Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Năm rồng, Tham quan những địa danh gắn với từ “Long” ở Tây Ninh
Thứ ba: 14:16 ngày 13/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có điều thú vị là rất nhiều địa danh ở tỉnh ta gắn với từ “Long”- nghĩa là “con rồng” và “thịnh vượng”. Phải chăng từ xa xưa, khi ông cha ta đặt tên cho những vùng đất mới đều gửi gắm ước mơ tươi đẹp trong tương lai?

Vùng đất “ngũ Long” 

Những địa danh gắn liền với từ “Long” được nhiều người biết đến sớm nhất là vùng đất “ngũ Long” ở hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Theo tư liệu còn lưu lại, thời triều vua Thiệu Trị, năm 1844, cha con ông Trần Văn Quế và Trần Văn Thiện ở làng Trung Lập, phủ Bình Long, tỉnh Gia Định (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh ngày nay) đệ đơn xin Quan phủ Tây Ninh cho khai khẩn vùng Bến Cầu và di dân lập thôn. Sau thời gian khai mở, cha con ông Trần Văn Quế, Trần Văn Thiện lập được 4 thôn phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Ngày nay, 4 thôn này đã trở thành 4 xã mang tên Long Giang, Long Chữ, Long Thuận, Long Khánh đều thuộc huyện Bến Cầu. Sau khi ông Trần Văn Quế qua đời, ông Trần Văn Thiện và một số người cùng chí hướng tiếp tục khai phá vùng đất mới phía Đông sông Vàm Cỏ Đông, lập thêm thôn khác, đặt tên Long Đình. Nhiều năm sau, thôn Long Đình được đổi tên thành xã Long Thành. Năm 1979, xã Long Thành được chia thành 3 xã mang tên Long Thành Nam, Long Thành Trung, Long Thành Bắc, đều thuộc huyện Hoà Thành. Năm 2020, huyện Hoà Thành được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 865/NQ-UBTVQH14 thành lập thị xã. Theo đó, một số xã, thị trấn của Hoà Thành cũng đổi tên thành phường, như các phường Long Hoa, Long Thành Trung, Long Thành Bắc, Hiệp Tân.  

Điều thú vị là trong các phường, xã gắn liền với từ “Long” ở Tây Ninh có nhiều đơn vị ấp, khu phố cũng có tên gắn với từ này. Cụ thể như phường Long Thành Trung được chia thành 5 khu phố và cả 5 khu phố đều bắt đầu bằng từ Long, như Long Chí, Long Kim, Long Thành, Long Thới, Long Trung. Tương tự, phường Long Thành Bắc được chia thành 5 khu phố, trong đó có 4 khu phố mang tên Long Đại, Long Mỹ, Long Tân, Long Thời. Xã Long Thành Nam có 5 ấp, thì tên 3 ấp có từ Long gồm: Long Bình, Long Khương, Long Yên. Trong 4 xã gắn với từ Long của huyện Bến Cầu có nhiều ấp có tên Long. Cụ thể như xã Long Khánh có 4 ấp Long Cường, Long Châu, Long Phú, Long Thịnh. Xã Long Thuận có 4/5 ấp bắt đầu tên địa danh bằng chữ Long, như ấp Long An, Long Hoà, Long Hưng, Long Phi. Xã Long Giang có 1/4 ấp có từ “Long”, đó là ấp Long Tân.

Ở huyện Châu Thành có một xã giáp ranh với xã Long Chữ của huyện Bến Cầu và bắt đầu với từ Long, đó là xã Long Vĩnh. Đây là xã khá đặc biệt vì trong xã có 4 ấp đều có từ mang nghĩa con rồng, đó là các ấp Long Châu, Long Chẩn, Long Đại, Long Phú. Ở huyện Bến Cầu còn có một xã giáp biên giới với nước bạn Campuchia có từ Long, đó là xã Long Phước.

Khu sinh thái ẩm thực Long Trung đón tiếp hơn 120 doanh nghiệp du lịch của Vương quốc Campuchia.

Nhiều cơ sở khác mang tên “Long”

Ngoài những đơn vị hành chính có tên Long nêu trên, ở tỉnh ta còn có một số địa danh nổi tiếng bắt đầu với từ mang nghĩa “rồng”. Ví dụ như chợ Long Hoa. Ngôi chợ này được khởi công xây dựng vào cuối năm 1952 nhằm tạo điều kiện cho tín đồ Cao Đài có nơi làm ăn, buôn bán. Ban đầu, chợ được xây dựng với bốn dãy nhà bằng cây, lợp mái ngói, mặt chính của toà nhà có ghi chữ “Long Hoa Thị”. Sau đó, chợ được xây lại với bốn dãy nhà hình chữ thập, trên một diện tích đất hình vuông, xung quanh chợ có tám cửa toả ra tứ hướng. Năm 2002, chợ Long Hoa được đầu tư xây dựng lại và mang tên Trung tâm thương mại Long Hoa (phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành). Hàng chục năm qua, nơi đây trở thành chợ đầu mối và bán thức ăn chay lớn nhất của tỉnh Tây Ninh.

Ngoài chợ Long Hoa, ở thị xã Hoà Thành còn có chợ Long Hải. Đây là ngôi chợ quy mô cấp xã, được xây dựng trên địa bàn ấp Long Hải, xã Trường Tây. Chợ Long Hải là địa điểm bán nhiều thức ăn chay thơm ngon nổi tiếng.

Một số cơ sở thờ tự ở Tây Ninh cũng lấy từ “Long” làm tên. Đơn cử như đình Long Thành ở ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành. Ngôi đình thờ ông Trần Văn Thiện- bậc tiền nhân có công khai hoang, mở đất, lập nên vùng đất “ngũ Long”. Ghi nhận công lao của ông với dân, với nước, triều đình Huế cho phép cất đền thờ ông tại địa danh Bến Kéo vào năm 1883 và sắc phong ông là “Thành hoàng bổn cảnh”. Đến nay, ngôi đình đã hơn 140 năm và trải qua 4 lần trùng tu, tôn tạo. Hiện tại, đình được xây dựng bằng bê tông, cốt sắt, lợp ngói vững chãi. Năm 1993, ngôi đình này được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Hằng năm, vào dịp lễ Kỳ yên, người dân ở các xã vùng đất “ngũ Long” và nhiều nơi khác tề tựu về đây cúng kiếng tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân.

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều làng nghề truyền thống hình thành và phát triển khá mạnh ở nhiều nơi trong tỉnh, trong đó có các xã, phường mang từ “Long”. Hơn 40 năm nay, ở phường Long Thành Trung của thị xã Hoà Thành, phát triển nghề mây, tre với những sản phẩm giường, bàn, ghế, tủ, kệ được làm từ vật liệu mây tre rất bền chắc, tinh xảo, được người dân trong tỉnh ưa chuộng và xuất khẩu ra nước ngoài. Ở phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành nổi tiếng với nghề sản xuất nhang. Sản phẩm nhang của làng nghề này được sản xuất từ nguyên liệu bột lá gòn pha với bột quế và trầm hương. Vì thế, mùi hương của nhang rất nhẹ, màu sắc chỉ thuần một màu vàng và đỏ cổ kính. Nhang sản xuất ở đây không chỉ phục vụ cho người dân trong tỉnh mà còn phân phối cho nhiều tỉnh, thành miền Nam và xuất khẩu sang nước bạn Campuchia...

Về góc độ du lịch, ở Tây Ninh có một số khu du lịch sinh thái có từ “Long”. Quy mô lớn nhất là Khu du lịch sinh thái Long Điền Sơn, ở phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh. Khu du lịch này được xây dựng trên diện tích hàng chục héc-ta, trong đó, có nhiều công trình như khu resort, khu biển nhân tạo, sân khấu, rạp chiếu phim 5D, các trò chơi thuyền thiên nga, đua xe F1, xe điện đụng và nhiều tượng phật, tượng thần tài, tượng 12 con giáp cùng hệ thống cây xanh, hoa kiểng… Những năm qua, nơi đây trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho nhiều du khách trong, ngoài tỉnh. Khu sinh thái ẩm thực Long Trung, toạ lạc khu phố Long Trung, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành cũng có từ “Long”. Khu du lịch được xây dựng trên những ao nước trong xanh, rộng thoáng, không khí luôn trong lành, mát mẻ. Trong khu du lịch có nhà hàng và nhiều căn chòi riêng biệt, thích hợp cho việc tổ chức tiệc tùng, gặp gỡ bạn bè, người thân. Trong năm 2023 vừa qua, nơi đây được Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh tổ chức giao lưu các doanh nghiệp du lịch của Vương quốc Campuchia với số lượng hơn 120 người.

Ngoài những địa danh kể trên, ở tỉnh ta còn có nhiều trường học, trạm y tế, bưu điện văn hoá xã, phường, doanh nghiệp, quán bán thức ăn, quán nước giải khát… gắn liền với từ “Long”.

Nghề truyền thống mây tre ở phường Long Thành Trung.

Vươn lên mạnh mẽ

Đến nay, chưa thấy công trình nghiên cứu khoa học hay tài liệu nào lý giải vì sao Tây Ninh có nhiều địa danh gắn với từ “Long” như đã nêu trên. Từ điển Hán Việt có nhiều từ “Long”, trong đó 2 từ phổ biến nhất với nghĩa là “con rồng” và “thịnh vượng”. Phải chăng, khi đặt tên cho những vùng đất này, những bậc tiền nhân đều ước mơ trong tương lai, đời sống cư dân ở những vùng đất này sẽ vươn lên mạnh mẽ như rồng và giàu có thịnh vượng? Nếu vậy, có thể nói ước mơ của các bậc tiền nhân đã trở thành hiện thực. Tất cả vùng đất “ngũ Long” xưa kia- ngày nay đã trở thành vùng đất “thất Long” và những địa danh có từ “Long” khác trong tỉnh đều đạt tiêu chuẩn nông thôn mới hoặc nông thôn mới nâng cao. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đầy đủ. Đời sống kinh tế - văn hoá của cư dân ở những vùng đất này đều được nâng lên rõ rệt. 100% trẻ em đến độ tuổi đi học đều được đến trường. Đa số người dân được dạy nghề lao động nông thôn phù hợp với điều kiện lao động sản xuất ở từng địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương và địa phương đều được kéo giảm đến mức thấp nhất. Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng được quan tâm phụng dưỡng, chăm sóc trọn đời. Các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tặng nhà tình nghĩa, tình thương, đại đoàn kết, được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế.

Cả trăm năm qua, nhiều xã của huyện Bến Cầu, trong đó có các xã mang tên “Long” bị thiếu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp vào mùa khô, dẫn đến hạn chế phát triển kinh tế nông nghiệp. Tình trạng này sắp được giải quyết thoả đáng, bởi hiện nay công trình dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông sắp đến tưới mát trên nhiều cánh đồng của huyện Bến Cầu. Với sự quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp, kinh tế biên mậu, trong tương lai không xa, huyện biên giới này sẽ như con rồng thức giấc, chuyển mình vươn lên. Bên phía Đông sông Vàm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hoà Thành đang nỗ lực, phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chuẩn đô thị loại III- tương đương với TP. Tây Ninh hiện nay. Khi thị xã Hoà Thành lên thành phố, đời sống kinh tế, tinh thần của cư dân các xã, phường, thị trấn, trong đó có các địa phương gắn với từ “Long” chắc chắn sẽ được nâng lên một mức cao hơn.

Đình Long Thành- nơi thờ bậc tiền nhân có công khai hoang, mở đất “ngũ Long”- ông Trần Văn Thiện.

Gần 190 năm hình thành và phát triển, Tây Ninh từ một vùng đất hoang sơ trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh về các mặt và là điểm đến yêu thích của nhiều du khách gần xa. Để có được Tây Ninh như ngày hôm nay, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của cấp trên, sự nỗ lực xây dựng quê hương của Đảng bộ, chính quyền các cấp và toàn dân, phải chăng còn có yếu tố tâm linh vươn lên mạnh mẽ như rồng mà cha ông ta đã ẩn ý qua việc đặt tên các địa danh?

Thảo Nguyên

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục