Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nam Tây Ninh chiều 29 tết
Thứ sáu: 08:14 ngày 31/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Năm nào tôi cũng tự bố trí sớm một chuyến du xuân. Muốn hương xuân ư? Thì cứ phải là trước tết. Còn qua mùng 1 rồi thì ở đâu cũng trở lại êm đềm bình thản… như xưa. Năm nay là nhằm ngày 29 tết, tức 23.1.2020.

Nam Tây Ninh thôi! Miền đất xưa đã có nhiều thứ thành cổ tích. Toàn những thôn làng, bắt đầu có từ cuối thế kỷ 18. Như Cẩm Giang, Thạnh Đức, Thanh Phước, Bình Tịnh… đã thấy ghi danh trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Chuyên gia nghiên cứu Nam bộ Nguyễn Đình Tư thì cho rằng những thôn làng này đã có từ năm 1779, sau khi “Nguyễn Ánh đã khôi phục được đất Gia Định” (Tây Ninh xưa và nay- Tạp chí Xưa nay số 96, năm 2001).

Phần lớn các thôn làng còn lại được thiết lập vào các năm 1836- 1838, sau khi triều Minh Mạng cho lập phủ Tây Ninh (tháng 9.1836). Đến năm 1845, dưới thời vua Thiệu Trị thì quan Kinh lược sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực lại cho lập thêm 26 thôn làng mới nữa, trong đó có các thôn An Thạnh, Long Khánh thuộc huyện Bến Cầu ngày nay. Vậy là đa số các thôn làng phía Nam Tây Ninh, tính đến nay đã có trên 175 năm lịch sử.

Thị trấn Gò Dầu.

Đi về phía Nam. Cứ tưởng quốc lộ 22B ngày nghỉ tết đầu tiên sẽ rất đông người. Nhưng không! Dường như người đã kéo về hết từ đêm qua, để sớm nay còn rủ nhau đi chợ tết. Tôi định kiếm một cái chợ quê nho nhỏ mà không thể có, vì ngày cuối năm chợ nhỏ cũng thành to. Nào Long Yên, Cẩm Giang, Thạnh Đức, Hiệp Thạnh, Phước Trạch, chợ nào cũng tràn ra lề quốc lộ. Bát ngát và nồng ấm hương hoa. Nhiều nhất là cúc và vạn thọ; sau nữa là mai; rồi mới đến những trăm hồng ngàn tía của thược dược, đồng tiền, mào gà, bông giấy…

Cờ Tổ quốc bay phấp phới trước mỗi mái nhà, trước cổng chùa, miếu, thánh thất, điện thờ. Họ đạo Cẩm Giang còn kéo cả nửa cây số cờ hoa rực rỡ trên đường vào từ quốc lộ. Thú vị nhất là qua những cây cầu trên đất Gò Dầu, như Bàu Nâu, Rạch Sơn… hai hàng cờ cứ tíu tít bay trong gió lộng. Đến thị trấn thì cả một trời cờ đỏ, bay ngang, bay dọc ở trên đầu. Phố bỗng bừng lên tươi thắm biết bao, nâng đỡ hay thúc đẩy những tâm hồn người nôn nao cùng tết.

Phố cũ Trảng Bàng.

Thế là cứ nôn nao mà bươn tới Trảng Bàng. Qua những Vên Vên, Gia Bình đầy ắp màu xuân, thì phố Trảng đã vẫy chào, từ những ngọn dầu cổ thụ cao ngất ở chùa Phước Lưu và trung tâm văn hóa huyện. Tới đây thì chợ tết đã tràn ra không chỉ lề đường Xuyên Á hay đường vào An Hòa. Mà ngay cả khu chợ cũ cũng đã thành chợ chính, rào rạt người đi giữa hoa kiểng và trái quả.

Những cây dầu công viên đã thành các tán dù che xanh biếc trên đầu. Miếu ông Cả Đặng Văn Trước, Thành hoàng đình Gia Lộc vẫn trầm mặc với thâm nâu ngói cũ. Qua nữa là tới dòng kênh ông Cả đã chỉ huy dân binh đào từ cách nay 200 năm. Lục bình bập bềnh trên con nước sông xuân lai láng màu mây nước.

Rẽ lối An Hòa thôi, để còn mau chóng vượt sông Vàm Cỏ Đông sang các xã cánh Tây, kể từ đây đã trở thành các xã ngoại thị của Thị xã Trảng Bàng. An Hòa bên này đã trở nên phường, nhưng vẫn còn những ngôi nhà ba gian ngói cũ cùng sân gạch vườn hoa, và cả một rặng mai vàng rực rỡ trước sân nhà.

Qua cầu Hàn là đã tới khu công nghiệp Thành Thành Công. Đã vắng ngơ vắng ngắt người trong một khu mênh mông toàn những mái nhà cao thấp màu xanh hay sáng. Người đã về nghỉ tết rồi, chỉ còn vài người thợ và các anh bảo vệ đang làm những phần việc cuối cùng của năm cũ còn sót lại.

Nhà ở An Hòa.

Đến gần sông, thấy giăng giăng hàng cột điện nối dài. Hai bên đường là bãi rộng mênh mông sắp đặt những giàn pin điện mặt trời. Trắng và đen lấp lóa. Thì ra đây mới là nhà máy Điện mặt trời đầu tiên trên đất Tây Ninh. Qua hết nhà máy là đã thấy lênh khênh nhà đợi phà An Hòa- Lái Mai. Lác đác mươi người đứng đợi. Con phà từ bên kia chậm chạp trườn qua. Trên phía thượng nguồn, giữa nền trời nước nổi bật dáng hình những cột trụ cao và cần cẩu tháp. Đấy là nơi cầu An Hòa đang được hình thành.

Kể từ đây, tôi được ngắm một màu xuân bền bỉ nhất ở miền đất cánh tây xứ Trảng. Đấy là màu lúa Đông Xuân đang thì con gái dâng đầy trên những cánh đồng bao la của Bình Thạnh, Phước Lưu và Phước Chỉ. Kể từ năm 1838, miền đất được định danh là Phước Chỉ này cũng đã có gần 200 mùa xuân. Và có lẽ cũng là 200 năm màu lúa xuân rạo rực lòng người mỗi khi tết đến.

Chuyến phà cuối năm âm lịch.

Đi qua một vài xóm vắng trải dài theo rạch Me hay rạch Trà Cao. Xuân đến lặng lẽ hơn, nhưng không đâu thiếu sắc mai vàng. Những cây mai vườn, cùng nhau bung hoa, tần ngần soi bóng nước. Trước những căn nhà trệt còn đơn sơ hay đã lên lầu kiểu này kiểu khác, người đang lao xao dọn rửa nhà hay ngồi chưng bông kiểng, sửa soạn các bàn thiên. Vài mâm cơm cũng đã được bày ra trước các hiên nhà.

Qua Bình Thạnh lại gặp một hình ảnh mà ở TP.Tây Ninh đã trôi vào quá khứ. Đấy là ở chợ Bình Thạnh. Người ta vẫn bán và mua những cành mai đầy nụ cùng hoa. Dân phố nay đã chơi mai kiểng nguyên cây. Ai muốn mua cành mai về chưng, thì phải đến chợ Long Hoa mới có.

Cầu An Hòa đang xây dựng.

Viếng thăm vài ngôi đình nữa. Thì ở đình Phước Chỉ gặp ngay Ban Hội đình đang sắp xếp chuẩn bị bình bông, hoa trái các ban thờ. Đình Long Thuận (Bàu Gõ) cũng được lau rửa tinh tươm sạch sẽ. “Ông” Hổ cũng được tắm gội đàng hoàng chiều 29 tết này đây. Trong khi đó ở Dinh Ông và chùa An Phước đã khá đông người đến viếng và dâng cúng.

Về tới thị trấn Bến Cầu, lại rừng rực cờ hoa. Trải dọc các tuyến đường và nhất là bao quanh bùng binh trung tâm có cột đồng hồ, đâu đâu cũng chang chói sắc mai vàng và màu cờ đỏ. Những gam màu nâng đỡ tâm hồn người còn đi với ta trên đường về lại phố.

Khắp một miền đất nước phía Nam Tây Ninh, bừng bừng sức sống thanh xuân thời hiện đại. Phố với làng, dòng sông và đồng lúa vẫn hài hòa đầm ấm bên nhau. Không chỉ có con người đâu! Mà tất cả như đã cũng về lại bên nhau, dưới mái nhà xưa đầm ấm. Quá khứ và hiện tại, tương lai như cùng đan cài, hiển hiện trên miền đất quê hương của “Núi Điện sông Vàm”.

N.Q.V

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục