Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nạn phá rừng trồng gia tăng, giải pháp nào để hạn chế?
Chủ nhật: 07:21 ngày 04/11/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong những năm gần đây tình trạng phá rừng- đặc biệt là rừng trồng lại gia tăng đáng lo ngại. 

(BTN)- Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ năm 2010 đến nay công tác trồng mới rừng trên địa bàn tỉnh đạt kết quả rất khả quan do toàn tỉnh kiên quyết xử lý thu hồi các diện tích đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm để chuyển sang trồng rừng. Song song đó, công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng cũng được tăng cường nên số diện tích rừng bị cháy ngày càng giảm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình trạng phá rừng- đặc biệt là rừng trồng lại gia tăng đáng lo ngại.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ năm 2010 đến nay, chỉ riêng loại rừng đặc dụng và phòng hộ toàn tỉnh đã trồng mới được thêm hơn 2.600 ha, đạt 118,5% kế hoạch. Trong đó: năm 2010 trồng mới được 1.061 ha, năm 2011 trồng mới được 1.006 ha và năm 2012, đến giữa tháng 10 đã trồng mới được 540 ha. Đây là kết quả rất khả quan, vì trước năm 2009, diện tích rừng trồng mới ở Tây Ninh thường không đạt kế hoạch. Đến nay, trong tổng số hơn 42.600 ha rừng được đưa vào kế hoạch bảo vệ có hơn 7.800 ha rừng trồng. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, tình trạng phá rừng trồng đang ngày càng trở thành “vấn nạn”.

Một khoảnh rừng trồng ở Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng bị rong trụi nhánh.

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm, từ năm 2010 đến nay, số vụ phá rừng trồng bị phát hiện và diện tích rừng trồng bị thiệt hại ngày càng tăng nhiều hơn. Cụ thể trong năm 2010, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 13 vụ phá rừng với diện tích bị thiệt hại chưa đến 3 ha. Năm 2011 tổng số vụ phá rừng bị phát hiện tăng lên đến 46 vụ, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2010 với diện tích thiệt hại đến hơn 25 ha, tăng hơn 8 lần so với năm 2010. Năm 2012, mới đến giữa tháng 10 mà tổng số vụ phá rừng bị phát hiện lên đến 68 vụ, tăng hơn 5 lần so với năm 2010, với diện tích bị thiệt hại là 54 ha, tăng 18 lần so với năm 2010. Hầu hết các vụ phá rừng xảy ra là rừng trồng, nhiều nhất là ở Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Hình thức phá rừng ngày càng đa dạng. Ngoài hình thức chặt hạ cây rừng như những năm trước, những năm gần đây nhiều hộ chuyển sang hình thức “khéo” hơn là rong nhánh cây rừng để tạo khoảng không trống trải cho cây nông nghiệp phát triển. Việc rong nhánh không làm cho cây rừng chết ngay, nhưng sẽ khiến cho cây rừng còi cọc không thể phát triển nổi. Ngoài ra cũng có trường hợp “nặng tay” hơn là khoanh vỏ cây hoặc bơm thuốc vào gốc để cho cây chết dần. Trong thời gian qua các cơ quan chức năng đã xử phạt nghiêm khắc nhiều vụ chặt phá, rong nhánh rừng trồng, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu và nạn phá rừng trồng đang ngày càng làm giảm chất lượng rừng trồng ở Tây Ninh. Đến nay, ở những địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có giải pháp hiệu quả hạn chế nạn phá rừng trồng.

Vì sao có nhiều hộ nhận khoán phá rừng trồng bị xử phạt mà nạn phá rừng trồng vẫn cứ tiếp diễn? Theo ngành chức năng, mục đích chính của việc phá rừng trồng là nhằm tạo không gian trống để trồng xen cây nông nghiệp, vì lợi nhuận của cây nông nghiệp lớn hơn thu nhập từ việc trồng rừng. Theo quy định, những hộ nhận khoán trồng rừng được ngân sách đầu tư 15 triệu đồng/ha để trồng rừng trong vòng 3 năm. Bình quân mỗi năm 1 ha trồng rừng chỉ được đầu tư có 5 triệu đồng là quá thấp. Sau khi cây rừng khép tán, người trồng rừng có thu nhập chủ yếu từ việc tỉa thưa cây phụ trợ. Tuy nhiên, theo một số hộ đã trồng rừng thì thu nhập từ việc tỉa thưa cũng chẳng được bao nhiêu- trong những năm đầu khi đến tuổi tỉa thưa chỉ thu được mỗi năm có vài triệu đồng vì chủ yếu là bán nhánh để làm nguyên liệu giấy. Trong khi đó, nếu trồng mì thì thấp nhất cũng thu nhập được hơn 20 triệu đồng/ha. Thực ra, những hộ nhận khoán trồng rừng được trồng xen cây nông nghiệp trong những năm đầu khi cây rừng chưa khép tán để tăng thu nhập và đến khi cây rừng khép tán thì ngưng trồng xen. Thế nhưng nếu không trồng xen cây nông nghiệp nữa thì thu nhập từ cây rừng không đủ trang trải cuộc sống, nên nhiều hộ- tuy thừa biết phá rừng là vi phạm nhưng vẫn lén lút rong nhánh cây rừng để tiếp tục trồng xen cây nông nghiệp.

Làm gì để hạn chế nạn phá rừng trồng đang gia tăng? Trước mắt ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt các hộ rong nhánh cây rừng để tiếp tục trồng xen cây nông nghiệp. Tuy nhiên, các biện pháp nêu trên cũng chỉ là biện pháp tạm thời, bởi vì nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến vi phạm phá bỏ rừng trồng là người nhận khoán trồng rừng có thu nhập từ cây rừng thấp hơn là trồng các loại cây nông nghiệp khác. Do đó giải pháp giải quyết căn cơ nhất là nâng cao thu nhập cho người nhận khoán trồng rừng. Thế nhưng nâng thu nhập bằng cách nào? Theo Sở NN&PTNT, sắp tới người trồng rừng sẽ có thêm thu nhập từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ với mục đích tái tạo lại rừng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đề xuất tỉnh có thêm chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho các hộ nhận khoán trồng rừng được vay vốn ưu đãi để trồng các loài cây chịu bóng mát dưới tán cây rừng góp phần tăng thu nhập, đồng thời phát triển rừng một cách bền vững.

Sơn Trần

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục