Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nâng cao cảnh giác với tội phạm buôn bán phụ nữ
Chủ nhật: 23:54 ngày 24/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ ngày càng diễn biến phức tạp. Theo Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Vũ Thiện Toàn (Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam), phụ nữ bị lừa bán ra nước ngoài thường bị cưỡng bức lao động, bán vào các động mại dâm hoặc môi giới hôn nhân.

Triệt phá đường dây bán phụ nữ ra nước ngoài.

Khoảng giữa tháng 1.2018, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh đã đấu tranh triệt phá đường dây buôn bán người sang Trung Quốc. Theo đó, khoảng 9 giờ ngày 16.1.2018, tại bến xe Miền Đông (TP. Hồ Chí Minh), Công an Tây Ninh phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và Công an TP. Hồ Chí Minh bắt quả tang Ngô Thị Có (49 tuổi, ngụ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) chuẩn bị đưa 3 cô gái quê ở Đồng Tháp và Tây Ninh lên xe ô tô đi Hà Nội để đưa sang Trung Quốc bán cho đàn ông bản xứ.

Cùng thời điểm này, một tổ công tác khác phối hợp với Công an các huyện Tân Châu và Dương Minh Châu bắt, khám xét khẩn cấp 4 đối tượng trong đường dây buôn người là Trần Thị Sỹ (56 tuổi, ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu), Nguyễn Thị Tâm (30 tuổi, ngụ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu), Đoàn Thị Sương (46 tuổi, ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) và Đoàn Thị Sanh (42 tuổi, ngụ thị trấn Dương Minh Châu).

Bước đầu, các đối tượng khai nhận, năm 2010, Ngô Thị Có lấy chồng và sinh sống ở Trung Quốc. Một số đàn ông Trung Quốc sống gần nhà chồng của Có bày tỏ nhu cầu lấy vợ Việt Nam, nên năm 2015, Có trở về nước, móc nối với Sanh, Sương, Sỹ, Tâm tuyển chọn phụ nữ Việt Nam bán cho đàn ông Trung Quốc.

Mỗi cô gái bán được, Có trả 5 triệu đồng cho người giới thiệu và hứa hẹn cho gia đình mỗi cô gái từ 45-60 triệu đồng. Nếu chọn được người phụ nữ ưng ý, Có về Việt Nam để đón và đưa sang Trung Quốc qua đường cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Khi nạn nhân đến Trung Quốc, Có gả bán cho đàn ông bên đó với giá 3 vạn nhân dân tệ (tương đương 90 triệu đồng). Đến khi bị bắt, Có cùng đồng bọn đã bán 9 phụ nữ, cơ quan Công an giải cứu được 3 phụ nữ.

Tiếp đó, ngày 29.4.2018, Công an huyện Bến Cầu bàn giao 2 đối tượng Ngô Thị Vân (SN 1976) và Ngô Thị Gái (SN 1974), cùng ngụ ấp Phước Hội A, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh điều tra về hành vi buôn bán người.

Lúc 20 giờ 45 ngày 26.4.2018, Công an huyện Bến Cầu phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự CATN và Cảnh vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất bắt quả tang Ngô Thị Gái đưa 6 phụ nữ quốc tịch Campuchia ra Hà Nội bán sang Trung Quốc.

Qua thu thập chứng cứ, CATN bắt khẩn cấp Ngô Thị Vân, em ruột của Gái. Bước đầu điều tra, Vân và Gái khai nhận đã dụ dỗ, hứa hẹn cuộc sống giàu sang ở Trung Quốc với những phụ nữ Campuchia có cuộc sống khó khăn. Nhiều cô gái tin lời, chấp nhận đi theo Vân và Gái với mong muốn thay đổi cuộc đời. Khi tập hợp được một số phụ nữ Campuchia, Vân thuê một người đàn ông đưa các cô sang Việt Nam với tiền công 10 triệu đồng/người.

Sau đó, Vân thuê Gái đưa các phụ nữ đến sân bay ra Hà Nội, rồi theo đường bộ qua Trung Quốc với tiền công 1 triệu đồng/người. Riêng các phụ nữ Campuchia, khi chọn để sang Trung Quốc, chúng đưa cho gia đình mỗi người từ 500 - 1.000 USD. Đến khi bị bắt, đường dây này đã đưa trót lọt 6 phụ nữ Campuchia sang Trung Quốc.

Cần tăng cường tuyên truyền phòng, chống buôn bán phụ nữ

Trong một bài trả lời phỏng vấn trên Báo Người Đưa Tin vừa qua, Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Vũ Thiện Toàn, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam nhận định: lợi dụng chính sách thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực visa... nhiều kẻ xấu câu kết với người nước ngoài hình thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm người thân.

Khi ra đến nước ngoài, họ bị chúng cưỡng bức lao động, bán vào các động mại dâm hoặc môi giới hôn nhân (kết hôn giả) để lừa các cô gái qua Trung Quốc, Hàn Quốc. Các phương thức mà kẻ xấu sử dụng là cho vay nặng lãi, tiếp cận làm quen, thông qua các trang mạng xã hội.

Tại đây, chúng dụ dỗ các em trai, gái mới lớn, thiếu sự quản lý của gia đình bỏ học, bỏ nhà đi làm những công việc có thu nhập cao. Khi nạn nhân mắc bẫy, chúng lừa bán những người này cho các nhà hàng, ép họ hoạt động mại dâm hoặc cưỡng bức lao động.

Để hạn chế và phòng tránh sự dụ dỗ của kẻ xấu, nên tăng cường tuyên truyền các thông tin liên quan đến nạn buôn bán người. Đặc biệt là các phương thức thủ đoạn của những đối tượng xấu đến các cộng đồng dân cư vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Vì trên thực tế, các nạn nhân do thiếu hiểu biết nên dễ bị lừa bởi các chiêu bài tìm việc làm nhàn hạ có thu nhập cao. Ngoài ra, cần tăng cường công tác giáo dục gia đình, đặc biệt là các lớp tập huấn nuôi dạy con cái cho phụ huynh có con bước vào tuổi dậy thì (9 đến 15 tuổi).

Cần công tác này bởi nhiều gia đình, bố mẹ chỉ biết chu cấp vật chất đầy đủ cho con cái mà thiếu sự quan tâm, dạy dỗ. Những bậc phụ huynh này quên mất rằng con trẻ, nhất là trong hoàn cảnh xã hội phức tạp như ngày nay, rất cần có sự che chở, yêu thương, quan tâm, dạy dỗ của bố mẹ.

Ngoài ra, nhiều người có cuộc sống quá cơ cực, bần hàn. Họ phải lăn lộn để mưu sinh nên không còn thời gian và sức lực để chăm sóc con cái. Thêm vào đó, cần tăng cường sự quản lý của Nhà nước một cách thống nhất để nhất quán trong hành động, đặc biệt là công tác phối hợp với các nước thường được các đối tượng tội phạm lựa chọn làm điểm đến.

Được biết, từ năm 2016 đến tháng 6.2019, toàn quốc phát hiện gần 1.100 vụ buôn bán người, với hơn 1.400 đối tượng lừa bán gần 2.700 nạn nhân. Bên cạnh những nạn nhân bị lừa và dụ dỗ, có những nạn nhân trả tiền để được đưa sang các quốc gia phát triển với mong muốn đổi đời.

Để hạn chế nhiều hệ luỵ từ việc mua bán người, ngày 10.5.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg, lấy ngày 30.7 hằng năm là “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người”.

Mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập với cộng đồng.

Từ năm 2013, ngày 30.7 cũng là ngày được Liên Hợp Quốc chọn là “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người”.

Việt Nam còn tham gia các thoả thuận và tuyên bố quốc tế về phòng, chống buôn bán người; ký kết Hiệp định thư tương trợ tư pháp, Hiệp định về phòng, chống tội phạm với nhiều nước trên thế giới, trong đó có hợp tác về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Nội dung bao gồm hợp tác về tư pháp hình sự (trao đổi thông tin về tội phạm, phối hợp xác minh điều tra, thu thập chứng cứ, bắt giữ tội phạm, dẫn độ, truy nã, trao trả và hồi hương nạn nhân bị buôn bán), hợp tác về đào tạo, nâng cao năng lực các cơ quan tư pháp và hành pháp về phòng, chống buôn bán người, hợp tác trao đổi chuyển giao công nghệ, phương tiện kỹ thuật...

Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống buôn bán người theo hướng tiếp cận và phù hợp với các quy phạm pháp luật quốc tế, xây dựng các cơ chế hợp tác song phương và đa phương một cách phù hợp để việc hợp tác quốc tế về phòng, chống buôn bán người ngày càng có hiệu quả hơn.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục