BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nạn bói toán nhảm nhí: Bó tay?

Cập nhật ngày: 20/02/2011 - 11:24

Tệ nạn đồng bóng, bói toán, cho số đề… đã nhiều lần được phản ánh trên Báo Tây Ninh. Chính quyền địa phương một số nơi cũng đã xử phạt hành chánh và đưa ra công khai hoá những người hành nghề mê tín dị đoan. Nhưng không hiểu sao hiện nay một số “thầy bà” vẫn vô tư hoạt động? Thậm chí còn... mọc thêm các thầy bà mới.

Thấy có khách đến, ông Hồ Văn Hẹ, 71 tuổi, ở ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu tỏ vẻ phấn khởi. Ông pha cho chúng tôi một ca nước đá bảo uống cho đỡ mệt. Trong khi chúng tôi uống nước, ông tranh thủ “quảng cáo” về nghề của mình. Ông kể 13 năm trước đây, ông làm nghề bán nước tương, nước mắm dạo trong xóm. Thế rồi được… Quan Lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản nhập vào, dạy cho cách xem bói, trị bệnh. Từ đó, ông xây am thờ Quan Lớn Trà Vong trước sân nhà và từ bỏ nghề bán nước mắm dạo “chuyển hệ” sang nghề bói toán. Ông khoe, từ Tết đến giờ có nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến nhờ ông gieo quẻ đầu năm. “Mới hôm qua, một xe chở 16 người từ Sài Gòn đến đây, cúng thầy và nhờ tôi xem bói, mệt muốn chết”. Kể xong, ông mặc áo dài đỏ, quấn khăn lên đầu, thắp nhang, lẩm bẩm trong miệng để gọi hồn. Sau khi hô lên một tiếng, ông bắt đầu đổi giọng, nói theo kiểu… “bề trên” nhập. Ông giảng đủ thứ chuyện về tình duyên, gia đạo, kể cả… cho số đề, rồi viết cho mấy chữ bảo chúng tôi mang về dán trước cửa nhà. Cuối cùng là lấy mộc ra ấn vào một xấp giấy vàng, bảo chúng tôi mỗi ngày đốt một tờ để mua may bán đắt.

Thầy Hẹ cho số đề

Trên đường về, chúng tôi ghé hỏi thêm một người ở cùng xóm ông Hẹ, được biết, mấy ngày qua, ông vẫn thường xuyên coi bói cho khách. Năm ngoái, ông đã từng bị UBND xã Cẩm Giang xử phạt hành chính vì hành nghề bói toán, trị bệnh tà ma và ông đã viết cam kết không hành nghề này nữa. Thế nhưng hiện tại ông vẫn ung dung kiếm tiền bằng những trò mê tín dị đoan.

Năm 2010, ông “thầy” Năm Nho, ở ấp Bình Long, xã Thái Bình cũng là người đã bị UBND xã Thái Bình phạt và đưa ra công khai hoá trước dân. Thế mà Tết năm nay, ông vẫn không bỏ nghề cũ. Khi chúng tôi đến trong vai người đi coi bói, ông thận trọng mở cửa cho chúng tôi vào rồi bảo đẩy xe mô tô ra sau vườn và khoá cửa lại. Trước khi lấy bài ra coi, ông ấm ức kể chuyện năm ngoái bị chính quyền địa phương xử phạt: “Hôm đó tôi đang tắm, có một bà già vào kêu xem bói. Thế là chính quyền địa phương kêu tôi lên xã, phạt 2 triệu đồng, rồi quay phim, chụp hình đưa lên đài, lên báo tùm lum. Chẳng có gì làm bằng chứng thế mà vẫn phạt tôi”. Sau khi trút được bầu tâm sự, ông bắt đầu hỏi tuổi tác và lấy giấy viết ra viết cho chúng tôi đầy hai trang giấy học trò với nội dung… lung tung. Từ việc phải “thờ ngũ công vương phật” đến “phòng xe cộ, tiền bạc. Phòng bị ngộ độc”. Ông thầy này có vẻ “tài giỏi” đến mức đồng nghiệp của tôi còn độc thân và chúng tôi cũng chẳng phải vợ chồng thế mà ông dám quả quyết rằng cô bạn của tôi đang “có nghén” (?). Ông lý giải, những năm qua chúng tôi không sinh con được là vì “vợ” tôi ăn chay trường. Ông còn hướng dẫn cách sinh con theo ý muốn. Vừa huyên thuyên nói xàm, ông vừa lắng tai nghe ngóng động tĩnh xung quanh. Mỗi lần có tiếng chó sủa ngoài cổng, tiếng gà kêu sau nhà là ông liền dừng lại, chạy ra quan sát rồi mới trở vô xem tiếp. Sau khi lấy tiền công, đút túi, ông ra mở cổng cho chúng tôi về, không quên cẩn thận ngó trước nhìn sau xem có ai theo dõi không? Chúng tôi vừa ra khỏi cổng, một khách hàng khác bước vô và ông lại bảo đẩy xe ra sau vườn.  

Ở ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành có một bà thầy bói tên Đỗ đang được nhiều người tìm đến. Đã qua rằm tháng Giêng mà nhà bà thầy này lúc nào cũng có 4 – 5 người đến nhờ xem bói. Trong lúc ngồi chờ đợi, chúng tôi thử hỏi thăm và để ý theo dõi mới thấy, hầu hết những người đến đây xem bói đều được bà thầy phán nội dung na ná như nhau và nếu ai nghe theo bà coi chừng dễ đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Đại khái như: “Tình cảm chồng cô đang có vấn đề”, “Ở gần nhà cô có một bà giá (goá) đang để ý chồng cô”… Những lời nói vô căn cứ ấy khiến không ít thân chủ lộ vẻ hoang mang, lo lắng. Đến lượt chúng tôi, bà cũng phán cho những câu “xanh dờn” mà nếu chúng tôi là vợ chồng thật chắc không tránh khỏi cảnh lục đục. Bà thầy này cũng có cách cảnh giác riêng. Bà luôn ngồi khuất sau cánh cửa, mỗi lần nghe tiếng xe mô tô là bà đều dừng tay chia bài, mắt nhìn thom lom ra cổng.

 Tuy các thầy bói đều có sự “cảnh giác” cao nhưng trên thực tế muốn xâm nhập để bắt quả tang việc hành nghề của họ là chuyện không khó. Thế nhưng không hiểu vì sao, bao năm qua rồi, nhiều địa phương vẫn cứ như không hay biết hoặc có hay biết mà vẫn thản nhiên? Lẽ nào không thể dẹp được nạn bói toán, truyền bá mê tín dị đoan đang tồn tại?

Trường Sơn – Ngô Tuyết