Pfizer. Một người khác đã tiêm vaccine của hãng AstraZeneca sau đó tiêm 2 mũi vaccine của hãng Pfizer. Không có báo cáo nào về việc những người này đã mắc COVID-19 trước đó.

Theo các nhà khoa học, sự hiện diện của nhóm du khách đến từ Đức đã mang đến một cơ hội duy nhất để nghiên cứu các ca “lây nhiễm đột phá” với biến thể Omicron ở những cá nhân có vaccine tăng cường sử dụng công nghệ mRNA.

Trong quá trình theo dõi, tất cả các bệnh nhân đều có báo cáo về sự khởi phát của các triệu chứng hô hấp trong khoảng thời gian từ ngày 30/11 đến ngày 2/12 và cuối cùng mắc bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.

Các nhà khoa học cho biết đã phát hiện các phản ứng mạnh mẽ của tế bào T-CD4 và T-CD8 ở các bệnh nhân đồng thời chỉ ra sự liên quan đến một tuyến phòng thủ bổ sung của hệ thống miễn dịch của con người ngoài việc sản xuất các kháng thể. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng "diễn biến bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình cho thấy việc tiêm phòng đầy đủ sau đó là một liều nhắc lại vẫn giúp bảo vệ tốt chống lại bệnh nặng do biến thể Omicron gây ra.”

Các nhà khoa học khẳng định rằng cuối cùng vẫn cần có những loại vaccine hữu hiệu hơn để ngăn chặn các triệu chứng lây nhiễm đối với biến thể Omicron./.

Nguồn TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục