Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nâng cao chất lượng công tác hoà giải tại toà án
Chủ nhật: 18:26 ngày 09/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, hoà giải vừa là một trong những nguyên tắc cơ bản vừa là trình tự, thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự. Với ý nghĩa, tầm quan trọng trên, Toà án nhân dân (TAND) tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/2017/CT-CA về việc tăng cường công tác hoà giải tại TAND.

Mục tiêu là số lượng vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được hoà giải thành so với số vụ án mà toà án cấp sơ thẩm đã giải quyết trong một năm đạt tỷ lệ từ 60% trở lên; 100% quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; không có quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự khó thi hành hoặc không thi hành án được.

Việc hoà giải thành các vụ án dân sự giúp giải quyết triệt để, hiệu quả tranh chấp (ảnh minh hoạ).

Trong 6 tháng đầu năm 2019, TAND TP.Tây Ninh đã hoà giải được 269 vụ/433 vụ án giải quyết, chiếm tỷ lệ 62,1% trong giải quyết các vụ án về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động. Theo đánh giá của TAND TP.Tây Ninh, các tranh chấp về dân sự ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về tính chất.

Các vụ tranh chấp dân sự chủ yếu về đất đai, hợp đồng mua bán tài sản, vay tài sản, hợp đồng góp hụi, quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản... chiếm tỷ lệ cao. Các loại án này diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định xã hội, đặc biệt là quan hệ về đất đai, nếu không được giải quyết kịp thời, thoả đáng có thể dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp… Vì vậy, công tác hoà giải, giải thích pháp luật luôn được chú trọng.

Quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Toà án có trách nhiệm tiến hành hoà giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự. Trong việc giải quyết vụ án dân sự, thẩm phán đóng vai trò là trung tâm hoà giải, giúp đỡ các bên đương sự thoả thuận giải quyết vụ án. Thẩm phán phải kiên trì hoà giải, chỉ khi nào không còn khả năng hoà giải thì mới đưa vụ án ra xét xử. Quá trình hoà giải, thẩm phán dành thời gian phù hợp cho các bên trình bày quan điểm của mình, giải thích vụ việc tranh chấp một cách có lý, có tình trên cơ sở các quy định của pháp luật, để các bên đương sự suy nghĩ, tự thương lượng, thoả thuận, làm cho họ thấy rõ lợi ích của việc hoà giải.

Toà án cần tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các đương sự tự nguyện thoả thuận, tránh hậu quả pháp lý bất lợi trong trường hợp đưa vụ án ra xét xử. Thẩm phán cần làm tốt công tác hoà giải, giải thích pháp luật để các đương sự thoả thuận về việc giải quyết vụ án, giảm số vụ án phải đưa ra xét xử, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Một vị thẩm phán TAND TP.Tây Ninh cho biết, để thực hiện được những yêu cầu trên, tuỳ vào từng trường hợp, thẩm phán có những kỹ năng khác nhau như phải giữ vai trò trung gian, luôn vô tư, khách quan, công bằng, không áp đặt khi tiến hành hoà giải. Lắng nghe ý kiến của các đương sự, giảm căng thẳng, tránh để các đương sự tổn thương tâm lý, bị xúc phạm.

Phong cách giao tiếp tự tin, sâu sắc nhưng chia sẻ mềm dẻo, quyết đoán đúng thời điểm, tập trung vào mâu thuẫn của các đương sự. Sử dụng linh hoạt nhiều câu hỏi để tháo gỡ hiệu quả mâu thuẫn, tranh chấp. Kết hợp việc sử dụng lời nói với các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan được mời tham gia phiên họp để thuyết phục đương sự.

“Ý thức được vị trí, vai trò và trách nhiệm của thẩm phán trong công tác hoà giải, bản thân luôn tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật, văn bản hướng dẫn, vận dụng kiến thức đã học từ lý luận đến kinh nghiệm thực tiễn nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết án nói chung và công tác hoà giải nói riêng. Trong năm 2018, bản thân đã giải quyết 193 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 100%, trong đó, số lượng án hoà giải thành là 76/127 vụ án (dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh thương mại)”, ông Nguyễn Văn Lắm - Thẩm phán TAND TP.Tây Ninh chia sẻ.

Việc hoà giải thành các vụ án dân sự giúp giải quyết triệt để, hiệu quả tranh chấp mà không cần mở phiên toà xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước, tạo thuận lợi cho việc thi hành án. Kết quả hoà giải giúp làm rõ yêu cầu, tình tiết, quan hệ tranh chấp giữa các đương sự, giải quyết đúng đắn vụ án trong trường hợp phải mở phiên toà xét xử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Toà án. Ðồng thời, hoà giải góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa tranh chấp trong tương lai giữa các đương sự; nâng cao ý thức pháp luật của người dân, giữ gìn ổn định trật tự xã hội.

Tuy  nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác hoà giải tại Toà án vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như một số thẩm phán chưa xác định đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa của hoà giải trong tố tụng dân sự; kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp hoà giải còn hạn chế, thiếu hiệu quả; công tác tập huấn, đào tạo chuyên sâu về kỹ năng hoà giải chưa được tổ chức thường xuyên…

Ðể nâng cao hiệu quả công tác hoà giải trong giải quyết các vụ án dân sự, trong thời gian tới, ngành toà án cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, toạ đàm, trao đổi phương pháp hay, sáng tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hoà giải cho các thẩm phán. Bên cạnh đó, toà án cũng chú ý đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tại toà án như bố trí phòng hoà giải với vị trí hợp lý cho những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

Ðặc biệt, các thẩm phán cần phải biết phối hợp chặt chẽ với cá nhân, tổ chức có chức năng trợ giúp pháp lý, có nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực tranh chấp để những người này cùng tham gia vào quá trình hoà giải tại toà án.

THIÊN DI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục