BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhân lực y tế thiếu hụt - Bài toán cần lời giải:

Nan giải bài toán điều dưỡng? 

Cập nhật ngày: 31/07/2022 - 14:01

BTNO - Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh đang cần 89 điều dưỡng để có thể giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự tạm thời. Ngoài ra, ngành y tế công lập còn phải chịu áp lực “thiếu nhân lực” từ bộ phận chuyên môn tới các bộ phận gián tiếp.

Hiện tại, mỗi điều dưỡng phải choàng việc cho 4-5 người, một người phải chăm sóc cho hàng chục bệnh nhân, phải trực đêm liên tục không có thời gian tái tạo sức lao  động.

Thiếu điều dưỡng trầm trọng

Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh (BVĐK) là bệnh viện hạng II, gồm 700 giường chỉ tiêu và gần 900 giường thực tế. Có 767 cán bộ, nhân viên y tế và người lao động. Từ năm 2021 đến nay, Bệnh viện ĐKTN có khoảng 30 nhân viên y tế nghỉ việc gồm biên chế và hợp đồng.

Trong đó, có 5 bác sĩ, 4 hộ lý, còn lại là điều dưỡng, kỹ thuật viên X-quang, xét nghiệm và các vị trí khác... Con số này cao hơn so với năm 2020. Điều đáng nói, những người xin nghỉ việc phần lớn đã được đào tạo bài bản, có chuyên môn, kinh nghiệm.

Chị Aise (SN 1987, dân tộc Chăm), làm điều dưỡng Khoa Nội A Bệnh viện ĐKTN hơn 10 năm. Sau đợt dịch Covid-19, do nhiều nguyên nhân, chị đã 2 lần nộp đơn xin nghỉ việc, mặc dù Ban Giám đốc bệnh viện đã động viên chị ở lại, tuy nhiên, chị Aise vẫn luôn trong tâm thế “sẵn sàng đi” khi có người thay thế. “Tôi cũng yêu nghề, yêu công việc của mình, nhưng vì cuộc sống, mẹ già bệnh tật nên tôi xin nghỉ việc.

Thay vì đi làm trong bệnh viện, phải trực đêm tua 2, tua 3, mỗi ca trực chỉ có tiền cơm 25.000 đồng/ngày, như vậy sao đủ sống? Tôi nghỉ việc ở nhà cũng có việc làm, vì nghề này có thể đi đến nhà chăm sóc bệnh nhân, truyền thuốc, thay băng, tiêm thuốc....”- chị Aise bày tỏ.

Tương tự, Khoa Nội B, Nội C dù có rất đông bệnh nhân, lúc nào cũng trong tình trạng kín chỗ, thậm chí còn nằm ngoài hành lang, nhưng khoa không đủ bác sĩ, điều dưỡng trực chăm sóc điều trị.

Bác sĩ CKII Phan Thanh Tâm- Phó Giám đốc BVĐKTN nhìn nhận tình trạng nhân lực Bệnh viện vẫn chưa đủ để triển khai một cách đầy đủ. Trước đó, do thực hiện công tác phòng, chống dịch, Bệnh viện đã nhập một số khoa lại để mở rộng khu điều trị Covid-19.

Khi công tác điều trị trở lại bình thường, lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh cũng ngày càng tăng, kéo theo đó là tình trạng thiếu bác sĩ, điều dưỡng do nghỉ việc khá nhiều. “Hiện nay bệnh rất đông. Riêng khoa Nội B, Nội C đã có trên 200 lượt điều trị nội trú, chỉ tiêu của khoa là 160 giường bệnh. Cái khó rất lớn của bệnh viện là thiếu người”- bác sĩ Tâm nói.

Ông cho biết thêm, bệnh viện có 59 bác sĩ, 316 điều dưỡng, trong đó có 318 biên chế, 57 hợp đồng. “Nếu xét theo nhu cầu của bệnh viện, chúng tôi thiếu 35 bác sĩ và 89 điều dưỡng để có thể giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự tạm thời.

Ngoài ra, chúng tôi còn thiếu cả đội ngũ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và xét nghiệm. Chưa khi nào chúng tôi thiếu nhân lực trầm trọng như hiện nay”, bác sĩ Tâm nói.

Bệnh viện đang cần 35 bác sĩ và 89 điều dưỡng để có thể giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự tạm thời.

Không có thu nhập tăng thêm

Trong giai đoạn dịch bệnh, hầu hết các hoạt động khám bệnh thông thường đều bị thu hẹp, chuyển hẳn qua điều trị Covid-19 nên nguồn thu cũng bị hạn chế rất nhiều. Hiện tại, Bệnh viện đã tự chủ về tài chính, không có nguồn thu cũng đồng nghĩa với việc toàn thể nhân viên bệnh viện không có nguồn thu nhập tăng thêm ngoài lương. Chính mức thu nhập quá thấp không bảo đảm cuộc sống trong khi áp lực công việc ngày càng lớn khiến nhiều người chán nản, chỉ muốn nghỉ việc để ra ngoài làm. 

Trường hợp bác sĩ V.D. là một ví dụ. Là bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao, công tác tại BV hơn 10 năm nhưng vẫn nghỉ việc ra làm kinh tế gia đình. Số khác, sau khi ra trực phải đi làm thêm chỗ này chỗ kia, bán hàng online để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

“Mọi năm được tiền thưởng 500 ngàn đồng/người. Nhưng hai năm nay không có luôn. Khen thưởng cuối năm mà chỉ được cầm giấy khen thành tích, còn tiền khen thưởng cũng không thấy đâu mà chỉ biết cười trừ”- một nhân viên bệnh viện nói. 

Theo bác sĩ Tâm, so với thời giá hiện tại, thu nhập của điều dưỡng khó khăn gấp bội, trong khi công việc lại nặng, phải trực đêm liên tục, không có thời gian tái tạo sức lao động, nhất là trong hoàn cảnh thiếu nhân lực như hiện nay, một người phải choàng việc cho 4 - 5 người. Có những lúc cao điểm, bệnh viện tiếp nhận từ 150 - 200 bệnh nhân, khi đó mỗi bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc hàng chục bệnh nhân. 

“Tất cả các bệnh viện công đều thiếu điều dưỡng. Thiếu bác sĩ, vẫn còn nguồn bác sĩ đào tạo theo địa chỉ để về cung ứng cho ngành y tế địa phương. Nhưng thiếu điều dưỡng, chúng tôi gần như “bó tay”, nhất là những điều dưỡng có chuyên môn, có thâm niên công tác. Chúng tôi không thể tìm đâu ra để bổ sung vào các khoa khi số lượng điều dưỡng, bác sĩ bỏ việc gần như năm nào cũng có”- bác sĩ Tâm chia sẻ.

Bác sĩ Tâm cho biết: “Chỉ việc lo chi trả lương cho anh em là đã mệt rồi, còn nói tới thu nhập tăng thêm. Mà không có thu nhập thì khó mà giữ chân bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế. Bệnh viện Đa khoa gần như chưa triển khai được dịch vụ khám, điều trị theo yêu cầu nên khó tạo thêm nguồn thu nhập”.

Để có thêm nguồn thu, bệnh viện đã xây dựng các đề án, tìm nhiều giải pháp để tăng thu nhập cho toàn thể nhân viên. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều nên hơn 2 năm nay vẫn chưa thực hiện được.

Giải pháp tạm thời

Trước thực trạng điều dưỡng thiếu, bác sĩ thiếu, bệnh viện cũng đề ra nhiều giải pháp. Theo bác sĩ Tâm, khó khăn này đến từ nguồn đầu vào, bệnh viện chủ yếu xét tuyển bác sĩ từ nguồn đào tạo theo địa chỉ, nguồn bác sĩ tự do rất ít.

Điều dưỡng chủ yếu từ Trường trung cấp y tế Tây Ninh, nhưng phải thi tuyển. Trước mắt, Bệnh viện mời 5 bác sĩ đã về hưu trở lại bệnh viện công tác. Đây là chính sách đã được UBND tỉnh thông qua từ nhiều năm nay.

Đối với điều dưỡng, bệnh viện đang hoàn thiện các bước về lương, thu nhập để hợp đồng lại. “Chúng ta thấy, cứ một cái vòng lẩn quẩn, điều dưỡng bỏ việc, rồi không có điều dưỡng tuyển vô thì nhân lực thiếu rất trầm trọng, công việc phải nhân lên gấp nhiều lần.

Đó là một bế tắc “công việc nặng - thu nhập thấp - điều dưỡng bỏ việc”. Một trong những giải pháp hiện tại là chúng tôi đã đề nghị và đã được chấp nhận tuyển những điều dưỡng về hưu còn sức khoẻ, còn nhiệt huyết cống hiến, tiếp tục làm việc để phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện”.

“Trong giai đoạn hiện nay, mong các bác sĩ, điều dưỡng vững tâm hỗ trợ bệnh viện. Bệnh viện sẽ cố gắng tạo thêm những nguồn thu mới, tiếp tục đề xuất những giải pháp, đồng thời tiến tới làm dịch vụ khám, chăm sóc và điều trị. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian sớm nhất, các đề xuất của bệnh viện được thông qua, có như vậy bệnh viện mới giữ chân được nguồn nhân lực”- bác sĩ Tâm chia sẻ.

Nhận định của Sở Y tế, do các nhân viên y tế phải làm việc trong môi trường có áp lực rất cao, lây nhiễm, sang chấn tâm lý, quá tải công việc, stress, gánh nặng thủ tục hành chính giấy tờ, thanh toán liên quan đến dịch bệnh Covid-19 gây áp lực trong công việc phòng, chống dịch với thời gian quá dài… dẫn tới xu hướng nghỉ việc và thiếu nhân lực nghiêm trọng.

Cũng sau đợt dịch thứ tư này, sự thiếu hụt nhân lực ngành Y tế ngày càng nhiều, nhiều cán bộ y tế đã trầm cảm, stress, thậm chí hy sinh và đang nằm điều trị tại bệnh viện sau thời gian dài kiệt sức chống dịch, vì vậy, nhân lực y tế đã mỏng nay càng mỏng hơn.

Tâm Giang