Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cao chất lượng giáo dục: Cần sự hợp tác từ nhiều phía

Cập nhật ngày: 12/10/2011 - 09:50

Mới đây, Phòng GD-ĐT huyện Bến Cầu tổ chức hội thảo “Tình hình chất lượng giảng dạy, nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng bậc Tiểu học và THCS”. Toàn huyện Bến Cầu hiện có 19 trường tiểu học và 9 trường THCS với hơn 8.600 học sinh. Tổ chức hội thảo để tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục có lẽ là hoạt động hiếm thấy ở các cấp quản lý cơ sở.

Theo ông Phạm Thành Sơn, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Bến Cầu, bên cạnh những tiến bộ, giáo dục Bến Cầu cũng đang có nhiều vấn đề đặt ra: Chất lượng học sinh lớp 2 buổi/ngày của các trường tiểu học còn thấp; việc đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy học còn hạn chế, chưa sáng tạo, hiệu quả sử dụng đồ dùng dạy học chưa cao. Tỷ lệ học sinh yếu tuy có giảm hơn năm học trước, nhưng vẫn còn cao so với các đơn vị khác trong tỉnh, nhất là bậc tiểu học. Ở nhiều trường học, việc tổ chức thực hiện các chuyên đề còn nặng tính hình thức…

Vì sao học sinh tiếp thu bài kém?

Phát biểu tại hội thảo, những đại biểu tham dự cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến học sinh ngày nay tiếp thu bài không tốt. Trước hết, học sinh chưa có ý thức tự giác học, chưa có động cơ học tập đúng đắn. Điều này xảy ra ở hầu hết các đối tượng chứ không riêng gì những học sinh có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Do không chịu động não nên khả năng phân tích, tổng hợp, so sánh của học sinh còn hạn chế. Điều này lý giải vì sao học sinh càng ngày càng học yếu các môn khoa học xã hội. Trong lớp, học sinh chưa mạnh dạn phát biểu xây dựng bài, nguyên nhân là do hiểu chưa sâu, nắm kiến thức chưa chắc, thiếu tự tin. Một bộ phận không nhỏ học sinh còn có tư tưởng ỷ lại vào thầy cô: cô giảng bài cho nghe và cô làm bài tập cho chép, cuối năm em vẫn lên lớp! Học sinh đi học thất thường, có em trong một tuần chỉ được 2 - 3 buổi. Một số học sinh Tiểu học đọc, viết còn rất chậm, không ghi được bài ngay tại lớp. Khi kiểm tra bài cũ, có em thuộc bài nhưng lại không hiểu bản chất của vấn đề, tức là học vẹt. Cũng vì học theo lối “tụng” nên nhiều em học sinh mặc dù thuộc lý thuyết nhưng không có khả năng vận dụng kiến thức khi làm bài tập. Học sinh ngày nay cũng đang chịu tác động từ những mặt trái của xã hội: phim, ảnh bạo lực, trốn học chơi điện tử... Ngoài ra, còn phải kể đến yếu tố tâm lý: học sinh ngày nay nảy sinh tình cảm khác giới rất sớm trước khi đến tuổi trưởng thành. 

Một lớp học ở Bến Cầu

Sẽ không công bằng khi đổ hết lỗi cho học sinh - ông Phạm Thành Sơn (Phòng GD-ĐT Bến Cầu) nhận định. Theo ông Sơn, chất lượng giáo dục còn hạn chế có một phần do đội ngũ giáo viên, cụ thể là trong công tác chuyên môn. Phương pháp giảng dạy, kỹ năng, trình độ sư phạm của một bộ phận giáo viên còn hạn chế. Là người tham gia dự giờ giáo viên rất nhiều, ông Sơn cho rằng trong khi dạy, giáo viên nêu câu hỏi, dẫn dắt bài học chưa logic, chưa phù hợp cho từng đối tượng, năng lực tổ chức giờ học theo nhóm đối tượng còn hạn chế. Tinh thần trách nhiệm của giáo viên chưa cao, thậm chí mắc bệnh thành tích nên đánh giá không đúng thực chất lớp mình giảng dạy. Một hiện tượng phổ biến cần phải chấm dứt: trong giờ dạy, nhiều giáo viên thường “câu giờ” bằng cách nói ngoài lề mà không khắc sâu kiến thức trọng tâm của bài học cho học trò! Cách điều hành, quản lý lớp của giáo viên cũng còn vấn đề: việc tổ chức các hoạt động nhóm còn mang tính hình thức; chưa động viên, tuyên dương kịp thời khi học sinh tích cực. Nói khác đi, thầy cô giáo vẫn có thói quen “tiết kiệm” lời động viên, khích lệ học sinh. Một thói quen phổ biến khác, là giáo viên chưa quan tâm đến tất cả học sinh trong lớp mà thường chỉ chú trọng vào các em học sinh khá, giỏi và coi đây là chất lượng chung của cả lớp. Điều này khiến cho một bộ phận học sinh tiếp thu bài chậm cảm thấy bị thầy cô bỏ rơi, đối xử không công bằng, thầy cô chưa thân thiện nên học sinh không tích cực!

Khắc phục: Phải đồng bộ

Học sinh yếu là một tồn tại khách quan. Giúp đỡ học sinh yếu là việc làm cần thiết nhưng không thể nóng vội mà phải có lộ trình hợp lý. Nhân tố quan trọng nhất để cải thiện chất lượng giáo dục vẫn là người thầy. Một nhà sư phạm lỗi lạc của thế giới đã khẳng định: không một nền giáo dục nào có thể đứng cao hơn ông thầy. Chất lượng giáo dục khó có thể được cải thiện nếu như thiếu những người thầy có tâm và có tầm. Giáo viên là người chủ đạo trong việc khắc phục học sinh yếu, thành hay bại là phần lớn do giáo viên. Để học sinh hiểu bài, người giáo viên phải luôn nhớ đến những chữ “sát”: bám sát mục đích yêu cầu của bài học, dạy sát đối tượng, sát nội dung và hạn chế việc “tán nhảm” ngoài lề. Trong tiết dạy học bình thường, giáo viên soạn bài nhất thiết phải có kế hoạch dạy học cho những học sinh yếu. Kế hoạch dạy học cho học sinh yếu phải phù hợp với trình độ học sinh đó. Phải nghiêm khắc xử lý việc giáo viên lợi dụng việc dạy thêm phân biệt đối xử với học sinh.

Đối với học sinh, chính bản thân các em phải chuyên cần, nỗ lực trong học tập, vì không ai có thể học thay cho mình được.

Chỉ có thầy và trò thì chưa đủ. Để hoạt động dạy học thật sự nghiêm túc, khoa học, rất cần có sự phối hợp mang tính nguyên tắc giữa người dạy, người học, người quản lý và cả phụ huynh học sinh. Những gia đình khá giả không nên nuông chiều con cái một cách thái quá.

Những vấn đề được nêu lên trong cuộc hội thảo do Phòng GD-ĐT Bến Cầu tổ chức thật ra không phải là điều gì quá mới mẽ. Nhưng chính những điều này đang tồn tại âm ỉ lâu nay trong ngành giáo dục, không chỉ riêng ở một địa phương nào.

VIỆT ĐÔNG

 

 


 
Liên kết hữu ích