Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nâng cao chất lượng các nhiệm vụ, đề tài khoa học công nghệ, tạo động lực phát triển KT-XH
Thứ ba: 23:56 ngày 16/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các sở, ban, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác phối hợp trong hoạt động KH&CN, xem đây là nhiệm vụ chính trị, là động lực chính để thúc đẩy, tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh…

Áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp

Giai đoạn 2010-2022, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện và nghiệm thu 3 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình nông thôn miền núi (2 nhiệm vụ do Trung ương quản lý và 1 nhiệm vụ Trung ương uỷ quyền địa phương quản lý); 88 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; 53 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở. Kinh phí cấp cho các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (kinh phí đối ứng của địa phương), cấp tỉnh, cấp cơ sở hằng năm khoảng 4 tỷ đồng.

Kết quả của các đề tài, dự án đã giúp địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các kỹ thuật, công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề về nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng chủ lực của tỉnh; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn; cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý, xây dựng chính sách của các ngành, đơn vị liên quan.

Được ứng dụng, nhân rộng trong thực tế

Khoản 2, Điều 19 Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN ngày 11.6.2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về KH&CN quy định: “Tính từ ngày nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước được nghiệm thu chính thức, định kỳ 12 tháng một lần và trong giai đoạn 5 năm liên tiếp, tổ chức chủ trì nhiệm vụ hoặc tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ Kh&CN có trách nhiệm báo cáo về ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN”.

Tính đến tháng 12.2021, có 30 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được chuyển giao kết quả ứng dụng trên địa bàn tỉnh. Phần lớn các đơn vị tiếp nhận kết quả nghiên cứu đều tổ chức ứng dụng vào công tác quản lý của ngành và đời sống, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Điển hình như trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, đề tài “Đánh giá tuyển chọn, nhân các giống lúa mùa đặc sản, lúa chất lượng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì thực hiện, nghiệm thu năm 2021. Đề tài phục tráng được 2 giống lúa mùa đặc sản của tỉnh (huyết rồng; Khao Dawk Mali) và xây dựng 2 mô hình sản xuất có hiệu quả; chọn được 2 giống lúa mới (TN1, TN2) thích nghi với điều kiện sản xuất lúa của tỉnh. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho Sở NN&PTNT tổ chức ứng dụng vào thực tiễn.

Sở đã nhân các giống lúa: huyết rồng; 2 giống lúa TN1 và TN2 theo quy trình lúa siêu nguyên chủng, thu được 23kg trong vụ Đông Xuân, tiếp tục triển khai diện tích 4.000m2 để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Hiện đã có doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất lúa đăng ký mua các giống lúa này.

Đề tài “Ứng dụng công nghệ tạo viên không nhiệt để sản xuất phân bón NPK kết hợp silica từ tro trấu” do Trung tâm KH&CN Tây Ninh chủ trì thực hiện, nghiệm thu năm 2020. Kết quả của đề tài đã xây dựng được 2 quy trình: quy trình xử lý tro trấu; quy trình sản xuất phân bón NPK-10% silica từ tro trấu và thiết kế thành công 1 thiết bị ép hạt tạo phân theo phương pháp không nhiệt nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết hiện nay là sử dụng công nghệ mới để tận dụng tối đa nguồn dư thừa tro trấu tại địa phương, tạo ra sản phẩm phân bón giàu silica giúp cây trồng cứng cáp, giảm thiểu sự bốc thoát hơi nước, tăng cường khả năng chống chịu thời tiết, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.

 

Hiện nay, Trung tâm KH&CN đã làm chủ được công nghệ, sản xuất phân bón sử dụng cho 150m2 hành lá tại Trại thực nghiệm KH&CN và 4.000m2 lúa nước tại phường 1, TP. Tây Ninh. Ngoài ra, Trung tâm KH&CN đã giới thiệu các quy trình công nghệ trên đến Công ty TNHH nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công, bước đầu hai bên đã thống nhất thoả thuận ghi nhớ hợp tác khai thác kết quả đề tài.

Dự án sản xuất thử nghiệm cấp tỉnh “Nhân nuôi, sản xuất hàng loạt ong mắt đỏ phòng trừ sâu đục thân hại mía trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” do Công ty cổ phần nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công (SRDC) chủ trì thực hiện (nay là Công ty TNHH nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công), nghiệm thu năm 2020.

Đề tài đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân nuôi, sản xuất và thả hàng loạt ong mắt đỏ phòng trừ sâu đục thân mía thích hợp cho vùng Tây Ninh. Ứng dụng kết quả dự án, SRDC mở rộng quy mô sử dụng ong mắt đỏ phòng trừ sâu đục thân hại mía, không chỉ cho vùng mía tại Tây Ninh mà còn mở rộng ra vùng mía các khu vực khác như miền Trung, Tây Nguyên, Campuchia và Lào. Việc sử dụng ong mắt đỏ đã giúp vùng nguyên liệu của TTC giảm hơn 20 tấn thuốc trừ sâu mỗi năm.

Theo Sở KH&CN, một số nhiệm vụ nghiệm thu năm 2021 bước đầu đem lại hiệu quả thông qua giải pháp công nghệ phục vụ nhu cầu sản xuất như đề tài “Điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho khu vực Chàng Riệc xã Tân Lập, huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh” do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam chủ trì thực hiện, nghiệm thu năm 2022. Đề tài đã đánh giá được tiềm năng, chất lượng tài nguyên nước khu vực Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, từ đó đề xuất những giải pháp, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Sản phẩm 3 lỗ khoan từ kết quả nghiên cứu đã đáp ứng yêu cầu về nước sạch, phục vụ nhu cầu cấp thiết về khai thác nước sạch cho người dân địa phương và công tác quản lý, quan trắc về sự thay đổi mực nước và chất lượng nước dưới đất trong khu vực dân cư Chàng Riệc. Hiện Sở KH&CN đã trình UBND tỉnh công nhận kết quả thực hiện, dự kiến chuyển giao kết quả đề tài cho Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở NN&PTNT, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn ứng dụng vào thực tiễn công tác quản lý của ngành.

Đề tài “Khảo nghiệm giống mía nhập nội nhằm cải thiện bộ giống mía cho vùng nguyên liệu Tây Ninh” do Công ty TNHH nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công chủ trì thực hiện, nghiệm thu năm 2021. Kết quả đề tài đã tuyển chọn được 1 giống mía mới hoàn thiện; 3 giống mía mới triển vọng; xây dựng được 2 mô hình trình diễn trồng giống mía mới có khả năng nhân rộng trong sản xuất đại trà.

Ngoài ra, một số nhiệm vụ đã qua thời gian quy định về báo cáo ứng dụng (sau 5 năm) đến nay vẫn đang tiếp tục ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn như: Đề tài “Nghiên cứu thở áp lực dương không xâm nhập trong điều trị suy hô hấp tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh”; “Xây dựng quy trình công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ở Đảng bộ tỉnh Tây Ninh”; “Ứng dụng kỹ thuật Realtime - PCR trong việc xác định tải lượng virus, kiểu gen và kiểu đột biến kháng thuốc của virus viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa Tây Ninh”...

Đề tài, nhiệm vụ KH&CN phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Sở KH&CN cho biết, mặc dù tỉnh đã đạt được một số thành tựu nhất định trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển KH&CN nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu, xu thế phát triển chung của tỉnh. Cơ chế quản lý hoạt động KH&CN có đổi mới nhưng còn chậm, chưa có chính sách hỗ trợ ứng dụng sau khi nhiệm vụ kết thúc; chưa đa dạng được nguồn kinh phí hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu KH&CN của tỉnh chưa có đề tài, dự án có tính đột phá cao để tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh, lĩnh vực nghiên cứu chưa đa dạng; một số nhiệm vụ KH&CN sau khi chuyển giao ứng dụng chưa mang lại hiệu quả. Phần lớn các kết quả nghiên cứu được triển khai ứng dụng thông qua việc lồng ghép vào nội dung các chương trình chuyển giao kỹ thuật, phổ biến và tuyên truyền là chủ yếu.

Nguyên nhân tồn tại, hạn chế trên là việc đề xuất đặt hàng cho KH&CN trên địa bàn tỉnh chưa nhiều từ các ngành, địa phương trong tỉnh, nhất là ở các lĩnh vực đột phá phát triển KT-XH của tỉnh; thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh, thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Ngoài ra, việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn còn thiếu tính chủ động do không có kinh phí hỗ trợ triển khai ứng dụng vào thực tiễn, trong khi kết quả nghiên cứu khoa học chỉ ở phạm vi mô hình thí điểm, chưa đủ điều kiện để thương mại hoá sản phẩm.

Theo Sở KH&CN, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả, tính ứng dụng kết quả của các đề tài, dự án KH&CN, cần từng bước đổi mới quản lý hoạt động nghiên cứu KH&CN theo hướng xoá bỏ cơ chế xin - cho, huy động nguồn lực từ các ngành, các cấp, thu hút nguồn nhân lực KH&CN ngoài tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ từ các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh, nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý, Hội đồng tư vấn KH&CN cấp tỉnh nhằm tuyển chọn đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN ngày càng trọng tâm hơn và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Các đề tài dự án chỉ được triển khai khi có địa chỉ ứng dụng cụ thể, phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH địa phương.

Các sở, ban, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác phối hợp trong hoạt động KH&CN, xem đây là nhiệm vụ chính trị, là động lực chính để thúc đẩy, tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh; xây dựng các chương trình, nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tập trung phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, tạo giá trị gia tăng- nhất là lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng phát triển mạnh.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục