Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nạn nhân mua bán được giải cứu trở về nhưng mất hết giấy tờ tuỳ thân cần làm gì?
Thứ hai: 09:25 ngày 26/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Gần chục năm lưu lạc ở xứ người sau khi bị bán cho một động mại dâm, chị H. được giải cứu nhưng trở về quê cô không còn giấy tờ tuỳ thân. Cô sẽ phải làm những gì tiếp theo?

Hỏi: Chị H. là nạn nhân mua bán người. 8 năm trước, nghe lời bạn rủ lên biên giới Lạng Sơn làm thuê sẽ kiếm được nhiều tiền, chị H. nghe theo. Thế nhưng, cô không biết đó là cái bẫy mà các đối tượng mua bán người đã giăng ra đợi cô rơi vào. Sau khi lên biên giới Lạng Sơn, H. bị bán vào một động mại dâm ở bên kia biên giới. Mới đây cô được giải cứu về nước nhưng giấy tờ tuỳ thân đã bị mất.

Vậy xin luật sư cho biết, sau gần 10 năm đi khỏi địa phương, chị H. mới trở về nhà thì có được công nhận là công dân của địa phương?. Chị H. cần làm những thủ tục gì để có thể làm lại được các giấy tờ tuỳ thân.

Nguyễn Thị Hoa (Bắc Giang) 

Luật sư trả lời:

​Các giấy tờ tùy thân như CMND, CCCD, Sổ hộ khẩu ghi nhận thông tin nơi thường trú của người dân. Vì vậy, để làm được các giấy tờ tùy thân thì người dân cần có nơi đăng ký thường trú ( sổ hộ khẩu). 

Trường hợp bị xóa nơi đăng ký thường trú, người dân cần đăng ký lại thường trú để được cấp lại các giấy tờ tùy thân trên.

​Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú;


Luật sư Đặng Văn Cường.

​Theo quy định tại điểm d khoản 1 điều  24 Luật Cư trú 2020 thì người nào “vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng” thì bị xóa đăng ký thường trú.

​Như vậy, nếu đi khỏi địa phương quá 12 tháng mà không thuộc các trường hợp ngoại lệ thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú. Bạn có thể đăng ký lại nơi thường trú, thủ tục theo quy định tại Luật cư trú 2020.

Theo Điều 22 quy định về thủ tục đăng ký thường trú: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Ngoài ra, đối với nạn nhân mua bán người sau khi được giải cứu trở về sẽ được nhà nước hỗ trợ những vấn đề sau:

Nơi ở: Nạn nhân được ở trong cơ sở bảo trợ xã hội (không quá 03 tháng), và được nhận trợ cấp hàng tháng, quần áo theo mùa và vật dụng cần thiết khác (như chăn, màn, chiếu, quần áo lót, khăn mặt, giày dép, thuốc chữa bệnh thông thường, băng vệ sinh…).

Với trẻ em dưới 4 tuổi, mỗi tháng được nhận 1.350.000 đồng. Từ 4 tuổi đến dưới 16 tuổi được nhận 1.080.000 đồng/tháng. Từ đủ 16 tuổi: 810.000 đồng/tháng.

Chi phí về nhà: Nếu nạn nhân không muốn ở lại các cơ sở bảo trợ xã hội, sẽ được hỗ trợ tiền xe trở về nhà, và tiền ăn đi đường ít nhất là 70.000 đồng một người cho một ngày đi đường.

Khám, chữa bệnh: Trong thời gian ở tại cơ sở bảo trợ xã hội, nạn nhân sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Hỗ trợ tâm lý: Sẽ có cán bộ hỗ trợ tư vấn tâm lý nếu cảm thấy hoảng sợ, buồn, lo lắng.

Trợ giúp pháp luật: Các tổ chức, hoặc trung tâm trợ giúp pháp luật của nhà nước sẽ hướng dẫn về các thủ tục xác minh nạn nhân để nhận trợ cấp, và cùng tham gia vào quá trình khởi tố vụ án.

Hỗ trợ học văn hóa, học nghề: Nạn nhân của mua bán người được miễn hoặc giảm học phí, và hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn.

Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn: Hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú là 1.000.000 đồng/người. Có thể đề nghị xin vay vốn tại ngân hàng chính sách của nhà nước.

Bảo vệ nạn nhân: Nạn nhân và người nhà nạn nhân khi gặp nguy hiểm (như bị đe dọa), sẽ được bố trí nơi ở tạm lánh; Nạn nhân của mua bán người được đảm bảo giữ bí mật thông tin cá nhân (tên họ, nơi ở…).

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh