Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vừa bước chân vào cổng Cụm cơ động chó nghiệp vụ 2, tiếng sủa ồm ồm của những chú chó Berger vang lên khiến chúng tôi cúm chân, không dám nhúc nhích. Người chiến sĩ bảo vệ lên tiếng trấn an: “Không sao đâu, đi vào với tôi”, nói xong, anh dẫn chúng tôi vào phòng khách.
Gương mặt chó Berger Đức luôn thể hiện sự tinh anh.
Thao trường quân khuyển cũng đổ mồ hôi
Cụm cơ động chó nghiệp vụ 2 thuộc Trường trung cấp 24, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Hà Nội). Trước đây, cụm toạ lạc ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Từ tháng 5.2016, đơn vị di dời về trụ sở mới nơi Đại đội cơ động Biên phòng Tây Ninh từng đóng quân (gần nhà đón tiếp khách của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên).
Hiện nay, cụm cơ động này đảm trách việc huấn luyện nghiệp vụ cho một số loài chó để làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bảo vệ mục tiêu kinh tế, chính trị của đất nước, tham gia chiến đấu truy lùng gián điệp, trinh sát xâm nhập hay truy tìm dấu vết tội phạm, canh gác, tuần tra bảo vệ các trại giam v.v… Ở Cụm cơ động có nhiều loài chó, mỗi loài được huấn luyện vào mục đích khác nhau.
Như loài chó Berger của Đức có thể hình cao lớn, khoẻ mạnh, thần kinh vững vàng, tinh thần dũng cảm nên được huấn luyện để sử dụng vào mục đích chiến đấu, tấn công trấn áp tội phạm. Bên cạnh đó, các giống chó khác như Pitbull Mỹ, Berger Bỉ, Nga- đều có tố chất trấn áp tội phạm. Ngoài ra, Cụm còn huấn luyện những giống chó nhỏ hơn để tìm kiếm cứu nạn, đánh hơi lần theo dấu vết, dò tìm chất ma tuý, thuốc nổ, chất gây cháy và nhiều nhiệm vụ khác.
Phút nghỉ giải lao vui vẻ của chiến sĩ Phùng Chu An với chú chó Dona.
Câu chuyện giữa chúng tôi với các cán bộ chưa dứt thì đã tới giờ huấn luyện chó. Từ phía sau doanh trại, một số chiến sĩ dẫn những chú chó Berger ra “thao trường”. Đấy là một khoảng đất trống, diện tích lớn hơn sân bóng đá mi ni. Trên mặt sân trồng cỏ xanh mướt và được bố trí một số vật cản như hàng rào, tường, vòng tròn lửa v.v…
Các chiến sĩ điều khiển những chú chó tập trung ra sân đợi lệnh. Một cán bộ bước ra, thực hiện nghi thức chào nhau và đọc to nội dung tập luyện. Buổi huấn luyện bắt đầu. Theo hiệu lệnh của các chiến sĩ, những chú chó tập luyện các động tác đứng nghiêm, đứng trên hai chân, bắt tay, ngồi xuống, nằm sát mặt đất, bò nhẹ, không được sủa…
Chó Berger của Đức- một trong những loài được huấn luyện để chiến đấu.
Mỗi một động tác, các chú chó phải lặp đi lặp lại hàng chục lần và không phải lần nào những chú quân khuyển này cũng hoàn thành tốt bài tập. Cứ mỗi lần thực hiện không đạt yêu cầu, các chiến sĩ kiên trì hướng dẫn những “đồng đội bốn chân” này tập lại. Sau cả giờ quần thảo ngoài sân nắng, không chỉ chiến sĩ đổ mồ hôi, mà những người bạn bốn chân cũng lè lưỡi thở hổn hển.
Nhìn chiến sĩ cùng các chú quân khuyển quần thảo trên sân, Thiếu tá Lê Văn Đăng- Chính trị viên Cụm cơ động chó nghiệp vụ 2 chia sẻ, những chú chó này đều là “tân binh”, nên nhiều động tác chưa thuần thục. Thiếu tá Đăng cho biết, một chú cún con nuôi từ 9 tháng đến 1 năm tuổi mới bắt đầu tuyển chọn đưa vào huấn luyện. 3 tháng đầu chỉ huấn luyện những động tác cơ bản; sau đó, sẽ tuyển chọn ra những chú chó có năng khiếu riêng và đưa vào huấn luyện chuyên ngành cho phù hợp.
Dành thời gian cho chó nhiều hơn… người yêu
Những cán bộ, chiến sĩ đã và đang huấn luyện chó nghiệp vụ đều có tình cảm rất đặc biệt đối với những “đồng đội bốn chân” của mình. Bí thư Chi đoàn Cụm cơ động chó nghiệp vụ 2 Nguyễn Văn Đại từng có thời gian làm công tác huấn luyện chó nghiệp vụ. Nhiều năm nay, anh thôi đảm trách công tác chỉ đạo huấn luyện chó, nhưng tình cảm đối với các “chiến hữu” vẫn còn nguyên như ngày nào. Đại kể, hồi mới tốt nghiệp ở trường, anh được giao huấn luyện một chú chó Berger rất hung dữ. Công tác thuần phục chú chó này vô cùng gian nan, vất vả.
Huấn luyện đội hình đội ngũ.
“Tuần lễ đầu tiên, chú chó này luôn có phản ứng tự vệ. Khi tôi đến gần, nó gầm gừ, sủa, có khi cắn”, Đại nhớ lại. Thế nhưng, với những kiến thức được trang bị, Đại biết đây là đặc tính của một chú chó giỏi, nên anh quyết tâm thuần phục bằng được. Kiên trì làm quen, dần dần, chú chó hiểu được thành ý của chủ nhân nên trở thành thân quen.
Mỗi ngày của Đại bắt đầu từ buổi sáng: dọn dẹp vệ sinh, tắm, chải lông, cho chó ăn uống và dẫn ra thao trường huấn luyện. Đến trưa, tất cả nghỉ ngơi. Buổi chiều lại tiếp tục huấn luyện. Đại nói vui: “Thời gian tôi dành cho chó còn nhiều hơn dành cho người yêu”.
Trong quá trình huấn luyện, anh áp dụng nhiều biện pháp như dùng khẩu lệnh ngắn, gọn, dễ hiểu và lặp đi lặp lại. Khi chó thực hiện đúng, anh thưởng bằng cách vuốt ve nhẹ hoặc thưởng thức ăn. Khi nó thực hiện sai động tác phải áp dụng hình thức khác.
Qua ba tháng quân trường, chú chó đã thực hiện được các động tác cơ bản như đứng, ngồi, nằm, nghe khẩu lệnh, tín hiệu và trở thành đồng đội thân thương. Tình thương Đại dành cho chú chó này sâu nặng đến nỗi, khi Đại ngưng làm công tác huấn luyện và chuyển vào miền Nam phụ trách việc quản lý huấn luyện, Đại phải xin đơn vị cho chú chó này “thuyên chuyển” theo.
“Thấy nó quyến luyến quá mình đi cũng không đành. Và mặc dù vào Cụm cơ động chó nghiệp vụ 2, chú chó của tôi phải chuyển giao cho chiến sĩ khác vì mình không còn trực tiếp huấn luyện, nhưng thời gian đầu, tôi vẫn theo cho nó ăn để cả người lẫn chó đỡ nhớ nhau”, Bí thư Chi đoàn tâm sự.
Tại Cụm cơ động chó nghiệp vụ 2, thời gian nghỉ giải lao giữa buổi huấn luyện không hẳn là giờ nghỉ. Vì lúc ấy, chúng tôi nhìn thấy hình ảnh các huấn luyện viên ngồi dưới bóng mát, ân cần vuốt ve hay đùa vui với đồng đội quân khuyển đang quấn quýt bên mình. Chiến sĩ Phùng Chu An, 23 tuổi cho hay, trước đây, anh là học viên của Trường trung cấp 24.
Huấn luyện động tác bò trinh sát.
Tốt nghiệp ra trường, anh được giao huấn luyện chú chó Dona này. Dona là giống chó Berger Đức, năm nay được 4 tuổi. Trải qua một thời gian luyện tập trên thao trường, An và Dona trở thành đôi bạn thân từ lúc nào không hay. An quê ở miền Bắc vào Nam công tác, nên nhiều lúc không khỏi nhớ nhà. “Những lúc như thế, tôi chuyện trò, tâm sự với Dona như một người bạn tri kỷ. Ngược lại, những khi đi công tác hoặc về thăm gia đình, tôi lại nhớ Dona đến quay quắt, không chịu được”, chiến sĩ trẻ này bộc bạch.
Chiến trường lập công hiển hách
Thiếu tá Doãn Anh Quốc- Chỉ huy trưởng Cụm cơ động chó nghiệp vụ 2 cho biết, những chú chó non nớt này, sau một thời gian huấn luyện sẽ trở thành những chiến sĩ quân khuyển dũng mãnh, có nhiều chú lập được chiến công hiển hách. Như vụ án Hoàng Cơ Minh. Ngày 22.2.1990, Chuẩn uý Ma Văn Ngân, Đồn Biên phòng 617 Quảng Trị đã dùng chó nghiệp vụ Ơ Vi truy lùng bắt được 4 tên phản động trong nhóm Hoàng Cơ Minh xâm nhập qua biên giới.
Ngày 11.9.2004, huấn luyện viên Trần Thanh Long sử dụng chó nghiệp vụ Rô Man cùng đội công tác của Đồn Biên phòng 547 Nghệ An dũng cảm truy lùng, bắt gọn 7 tên phỉ. Cuối năm 2007, đội công tác của nhà trường tham gia tìm kiếm cứu nạn tại vụ lở núi ở công trình thuỷ điện Bản Vẽ (tỉnh Nghệ An) đã tìm nguồn hơi, xác định được vị trí và phối hợp với các lực lượng tìm thấy thi thể của 11 nạn nhân bị vùi lấp ở độ sâu từ 2 đến 13 mét.
Tháng 8 năm 2008, đội công tác sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn giúp người dân tìm kiếm người và tài sản bị mất tích trong trận lũ quét tại địa bàn xã Trịnh Tường (tỉnh Lào Cai), đã xác định chính xác 21 vị trí, tìm được nhiều tài sản có giá trị cho người dân.
Tiếp đó, tháng 5.2009, huấn luyện viên cùng chó nghiệp vụ tìm kiếm người bị mất tích trong trận lũ quét tại xã Pa Tý (tỉnh Nghệ An), tìm được 1 thi thể nạn nhân và nhiều tài sản có giá trị trả lại cho người dân. Tháng 7.2009, các chú chó tham gia tìm kiếm người bị mất tích trong trận sạt lở núi tại xã Công Bằng (tỉnh Bắc Kạn), tìm được 1 thi thể, 13 triệu đồng tiền mặt và nhiều tài sản có giá trị khác.
Tháng 11.2009, Đội cơ động sử dụng chó nghiệp vụ phối hợp cùng với lực lượng phòng chống tội phạm ma tuý mật phục, bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển ma tuý có vũ trang từ Lào vào Việt Nam, thu 50 bánh heroin, 398 viên ma tuý tổng hợp, 2 súng quân dụng và nhiều tang vật khác. Khó có thể liệt kê hết chiến công của các chú “quân khuyển” trong việc cứu nạn cứu hộ. Ví dụ như còn vụ sạt lở núi tại xã Háng Tầu Dê (tỉnh Yên Bái), sạt mỏ đá Lèn Cờ (tỉnh Nghệ An), ở Đồng Bảng (tỉnh Hoà Bình)...
Đặc biệt, từ năm 2010 đến 2011, Đội công tác Trường Sa gồm 5 huấn luyện viên và 3 chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm đưa chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quân chủng Hải quân, Bộ Tổng tham mưu tặng bằng khen.
Huấn luyện động tác đứng hai chân.
Tháng 6.2012, Cụm cơ động 3 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia diễn tập cùng Binh đoàn 15 Tây Nguyên xử lý tình huống đánh địch đột nhập phá hoại cơ sở sản xuất của nhà máy chế biến mủ cao su, được Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 tặng bằng khen.
Năm 2013, nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tham gia diễn tập ứng phó động đất và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam); diễn tập thực binh ứng phó thảm hoạ khẩn cấp khu vực ASEAN năm 2013 (ARDEX13), được Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen.
Cuối năm 2014, thực hiện kế hoạch của Bộ Tư lệnh, nhà trường đã thành lập các đội BP14, CM14 sử dụng chó nghiệp vụ tham gia cùng các lực lượng ngăn chặn vượt biên, buôn lậu, vận chuyển ma tuý trên các tuyến biên giới...
Sau thời gian khoảng 10-15 năm làm nhiệm vụ, các chú chó được nghỉ hưu theo chế độ. Những chú chó này được “trở về mái nhà xưa”, quay lại Trường trung cấp nghiệp vụ 24. Ở đó, các cựu binh quân khuyển có khu ăn ở, chăm sóc, khi chết sẽ được chôn cất tại nghĩa địa riêng. Những chú chó có thành tích đặc biệt được làm bia vinh danh, tưởng nhớ và được nhồi bông để giữ nguyên hình dáng, trưng bày trong phòng truyền thống.
Thiếu tá Quốc tự hào cung cấp thêm thông tin: “Với những thành tích đã đạt được, Trường đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh, UBND các tỉnh tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Ba, cờ thi đua xuất sắc …”.
Thảo Nguyên