BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cao chất lượng đào tạo lái xe cơ giới, góp phần bảo đảm an toàn giao thông 

Cập nhật ngày: 10/07/2023 - 08:50

BTN - Ngày 22.4.2022, Bộ Giao thông Vận tải (BGTVT) ban hành Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15.4.2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

 

Học viên chạy trên sa hình.

Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT chính thức có hiệu lực từ ngày 15.6.2022. Sau hơn một năm triển khai, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ ngày càng được siết chặt, nhằm bảo đảm chất lượng người học.

Nâng cao kỹ năng lái xe cho học viên

Một trong những điểm mới của Thông tư 04/2022/TT-BGTVT là sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở đào tạo lái xe tại Điều 5 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT.

Cụ thể, Thông tư 04/2022/TT-BGTVT yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe phải ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1); bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe; sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe.

Cơ sở đào tạo lái xe ô tô trang bị và duy trì cabin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành. Đồng thời, cung cấp giấy xác nhận thông tin học viên đã học đủ thời gian và nội dung học thực hành lái xe trên cabin học lái xe ô tô cho cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Ngoài ra, Thông tư 04/2022/TT-BGTVT cũng bổ sung một số nhiệm vụ của cơ sở đào tạo lái xe như: Truyền dữ liệu quản lý DAT (Thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực dữ liệu DAT và dữ liệu quản lý DAT; bảo đảm an toàn dữ liệu, bảo mật cho hệ thống thông tin DAT; bảo mật tên đăng nhập và mật khẩu truy cập phần mềm hệ thống thông tin DAT của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin, dữ liệu DAT cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. Theo dõi, khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống thông tin DAT để phục vụ công tác quản lý đào tạo lái xe; kiểm tra tính chính xác các thông tin về giáo viên, xe tập lái.

Với quy định của Thông tư 04, không chỉ học viên được học nhiều tiết học với nhiều phương pháp mới có tính thực tế như sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, học lái trên cabin giả định và phải chạy thực hành trên đường thực tế đúng số ki-lô-mét được dữ liệu ghi nhận đúng thời gian quy định tại Thông tư 04.

Bên cạnh đó, các trung tâm đào tạo lái xe phải trang bị thêm cơ sở vật chất để đáp ứng quy định về đào tạo lái xe được quy định tại Thông tư 04 như trang bị thiết bị ghi nhận DAT, cabin học lái ô tô, phần mềm mô phỏng...

Học lái trên cabin- một kỹ năng mới được đào tạo học viên theo Thông tư 04.

Anh Phan Thành Công (sinh năm 1988, trú tại phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành) cho biết, nghe những người đi học lái xe thời điểm trước Thông tư 04 có hiệu lực nói lại là thời gian đào tạo không nhiều, không có học phần mô phỏng, hay cabin… còn hiện nay các học viên học lái xe phải học các phần này.

Theo anh Công, dù việc học lái xe khó khăn hơn trước nhưng anh thấy hợp lý bởi chương trình đào tạo đã nâng cao kỹ năng lái xe cho học viên qua việc học trên các phần mềm mô phỏng, cabin học lái ô tô, thực hành lái xe vào giờ đêm...

Do đó, khi học viên trải qua kỳ thi sát hạch, được cấp giấy phép lái xe thì khi lái xe thực tế trên đường, người lái có nhiều kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ không chỉ bảo đảm an toàn cho bản thân mà còn bảo đảm an toàn của những người cùng lưu thông trên đường.

Tại Tây Ninh, ngay khi Thông tư 04 chính thức có hiệu lực, tỉnh đã yêu cầu các trung tâm đào tạo lái xe trong tỉnh thực hiện tốt quy định này để bảo đảm đúng quy định về đào tạo lái xe.

Theo đại diện Trung tâm đào tạo lái xe Thành Đạt (phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh), bảo đảm công tác đào tạo đúng theo Thông tư 04, trung tâm trang bị các cơ sở vật chất như máy ghi nhận dữ liệu DAT, cabin học lái, phần mềm mô phỏng, xe ô tô mới có giá trị cao… để nâng cao chất lượng dạy và học lái xe ô tô tại Trung tâm.

 Nhìn chung, với chương trình đào tạo lái xe hiện nay, các trung tâm đào tạo lái xe phải đầu tư nâng cấp thiết bị để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho học viên hoàn thành đúng các quy định tại Thông tư 04.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Ngày 8.4.2023, Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Chỉ thị 05/CT-BGTVT về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Theo Chỉ thị 05, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe tại một số sở GTVT vẫn còn những hạn chế như: đào tạo vượt lưu lượng; việc công khai cơ sở đào tạo trên trang thông tin điện tử của Sở còn chưa cập nhật kịp thời; công tác kiểm tra, giám sát tập huấn cho giáo viên dạy thực hành lái xe có nơi còn chưa thực hiện; việc khai thác dữ liệu DAT để quản lý công tác đào tạo, dữ liệu học viên để xác định hoàn thành chương trình đào tạo trước khi sát hạch còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khoá học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức; xét duyệt thí sinh chưa đủ điều kiện dữ liệu DAT…

Do đó, Chỉ thị 05 đã đề ra các giải pháp, nhiệm vụ để khắc phục những tồn tại, hạn chế cụ thể nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ trong thời gian tới.

Ngày 26.6, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1941/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT BGTVT ngày 8.4.2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT về đổi mới, tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đường bộ.

Chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe; thực hiện nghiêm công tác thanh tra; thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động đào tạo sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ trên đường; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề xuất xử lý các vi phạm khi sát hạch cấp giấy phép lái xe. Hằng năm, tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về công tác đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh (trong trường hợp cần thiết).

Tấn Hưng