Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Hãng tin AP, ngày 12-11, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson công bố biện pháp chi tiêu tạm thời của đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa, nhưng đã nhanh chóng vấp phải sự phản đối của các nhà lập pháp từ cả hai đảng trong Quốc hội. Nhà Trắng cũng không ủng hộ đề xuất này.
Kéo dài thời gian
Dự luật do ông Mike Johnson đề xuất gồm 2 bước. Bước 1 là các gói ngân sách tài trợ cho các bộ phận chính của Chính phủ Mỹ (có thời hạn tới ngày 19-1-2024), gồm cấp ngân sách đến ngày 19-1-2024 cho các hoạt động xây dựng quân sự, phúc lợi cựu chiến binh, vận tải, nhà đất, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), năng lượng và các chương trình liên quan đến nước.
Bước 2 là gói ngân sách cho các hoạt động còn lại của chính phủ liên bang, sẽ hết hạn ngày 2-2-2024. Đây là nỗ lực đầu tiên của ông Mike Johnson, nhằm kéo dài thêm thời gian để quốc hội nước này có thể thông qua các dự luật chi tiêu cụ thể. Tuy nhiên, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho rằng, đề xuất về ngân sách không phù hợp và sẽ khiến chính phủ nước này có nguy cơ phải đóng cửa nhiều lần nữa.
Một nhà máy sản xuất của Tập đoàn Boeing, Mỹ
Nguy cơ ngân sách Chính phủ Mỹ cạn kiệt vào ngày 17-11-2023 đã làm sống lại những tranh cãi chi phối các cuộc họp của Đảng Cộng hòa suốt một năm qua (người tiền nhiệm của ông Johnson là ông McCarthy bị hạ bệ cũng một phần vì quyết định thông qua đề xuất tạm thời ngăn chính phủ bị đóng cửa). Hạ viện dự kiến bỏ phiếu về dự luật trên trong ngày 14-11.
Dự luật này phải được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua thì Tổng thống Joe Biden mới có thể ký thành luật trước ngày 17-11. Nếu không, Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa một phần lần thứ 4 trong 10 năm qua, dẫn đến đóng cửa các công viên quốc gia, làm gián đoạn việc trả lương cho khoảng 4 triệu công nhân liên bang và cũng như nhiều hoạt động từ giám sát tài chính đến nghiên cứu khoa học.
Khó thỏa hiệp
Các thành viên đảng Cộng hòa với thế đa số tại Hạ viện sẽ dành cả tuần tới để tìm cách thông qua các dự luật chi tiêu cả năm, dự đoán khó có cơ hội thông qua tại Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số. Theo dữ liệu phân tích voteview.com của Hãng tin Reuters - một công cụ được các nhà khoa học chính trị phát triển để đo lường tinh thần đảng phái, các thành viên Quốc hội đang bị phân cực hơn bao giờ hết.
Chính vì vậy, rất khó để có sự thỏa hiệp. Jeff Lewis, nhà khoa học chính trị tại Đại học California, Los Angeles, người vận hành voteview.com, cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ gặp phải tình trạng nào như thế này. Không có bất kỳ chiến lược nào có thể giành được phiếu bầu từ đảng Dân chủ trong tình huống như này”.
Reuters nhận định, để tránh kịch bản chính phủ đóng cửa, trách nhiệm của Quốc hội Mỹ là tài trợ cho chính phủ. Hạ viện và Thượng viện phải nhất trí cấp kinh phí cho chính phủ theo một cách nào đó và tổng thống phải ký ban hành dự luật thành luật. Quốc hội thường dựa vào cái gọi là “nghị quyết tiếp tục” - hay CR, để tạm thời cấp tiền hoạt động cho các văn phòng chính phủ trong thời gian đàm phán về ngân sách đang diễn ra.
Nguồn sggp