BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cao chất lượng giải quyết vụ, việc dân sự 

Cập nhật ngày: 12/11/2022 - 06:10

BTN - Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ việc dân sự trong thời gian tới, TAND tỉnh đã có văn bản kiến nghị TAND tối cao về việc tiếp tục bổ sung biên chế còn thiếu, nhất là thư ký; giải đáp một số vướng mắc nghiệp vụ.

Cán bộ TAND huyện Tân Biên tư vấn pháp luật, hướng dẫn người dân tiếp cận Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án

Thời gian qua, ngành Toà án tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án nói chung, vụ việc dân sự nói riêng (gồm dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động); khắc phục triệt để tình trạng án quá thời hạn, góp phần giảm tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa.

Theo đánh giá của TAND tỉnh, trong các tranh chấp về dân sự, tranh chấp có số lượng án nhiều là tranh chấp về hợp đồng dân sự với 2.131 vụ việc; tranh chấp có liên quan đến đất đai có 1.134 vụ việc... Đặc biệt, các tranh chấp về thừa kế và hôn nhân gia đình có đương sự ở nước ngoài do cấp tỉnh thụ lý phải thực hiện thủ tục uỷ thác tư pháp ra nước ngoài nên thường mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến số lượng giải quyết của đơn vị.

Trước đó, TAND huyện Châu Thành tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản giữa bà N.T.C (sinh năm 1968) và chị L.Q.T (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành).

Theo đó, bà C và chị T quen biết nhau từ năm 2013. Đến năm 2015, chị T có vay tiền của bà C nhiều lần, mỗi lần số tiền khoảng vài chục triệu đồng nhưng đã thanh toán xong, do đó bà có sự tin tưởng với chị T. Vào ngày 21.3.2019, bà C cho chị T vay tiếp số tiền 150 triệu đồng.

Đến ngày 10.5.2019, chị T vay thêm số tiền 100 triệu đồng. Tại thời điểm vay 2 khoản tiền trên, chị T có viết giấy và giao cho bà giữ. Nội dung giấy mượn tiền chỉ thể hiện số tiền vay, không thể hiện thời hạn trả và lãi suất.

Hai bên chỉ thoả thuận miệng về thời hạn trả là khoảng 2 tháng và lãi suất là 1,5%/tháng. Sau khi vay, chị T đóng lãi đầy đủ các khoản vay cho bà đến hết ngày 21.3.2020. Về tiền gốc, chị T chuyển khoản trả cho bà được 2 lần với tổng số tiền 100 triệu đồng.

Sau đó, chị T hẹn đến đầu tháng 8.2020 sẽ trả lại hết số tiền vay gốc còn nợ lại cho bà. Nhưng từ đó đến nay chị T không trả cho bà C được số tiền vay gốc và lãi nào. Chị T thừa nhận có viết giấy mượn tiền và nợ bà C số tiền 250 triệu đồng và đã chuyển khoản trả 2 lần tiền vay gốc vào số tài khoản của bà C số tiền 100 triệu đồng, 1 lần trả trực tiếp cho bà C với số tiền 50 triệu đồng.

Do đó, chị T chỉ đồng ý trả cho bà C số tiền vay gốc còn nợ lại là 100 triệu đồng. Qua xét xử, TAND huyện Châu Thành đã buộc chị T có nghĩa vụ trả cho bà C số tiền vay gốc 100 triệu đồng, không tính lãi.

Ông Đỗ Văn Thinh- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, công tác thực hiện hoà giải, đối thoại theo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án được quan tâm và chú trọng ngay từ khi nhận đơn.

Các vụ việc dân sự sau khi thụ lý vụ án vẫn được Toà án nhân dân 2 cấp tăng cường hoà giải nên trong năm có 2.678 vụ, việc được hoà giải thành theo tố tụng dân sự, tổng số vụ việc hoà giải thành được Toà án ra quyết định công nhận là 6.385 vụ, việc.

Toà án tích cực hướng dẫn, hỗ trợ cho các đương sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng, nhất là việc thu thập chứng cứ, tham gia hoà giải; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng và tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự.

“Nhìn chung, chất lượng xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động được nâng lên. Án bị huỷ do vi phạm thủ tục tố tụng, bỏ sót người tham gia tố tụng đã được khắc phục đáng kể, số án sơ thẩm của cấp huyện bị cấp phúc thẩm tỉnh huỷ giảm; số án bị Toà án cấp cao huỷ theo thủ tục giám đốc thẩm chủ yếu là huỷ về vấn đề đánh giá chứng cứ”- Phó Chánh án TAND tỉnh.

Từ ngày 1.10.2021 - 30.9.2022, TAND hai cấp thụ lý 8.739 vụ việc dân sự; giải quyết 7.748 vụ việc (so cùng kỳ thụ lý giảm 389 vụ; giải quyết tăng 759 vụ). Trong đó, án dân sự thụ lý 4.821 vụ việc; giải quyết 4.016 vụ việc (cấp tỉnh giải quyết 464/554 vụ việc đã thụ lý; cấp huyện giải quyết 3.552/4.267 vụ, việc đã thụ lý).

Đại diện TAND huyện Châu Thành cho hay, năm 2022, đơn vị đã giải quyết 1.309/1.470 vụ án dân sự nói chung, trong đó có 331 vụ thụ lý, giải quyết theo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án. Nhìn chung, công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự cơ bản bảo đảm tuân thủ pháp luật tố tụng dân sự.

Công tác phối kết hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Công an - Viện Kiểm sát - Toà án được thực hiện tốt, thường xuyên trao đổi quan điểm giải quyết các vụ án điểm, phức tạp. Các ngành hữu quan nói chung và phòng, ban của UBND huyện nói riêng đã hỗ trợ trong công tác xác minh, đo đạc, thẩm định, định giá… của Toà án về những tranh chấp, góp phần giải quyết các loại án kịp thời, không để án tồn quá hạn luật định.

Ngoài ra, việc đổi mới trình tự, thủ tục tố tụng trong xét xử các loại án nói chung, án dân sự nói riêng đạt được những kết quả nổi bật như chủ toạ phiên toà đã thực hiện đúng, đầy đủ thủ tục tố tụng theo quy định pháp luật; chủ động trong điều khiển phiên toà được nhanh gọn và chuẩn xác.

Thư ký phiên toà được tiếp cận, nắm rõ nhiệm vụ được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, nhằm thực hiện tốt vai trò của mình khi tham gia tố tụng tại phiên toà. Hội thẩm nhân dân thực hiện đúng nguyên tắc độc lập trong xét xử và biểu quyết ngang quyền với thẩm phán - chủ toạ phiên toà; nội dung xét hỏi đi vào trọng tâm vụ án…

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình giải quyết vụ việc dân sự vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như án bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan mặc dù có kéo giảm và hạn chế nhưng vẫn còn. Tỷ lệ giải quyết các loại án dân sự, hôn nhân và gia đình sơ thẩm chưa cao, làm ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị.

Còn có án quá hạn ở một số đơn vị sau khi giãn cách do dịch Covid-19. Một số vụ án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất trên địa bàn rất phức tạp, cần tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn.

Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên do số lượng các loại vụ, việc án dân sự nói chung và án hành chính mà Toà án hai cấp phải thụ lý, giải quyết có tính chất phức tạp ngày càng nhiều, liên quan nhiều địa phương, nhiều đương sự; các vụ án có yếu tố nước ngoài thuộc trường hợp uỷ thác tư pháp còn rất chậm, nhiều vụ án không nhận được kết quả uỷ thác.

Công tác phối hợp của một số đơn vị trong một số lĩnh vực liên quan còn chưa thực sự đồng bộ. Một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Toà án, thậm chí chưa làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia định giá tài sản, thực hiện uỷ thác tư pháp… nhiều tài liệu chứng cứ không được lưu giữ tốt tại một số cơ quan, đơn vị nên không thu thập được.

Đương sự trong một số vụ án cố tình né tránh, không thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, không hợp tác trong việc thu thập chứng cứ của Toà án, nhiều trường hợp còn cản trở việc thu thập chứng cứ nhằm gây khó khăn, kéo dài thời gian để chậm thực hiện nghĩa vụ.

Đại diện TAND huyện Châu Thành cho biết thêm, một số thẩm phán xác minh, thu thập chứng cứ chưa toàn diện, đầy đủ… Ngoài ra, do một thư ký phải giúp việc cho nhiều thẩm phán và làm thêm công tác khác; thẩm phán phải thực hiện công tác của thư ký nên không thể tập trung để giải quyết án. Ngoài ra, án ngày càng phức tạp, đương sự không đến Toà án được triệu tập hợp lệ, không hợp tác, khai báo không đúng sự thật…

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ việc dân sự trong thời gian tới, TAND tỉnh đã có văn bản kiến nghị TAND tối cao về việc tiếp tục bổ sung biên chế còn thiếu, nhất là thư ký; giải đáp một số vướng mắc nghiệp vụ.

Nâng cao công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân. Tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn đối với các TAND cấp huyện thông qua thành lập các đoàn kiểm tra và kiểm tra thường xuyên từng vụ việc.

Chánh án TAND tỉnh giao trách nhiệm cho các Phó Chánh án phụ trách bám sát từng đơn vị, vụ việc cụ thể để báo cáo kịp thời cho Ban lãnh đạo Toà án xử lý, giải quyết những khó khăn.

Thiên Di