Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nâng cao chất lượng chính sách xã hội, vì cuộc sống người dân
Thứ hai: 11:17 ngày 29/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Nghị quyết 42 có nhiều điểm mới, không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà còn quan tâm đến đời sống tinh thần của Nhân dân. Và lần này Nghị quyết có một điểm rất nổi bật, rất cơ bản là xây dựng sàn an sinh xã hội quốc gia... để không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Nhằm đưa Nghị quyết số 42 vào thực tế cuộc sống cũng như góp phần nâng cao chất lượng các chính sách xã hội, giúp các chính sách xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi, trò chuyện với TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội.


TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề chính sách xã hội.

Phóng viên (PV): Thưa TS. Bùi Sỹ Lợi, trong hơn 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và hài hoà hơn, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Vậy, theo đồng chí, các chính sách xã hội thực hiện trong giai đoạn vừa qua đã có vị trí, vai trò, đóng góp quan trọng như thế nào để chúng ta đạt được các kết quả trên?

TS. Bùi Sỹ Lợi: Sau 10 năm chúng ta thực hiện các chính sách xã hội theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương về một số chính sách xã hội trong giai đoạn 2012-2020, cho thấy đây là một Nghị quyết chuyên đề đi vào cuộc sống, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chính vì đó, Nghị quyết đã mang lại những thành tựu to lớn về chính sách xã hội trong 10 năm qua.

Có thể nói, đây là quá trình đổi mới nhận thức về chính sách xã hội của Đảng ta. Và chúng tôi đánh giá đây là bước tiến dài trong quá trình lịch sử phát triển của chính sách xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chúng ta thấy rất rõ, trong tinh thần các Nghị quyết từ Đại hội IX và được thể hiện rõ nét nhất trong Đại hội thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách xã hội của chúng ta là một hệ thống các quan điểm, một hệ thống chủ trương, phương hướng và biện pháp, thể chế hóa thông qua hệ thống pháp luật để chúng ta thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho toàn dân.

Và một vấn đề rất nhấn mạnh của chính sách xã hội của đất nước ta, đó chính là điều chỉnh các vấn đề xã hội của đất nước. Chính sách xã hội định hướng về sự vận động của xã hội, định hướng về sự phát triển của con người và thúc đẩy quá trình phát triển xã hội của đất nước.

Xuất phát từ vị trí, vai trò của chính sách xã hội mà trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện 10 năm qua, và đặc biệt trong những năm gần đây, chúng ta thấy, chính sách xã hội đã đóng góp một vị trí, vai trò rất quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội. Và, chúng ta xem đây như là một mục tiêu hết sức cơ bản theo tinh thần của Hiến pháp.

Chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quyền con người được quy định trong Hiến pháp, nghĩa là quyền của con người được đảm bảo cuộc sống, được đảm bảo an sinh xã hội và chúng ta thấy đất nước đang trong quá trình chuyển đổi, để cho mọi người dân có cuộc sống bình yên và hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau.

PV: Thực tế, Nghị quyết 42 cũng chỉ rõ, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Trong đó, kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao, phân hoá giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

TS. Bùi Sỹ Lợi: Đầu tiên chúng ta phải khẳng định, những đánh giá, tổng kết, nhận xét đó của Trung ương là hoàn toàn chính xác và khách quan. Qua quá trình giám sát, theo dõi và nghiên cứu cũng như tiếp cận với Nhân dân, tôi có thể khẳng định thêm những khó khăn, tồn tại này trên một số phương diện cơ bản.

Đầu tiên là nghèo đói, chúng ta đo lường ngày càng thay đổi phương thức, cách thức. Chúng ta chuyển từ nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều. Đa chiều bao gồm cả thu nhập và đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản, do quá trình chuyển đổi như vậy thì đánh giá nhận xét của giai đoạn sau so với giai đoạn trước sẽ ảnh hưởng và có tác động.

Thứ hai, tình trạng nghèo của chúng ta giảm nhanh qua các thời kỳ nhưng điểm nổi bật rất đáng lưu ý, đó là tỷ lệ nghèo của khu vực nông thôn vẫn cao rất nhiều so với khu vực thành thị. Nghĩa là ở con số 7,04% so với 1,14% vào năm 2020 giữa thành thị và nông thôn.

Điều này cho thấy quá trình giảm nghèo của chúng ta tốt như vậy, nhưng đến nay chúng ta vẫn còn những “lõi nghèo” của cả nước phải tập trung để nghiên cứu giải quyết.

Thứ ba, vẫn còn tình trạng bất bình đẳng về thu nhập. Chúng ta có hai vùng có tỷ lệ nghèo rất cao. Đó là trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Hai vùng này có chỉ số bất bình đẳng về thu nhập (GINI) rất cao. Điều này cho thấy chúng ta giải quyết nghèo đói tốt như vậy và bao trùm như vậy nhưng khoảng cách thu nhập, chênh lệch giàu nghèo vẫn còn.

Thứ tư, tỷ lệ nghèo trong thời gian qua giảm nhanh nhưng tình trạng tái nghèo vẫn diễn ra. Các hộ nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo bị tổn thương do các nguyên nhân thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,… thì khả năng tái nghèo lại nhanh hơn. Điều này làm cho cuộc sống của người dân rất khó khăn.

Cuối cùng là mức sống của các nhóm yếu thế bị tác động lớn nhất. Đây là nhóm mà Nhà nước phải đặt trọng tâm là Nhà nước phải chăm lo, phải bảo đảm.

Rõ ràng quan điểm của Đảng, Nhà nước nhận xét, đánh giá như vậy là hoàn toàn chính xác. Và tôi cho rằng, chúng ta nhìn nhận những vấn đề này như vậy là chúng ta tìm những giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.


Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, để huy động được nguồn lực thực hiện chính sách xã hội một cách linh hoạt và hiệu quả, chúng ta không chỉ trông chờ vào Nhà nước, mà phải phát huy từ cộng đồng xã hội và chính người trong cuộc. 

PV: Một trong những nhiệm vụ và giải pháp được Nghị quyết 42 nhắc tới, đó là đổi mới cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả; nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời huy động hợp lý nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế; tăng cường xã hội hoá, hợp tác công - tư trong thực hiện chính sách xã hội. Vậy theo đồng chí, đâu là giải pháp căn cơ để chúng ta huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả?

TS. Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, những giải pháp căn cơ để chúng ta huy động được nguồn lực thực hiện chính sách xã hội một cách linh hoạt và hiệu quả, là chúng ta tập trung, không chỉ trông chờ vào Nhà nước, mà chúng ta phải phát huy từ cộng đồng xã hội và chính người trong cuộc. Đây là điểm rất mới trong Nghị quyết 42 của Trung ương.

Vì chính người trong cuộc đó, phải tự đặt ra, tự tìm cách tạo nguồn lực để giải quyết cuộc sống của bản thân mình. Chúng ta thấy một bài học rất lớn, đó là trong giai đoạn vừa qua, Đảng, Nhà nước tập trung nhiều nguồn lực cho chính sách xã hội và chính sách an sinh xã hội. Nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho chính sách xã hội và an sinh xã hội ngày càng tăng lên.

Chúng ta thấy đại dịch COVID-19 vừa qua, cho chúng ta một bài học rất cơ bản. Rõ ràng nguồn lực chỉ có như vậy nhưng mà sức mạnh của Nhân dân, sức mạnh của bản thân người trong cuộc vươn lên để khắc phục. Đây là một bài học cơ bản, và rõ ràng điều này chứng minh rằng không phải là ngân sách Nhà nước mà chúng ta phải huy động cộng đồng, doanh nghiệp và chính đối tượng phải vươn lên.

PV: Vấn đề về việc làm cho người lao động luôn là một yếu tố rất quan trọng trong đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của người dân và an sinh xã hội. Trong khi đó, như Nghị quyết 42 đề cập, chúng ta đặt chỉ tiêu đến năm 2030, tỉ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Vậy theo đồng chí, để tạo việc làm cho người lao động, đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ thất nghiệp, chúng ta cần có các giải pháp như thế nào, nhất là trong giai đoạn còn nhiều khó khăn như hiện nay?

TS. Bùi Sỹ Lợi: Giải pháp để chúng ta giải quyết việc làm và giảm thất nghiệp, đảm bảo thu nhập cho người dân chính là đảm bảo an sinh xã hội. Đây là một trong những giải pháp mang tính chất đột phá của Nghị quyết 42.

Có rất nhiều giải pháp nhưng tôi chỉ xin nêu một số giải pháp hết sức căn cơ mà chúng ta phải tập trung để giải quyết một cách cơ bản, gốc rễ vấn đề năng suất lao động việc làm, giảm thất nghiệp và thiếu việc làm của người lao động. Giải quyết việc làm chính là biện pháp phòng ngừa để chúng ta tự chăm lo cho cuộc sống của mình.

Đầu tiên là phải đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, để trên cơ sở đó, cân đối về cơ cấu, quy mô và phân bổ hợp lý nguồn nhân lực. Điều này rất quan trọng.

Thứ hai là nâng cao chất lượng dân số và tận dụng thời kỳ của “dân số vàng”. Đồng thời thích ứng với quá trình già hóa dân số.

Thứ ba là phải tạo được một đột phá căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Trong đó, giáo dục đào tạo nghề rất quan trọng để nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng lao động có đào tạo. Hiện nay, chúng ta có trên 60% lao động qua đào tạo nghề, tuy nhiên, có bằng cấp chứng chỉ mới đạt 26%. Đây là một chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình mới.

Và đặc biệt, trong vấn đề này, chúng ta phải đẩy mạnh công tác giáo dục đào tạo và đào tạo lại các ngành nghề hiện nay của lao động phổ thông đang làm trong ngành dễ có nguy cơ bị loại khỏi các doanh nghiệp. Quan trọng là phải thể chế hóa các quy định để làm sao các doanh nghiệp có điều kiện tự đào tạo lao động, kết nối cung - cầu lao động và như chúng ta nói là kết hợp công - tư.

Một điểm nữa là tăng cường định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, ngay từ khi học phổ thông. Quan trọng là chúng ta phải phân luồng, từ trung học cơ sở cho đến trung học phổ thông, để vào nghề. Tôi cho rằng đây là một chiến lược. Chúng ta đào tạo quá nhiều thầy mà không có thợ thì sẽ mất cân đối nguồn nhân lực.

Thứ nữa là phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Và, phải có một đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao mới đáp ứng được yêu cầu của của cách mạng công nghiệp 4.0. Rõ ràng, chúng ta muốn đất nước phát triển nhanh, bền vững thì phải hòa nhập với quốc tế và chúng ta phải phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đây là những vấn đề rất quan trọng. Đổi mới chính sách tuyển dụng, đào tạo, thu hút nhân tài để chúng ta có nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước.

Thứ tư là phải phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập hiệu quả đồng bộ với nền kinh tế thị trường. Nghĩa là phát triển thị trường lao động phải đồng bộ với thị trường bất động sản, thị trường tài chính và các thị trường khác trong nền kinh tế thị trường. Và đó là yêu cầu tất yếu.

Và cuối cùng là phải tạo ra việc làm có năng suất, chất lượng mới giải quyết được vấn đề thu nhập, giải quyết được vấn đề an sinh xã hội.

Năng suất lao động có, thu nhập cao thì không chỉ giúp tái sản xuất sức lao động mà người lao động còn có tích lũy cho khi hết tuổi lao động. Đó chính là đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.


Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động là giải pháp rất quan trọng để góp phần đảm bảo an sinh xã hội (Ảnh minh họa: B.T) 

PV: Nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên để đạt được các mục tiêu về chính sách xã hội, được Nghị quyết 42 nhắc đến, đó là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chính sách xã hội trong giai đoạn mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý và Nhân dân, nhất là người đứng đầu. Vậy theo đồng chí, về vấn đề này, chúng ta nên có những giải pháp như thế nào để triển khai hiệu quả điều này, nhất là đối với người đứng đầu?

TS. Bùi Sỹ Lợi: Ở Nghị quyết 15, chúng ta mới chỉ khu trú ở hai chính sách. Đó là chính sách của người có công và chính sách an sinh xã hội, nhưng Nghị quyết 42 là Nghị quyết bao phủ toàn bộ chính sách xã hội, không chỉ là chính sách với người có công, không chỉ là an sinh xã hội mà còn là vấn đề việc làm, phúc lợi xã hội… và đặc biệt là đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: nhà ở, y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông, nước sạch,… Đồng thời, phải đảm bảo các dịch vụ này là cơ bản, chất lượng mà không phải tối thiểu nữa.

Chính vì lẽ đó, chúng ta phải tập trung để nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhận thức của Nhân dân để thấy vị trí, vai trò rất quan trọng của chính sách xã hội. Ở đây có một vấn đề, đó là vai trò của người đứng đầu. Vai trò của người đứng đầu thể hiện ở chỗ phải quán triệt được quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp và trong tổ chức thực hiện, phải quyết liệt và phải thống nhất, đồng bộ, khắc phục được tồn tại giai đoạn thực hiện Nghị quyết 15. Từ đó, chúng ta mới dễ dàng đạt được thành tựu của chính sách xã hội trong tương lai.

Trước tiên, người đứng đầu phải gương mẫu và thực hiện tốt, nắm chắc tinh thần, quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết. Chúng ta phấn đấu đến năm 2030 trở thành một đất nước có thu nhập trung bình cao, đồng thời, phải đạt được hạnh phúc của Nhân dân. Quan điểm đó người đứng đầu phải chăm lo.

Thứ hai, chính sách xã hội là chính sách vì con người, lo cho con người và điều này chính là thể hiện tư tưởng của Hiến pháp, nghĩa là quyền của con người là được hưởng an sinh xã hội đó. Do đó, người lãnh đạo phải hiểu, thông suốt, không chỉ là để chỉ đạo quyết liệt mà còn phải tránh cho được việc lợi dụng, lạm dụng và tiêu cực trong vấn đề chính sách xã hội.

Nghị quyết 42 của Trung ương lần này là có một sự điều chỉnh về cách tiếp cận từ bảo đảm ổn định sang ổn định và phát triển. Để xây dựng được nền tảng đó, Đảng đã khẳng định tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Đồng thời, không hy sinh tiến bộ công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

PV: Như đã đề cập, Nghị quyết 42 nhấn mạnh đến quan điểm: Chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để Nhân dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí có kỳ vọng gì về những kết quả mà Nghị quyết 42 sẽ mang lại?

TS. Bùi Sỹ Lợi: Đảng ta khẳng định chính sách xã hội của giai đoạn mới này là phải mở rộng ra các chính sách, không chỉ chính sách về người có công và chính sách an sinh xã hội. Thứ hai là chuyển từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển. Nghĩa là chúng ta không dừng lại ở đây.

Nghị quyết 42 có nhiều điểm mới, không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà còn quan tâm đến đời sống tinh thần của Nhân dân. Điều này rất là quan trọng.

Và lần này Nghị quyết có một điểm rất nổi bật, rất cơ bản là xây dựng sàn an sinh xã hội quốc gia. Đây là một mặt bằng để chúng ta xác định cuộc sống của Nhân dân ta tối thiểu cũng phải từ mặt bằng này trở lên, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Vì lẽ đó, tôi rất kỳ vọng về kết quả đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân và bảo đảm mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng. Tôi kỳ vọng đất nước chúng ta sẽ đạt được công bằng, dân chủ, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của đồng chí!./.

Nguồn dangcongsan

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh