Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu
Thứ bảy: 00:25 ngày 21/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 2021, công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, các chủ đầu tư quan tâm hơn đến trình tự thủ tục đấu thầu hiện hành, kinh nghiệm và nghiệp vụ thuộc lĩnh vực đấu thầu được nâng lên, chất lượng công tác đấu thầu ngày càng cao.

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16.12.2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2020, thay thế Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKH-BTC.

Trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng (kể cả không qua mạng), các chủ đầu tư đã thực hiện việc cung cấp và đăng thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng, thông báo mời nộp hồ sơ quan tâm, thông báo gia hạn/đính chính/điều chỉnh, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu... trên Báo Đấu thầu và hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo đúng quy định.


Thông tin về đấu thầu được quản lý đầy đủ, thống nhất trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, tạo điều kiện cho các nhà thầu tra cứu, tiếp cận thông tin đấu thầu dễ dàng, kịp thời, đáng tin cậy và được công nhận giá trị pháp lý. Đặc biệt, Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT còn yêu cầu đăng tải hồ sơ mời thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với cả những gói thầu không áp dụng đấu thầu qua mạng, qua đó giúp hạn chế tình trạng tiêu cực trong đấu thầu.

Năm 2021, công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, các chủ đầu tư quan tâm hơn đến trình tự thủ tục đấu thầu hiện hành, kinh nghiệm và nghiệp vụ thuộc lĩnh vực đấu thầu được nâng lên, chất lượng công tác đấu thầu ngày càng cao. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, chống thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, hình thức đấu thầu qua mạng còn giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả Nhà nước, chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu; là công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm các tiêu chí cạnh tranh công bằng, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu.

Tỷ lệ gói thầu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu/tổng số gói thầu trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 77,59%, tăng 27% so với năm 2020 (3.443/2.704 gói). Số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2021 tăng mạnh so với năm 2020: Tính đến hết năm 2021, có 596 gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng với tổng giá các gói thầu là 3.900 tỷ đồng, giá trị trúng thầu khoảng 3.782 tỷ đồng, tiết kiệm 118 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm bình quân đạt 3%. So với năm 2020, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2021 tăng 47,5% (596/404 gói thầu), tỷ lệ tiết kiệm giảm so với năm 2020 (3%/4,9%). Như vậy, xét về số lượng, số gói thầu đấu thầu qua mạng đạt 97,38% tổng số gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh; về giá trị đạt 85,96% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, vượt chỉ tiêu số lượng và giá trị theo yêu cầu tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT (70% số lượng và 35% giá trị).

Tuy nhiên, công tác đấu thầu còn một số hạn chế: tỷ lệ giảm thầu trung bình của các gói thầu trên địa bàn tỉnh năm 2021 không đáng kể (1,34%), thấp hơn tỷ lệ giảm thầu trung bình năm 2020 (3,9%). Một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đấu thầu và các luật chuyên ngành chưa được giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng đến chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu trong quá trình thực hiện, cụ thể: về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu, một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu chưa phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu như Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16.11.2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số các công trình, hạng mục công trình lâm sinh được áp dụng hình thức chỉ định thầu; việc áp dụng mẫu hợp đồng chưa thống nhất, còn chồng chéo.

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã được nâng cấp, bổ sung nhiều tính năng để đáp ứng tối đa yêu cầu, tạo thuận tiện cho người sử dụng, tuy nhiên, do hạn chế về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nên người dùng vẫn còn gặp một số trở ngại khi thao tác như chỉ tương thích với trình duyệt Internet Explorer; chức năng tìm kiếm, khai thác thông tin trên hệ thống chưa tối ưu hoá…

Thi công đường Đất Sét - Bến Củi (ảnh minh hoạ)

Theo UBND tỉnh, để bảo đảm triển khai tốt công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, trong thời gian tới, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện công tác đấu thầu trong phạm vi phụ trách; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đấu thầu qua mạng theo đúng lộ trình; công khai, minh bạch tối đa thông tin trong đấu thầu. Mặt khác, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đi đôi với tăng cường công tác hậu kiểm, có chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp kiểm tra, giám sát hình thức, đặc biệt là những trường hợp cố tình bỏ qua, bao che vi phạm hoặc phát hiện nhưng không xử lý vi phạm theo quy định.

UBND tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường đào tạo, phổ biến và cập nhật các quy định pháp luật về đấu thầu (đặc biệt là lựa chọn nhà thầu qua mạng) cho cán bộ thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia; tạo điều kiện để nâng cao năng lực, chuẩn hoá chất lượng cán bộ làm công tác đấu thầu, bảo đảm có đủ đạo đức, trình độ, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu, dự án.

Phần mềm cần được cải tiến để tương thích với các trình duyệt, hệ điều hành và thiết bị phổ biến hiện nay, giúp người dùng có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi dù là sử dụng laptop, PC, máy tính bảng hay smartphone. Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả công tác thi hành luật, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, nhà thầu, các bộ, ngành cần phối hợp nghiên cứu điều chỉnh các nội dung còn chưa thống nhất giữa pháp luật về đấu thầu và các pháp luật chuyên ngành khác… tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, giúp giảm thiểu khó khăn vướng mắc khi triển khai áp dụng.

Năm 2021, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, phổ biến, quán triệt các nội dung của Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước; Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27.12.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước và Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24.5.2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu đến các chủ đầu tư, bên mời thầu, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, tiêu cực trong công tác đấu thầu tại các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Kết quả: Tỷ lệ các gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng tiếp tục tăng mạnh cả về số lượng và giá trị. Tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong đấu thầu. Tại một số đơn vị, các thông tin trong đấu thầu được đăng tải kịp thời, công khai đồng thời trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và cổng thông tin riêng của tỉnh, thu hút được sự tham gia rộng rãi của các nhà thầu. Phần lớn các kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu tại đơn vị đều được giải quyết dứt điểm, không để kéo dài, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, gói thầu, bảo đảm tính cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả.

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục