Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nạn nhân bị nhiễm chất độc hoá học: Không đầu hàng số phận
Thứ sáu: 06:19 ngày 03/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Số phận của người thanh niên (trước đây) và người đàn ông (hiện tại) có thể nói vô cùng nghiệt ngã. Sự nghiệt ngã ấy không chỉ xảy ra với anh mà cả con anh, tức thế hệ thứ hai. Con anh chính là bản sao của anh- một bản sao không ai trông đợi.

Anh Phan Thành Thương đang thao tác máy photocopy.

Nhân vật chính trong câu chuyện này không mới (vì nhiều người đã biết). Nhưng cuộc đời, số phận của người thanh niên (trước đây) và người đàn ông (hiện tại) có thể nói vô cùng nghiệt ngã. Sự nghiệt ngã ấy không chỉ xảy ra với anh mà cả con anh, tức thế hệ thứ hai. Con anh chính là bản sao của anh- một bản sao không ai trông đợi. Khát vọng sống, khát vọng được làm một người bình thường, được đến trường, được cống hiến cho xã hội là động lực để cả hai thế hệ (cha, con) không đầu hàng số phận.

“Nỗi đau da cam”

Mười ba năm trước, năm 2010, chúng tôi thực hiện một bài viết về “Nghị lực phi thường của người thanh niên tật nguyền”, đăng trên Báo Tây Ninh. Nhân vật chính trong bài viết là anh Phan Thành Thương, ở xã Phước Vinh, huyện Châu Thành.

Anh Thương là nạn nhân của cuộc chiến tranh hoá học do quân đội Mỹ thực hiện ở miền Nam Việt Nam những năm 60-70 của thế kỷ XX. Cha anh Thương- một cựu chiến binh bị nhiễm chất độc màu da cam.

Con trai ông, anh Phan Thành Thương bị tật bẩm sinh (ảnh hưởng chất độc màu da cam), hai bàn tay chỉ có hai ngón tay. Tuổi thơ và những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường gian nan, vất vả, đau đớn về thể xác (cả về tâm hồn) của Phan Thành Thương như thế nào, hẳn nhiều người đã biết, vì vậy chỉ xin khái quát ngắn gọn.

Do hai bàn tay chỉ có hai ngón tay nên từ việc sinh hoạt cá nhân đến chuyện học hành, lập thân lập nghiệp đều vô cùng gian truân, đau khổ. Việc anh Thương học hết phổ thông rồi theo học trường nghề, sau đó lại tiếp tục học một khoá kỹ thuật máy vi tính (tin học) của Trường đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh có thể xem như một kỳ tích. Đầu những năm 2000, Phan Thành Thương là trường hợp hiếm hoi, nếu không muốn nói là người đầu tiên ở xã Phước Vinh mở lớp dạy vi tính cho học sinh, người dân và cả cán bộ xã.

Hai mươi năm qua, đã có rất, rất nhiều người trên địa bàn xã Phước Vinh, đủ mọi thành phần, đối tượng, kể cả cán bộ xã đã được phổ cập vi tính bởi người thanh niên khuyết tật này.

Tại thời điểm đó, để có được bộ máy vi tính, ba mẹ anh phải bán bớt một phần đất ruộng, tạo điều kiện cho người con trai của họ “khởi nghiệp”. Anh Thương lập gia đình với chị Lê Thị Cúc. Đứa con đầu lòng của hai vợ chồng (con trai) thật không may, lại là bản sao, nói cho khoa học, đó là di truyền từ người cha khi cậu bé cũng chỉ vỏn vẹn có hai ngón tay.

Điều này khiến vợ chồng anh sốc nặng, không thể giấu được nỗi đau. Giây phút khó khăn nhất của cuộc đời rồi cũng dần trôi đi, vì họ biết, hai thế hệ (cha, con) là hậu quả của “cuộc chiến tranh hoá học”.

 “Em muốn làm phiên dịch tiếng Anh”

Tại sân Trường trung học cơ sở Phước Vinh, trước mặt chúng tôi là cậu học trò có gương mặt khôi ngô, em Phan Thành Thân (con trai lớn của Phan Thành Thương) đang học lớp 9.

Cậu học trò Phan Thành Thân tự tin chia sẻ: “Em là một học sinh khuyết tật của lớp. Hồi học lớp 6, một số bạn sợ hãi khi nhìn thấy hai cánh tay của em. Sau này thân quen, các bạn còn giúp đỡ em trong mọi việc, em rất cảm động”.

Nhớ lại khoảng thời gian làm quen với bút mực và giấy trắng, Thân cho biết đã rất cố gắng, vì hai bàn tay em chỉ có hai ngón tay, việc cầm bút rất khó. Cậu bé học cách cầm bút của ba, dần dần cũng quen.

“Sau này lớn lên, em mong ước trở thành phiên dịch viên tiếng Anh. Em cũng thích quay video, chỉnh sửa hình ảnh và những công việc liên quan đến máy vi tính”. Thân học giỏi, thông minh, thầy cô nào cũng ngợi khen tinh thần vượt khó của em. “Em nghe ba mẹ nói, mình thiệt thòi cái này thì được bù đắp cái khác, không ai mất tất cả”- cậu học sinh lớp 9 nói chuyện như “ông cụ non”.

“Em học chung lớp với Thân từ năm lớp 6 đến nay. Đôi tay không lành lặn nhưng bạn vẫn cố gắng học tập. Thân học rất giỏi, nhất là môn Hoá học”- em Hồ Quốc Toàn, lớp trưởng lớp 9A2 nói về người bạn đặc biệt của lớp.

Chia sẻ thêm câu chuyện gia đình, chị Lê Thị Cúc, mẹ của Phan Thành Thân cho hay, lúc quen anh Thương, gia đình có phần ái ngại, vì sợ anh sẽ không lo được cho chị. “Hiện tại tôi cảm thấy may mắn vì anh Thương làm được tất cả mọi việc như người bình thường.

Thời gian dần trôi, nhìn con lớn lên từng ngày, niềm vui lớn nhất của người mẹ là khi thấy con mình lớn lên khoẻ mạnh, chăm ngoan, học giỏi. Năm cháu Thân lên 12 tuổi, tôi có thằng nhóc thứ 2. Trời thương, đứa thứ hai hoàn toàn lành lặn, không có di chứng nào trên cơ thể. Hơn 15 năm trôi qua, tôi vẫn hạnh phúc với quyết định của mình”.

Phan Thành Thương nhớ lại, lúc đầu anh rất mặc cảm. Sau đó, có vợ, có con và rồi con giống hệt bố nên anh có phần hụt hẫng. Anh chỉ biết cố gắng nuôi dạy con thật tốt, và may mắn đến thời điểm hiện tại, anh có mái ấm gia đình hạnh phúc bên vợ và các con.

Anh tự hào vì người con trai tuy khuyết tật đôi tay nhưng trí tuệ hoàn toàn bình thường, thậm chí là học sinh giỏi. “Từ nhỏ tôi là cậu bé chăn bò, gia đình khó khăn, những lúc trời mưa, một tay đội nón, một tay cầm sách. Đi học thì bạn bè xô đẩy, nhưng tôi đã nỗ lực vượt qua tất cả.

Lúc đi học vi tính, tôi điều khiển chuột vi tính bằng chân, đánh máy bằng tay. Gian nan vô cùng nhưng tôi không đầu hàng số phận. Bây giờ, tôi mãn nguyện vì mình đã cống hiến, làm việc có ích cho xã hội.

Hiện nay, tôi dạy vi tính cho học sinh, trẻ khuyết tật, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn thì miễn 100% học phí, chỉ thu phí học sinh có điều kiện. Nhân đây, tôi xin cảm ơn tất cả các cô chú lãnh đạo các cấp và quý thầy cô, quý phụ huynh đã luôn động viên, an ủi tôi, đặc biệt là xã Phước Vinh cho tôi mượn nơi ở đến nay đã 23 năm, để tôi có nơi trú ngụ và cũng là nơi làm việc để lo cho gia đình mình”. Hiện tại, Phan Thành Thương vẫn dạy vi tính, làm dịch vụ chụp ảnh, đánh văn bản, photocopy trên địa bàn xã Phước Vinh.

Cậu học trò Phan Thành Thân trong giờ học.

Quan tâm người khuyết tật

Ngày 22.2.2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 452/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật. Tạo điều kiện để người khuyết tật được tiếp cận các chính sách trợ giúp về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế, trợ giúp pháp lý, văn hoá, thể thao và du lịch... thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội hằng tháng cho người khuyết tật, vận động các nguồn lực để trợ giúp người khuyết tật.

UBND tỉnh yêu cầu “tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về người khuyết tật và những chủ trương, chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật; tuyên truyền về các tấm gương người khuyết tật vượt khó, vươn lên trong cuộc sống”; hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người khuyết tật có cuộc sống ngày một tốt hơn.

Trong đó, cần quan tâm đến trợ giúp y tế, giáo dục, “phổ cập giáo dục trung học cơ sở đối với người khuyết tật và thúc đẩy thực hiện chính sách ưu đãi đối với giáo viên, nhân viên tham gia giáo dục trẻ khuyết tật”.

UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động về trợ giúp người khuyết tật, chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, lồng ghép kinh phí các chương trình, các đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch.

Việt Đông - Hoàng Yến

Tin cùng chuyên mục