Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sản phẩm Ocop Tây Ninh:

Nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu 

Cập nhật ngày: 10/12/2021 - 00:38

BTN - Hiện nay, nhiều sản phẩm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã và đang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tạo ấn tượng với người tiêu dùng.

Sơ chế mãng cầu.

Chương trình OCOP triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội sinh, gia tăng giá trị các sản phẩm có lợi thế của địa phương, tạo ra hướng đi trong sản xuất, kinh doanh, gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 18 sản phẩm của 9 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở thị xã Hoà Thành, huyện Tân Châu, thành phố Tây Ninh và huyện Gò Dầu tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 3 sản phẩm xếp hạng 4 sao, gồm: sản phẩm trái mãng cầu của Công ty Cổ phần Natani (phường 2, thành phố Tây Ninh); sản phẩm Rượu mãng cầu của Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan (phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành) và sản phẩm Nước ép mãng cầu của Công ty TNHH Đông dược Vĩnh Xuân (xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành). 15 sản phẩm còn lại được xếp hạng 3 sao.

Công ty CP Natani (phường 2, TP. Tây Ninh)- chủ thể sản xuất trái mãng cầu đạt chất lượng 4 sao của tỉnh, đã đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Không chỉ vậy, đạt 4 sao OCOP đã nâng tầm giá trị cho sản phẩm, lượng tiêu thụ trái mãng cầu ra thị trường theo đó cũng tăng lên.

Ông Nguyễn Thế Tân- Tổng giám đốc Công ty CP Natani cho biết, công ty có hơn 200 ha vườn liên kết với bà con nông dân và có xưởng sơ chế nằm ngay thủ phủ mãng cầu lớn nhất của Tây Ninh, thuận lợi trong việc tập kết sản lượng và xử lý trái, đáp ứng nhu cầu của thị trường, với thời gian trái được cắt từ vườn đến khi cung cấp ra thị trường chỉ trong một ngày nên sản phẩm bảo đảm tươi xanh khi đến tay người tiêu dùng.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm và giữ vững thương hiệu mãng cầu Tây Ninh, Natani hướng đến phương thức phối hợp với nhà vườn tạo thành chuỗi liên kết, trong đó công ty sẽ cung cấp kỹ thuật cũng như quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ vi sinh nhằm bảo đảm chất lượng, đồng thời tăng cường chất đề kháng cho cây và cải tạo đất, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Điều này giúp công ty luôn chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.

Ông Tân chia sẻ, công ty tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó, xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng VietGAP, hữu cơ, nâng tầm sản phẩm đạt chất lượng 5 sao. Mục tiêu từ năm 2022-2024 sản lượng kinh doanh trái mãng cầu tươi của công ty đạt 150 tấn/tháng và sản lượng xuất khẩu đạt 10 tấn/tháng.

Bên cạnh đó, công ty tiếp tục nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng công nghệ như website, fanpage, zalo, youtube… và duy trì kênh phân phối vào hệ thống siêu thị, mở rộng hệ thống các cửa hàng, đại lý trên khắp cả nước.

Công ty TNHH Tân Nhiên chi nhánh 1 (xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) là chủ thể sản xuất có các sản phẩm đạt chất lượng 3 sao gồm: bánh tráng ớt bay muối nhuyễn siêu cay, bánh tráng phô mai, bánh tráng sa tế tôm hành và sản phẩm bánh tráng sa tế tỏi.

Với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, các mặt hàng này đã được người tiêu dùng chấp nhận và dần khẳng định chỗ đứng trên một số thị trường. Ông Đặng Khánh Duy- Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên cho biết, sau khi sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao, công ty không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm, tạo hệ thống liên kết bán hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Để sản phẩm giữ vững tiêu chí chất lượng sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn 3 sao và nâng hạng lên 4 sao trong thời gian tới, công ty tiếp tục cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường; đầu tư hệ thống máy móc, nâng cao năng suất chế biến đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường; tích cực tham gia các chương trình quảng cáo đặc sản vùng miền do Sở Công Thương tổ chức.

Ông Hồ Đức Vĩnh- chủ trại dế Oanh Vĩnh (xã Suối Dây, huyện Tân Châu) là chủ thể sản xuất của 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm: dế mèn đông lạnh, bột dế Oanh Vĩnh và dế sấy sả ớt ăn liền. Ông Vĩnh cho biết, dế được dùng chế biến bảo đảm là dế sạch, có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. “Khi sản phẩm đạt OCOP, mình suy nghĩ phải làm sao để nâng cao chất lượng lên thì mới đủ sức cạnh tranh với trên thị trường”- ông Vĩnh chia sẻ.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; được các đơn vị phân phối, bán lẻ, sàn giao dịch thương mại điện tử ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn.

Hiện nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc quảng bá, phân phối sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua các sàn thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Cùng với hình thức bán hàng truyền thống tại các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, siêu thị, trung tâm thương mại, việc đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như chi phí bán hàng thấp, thị trường rộng, kiểm soát hàng hoá dễ dàng... Đây là xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị sẽ quan tâm nâng chất các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP năm 2021, giúp cho các chủ cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm đối với việc phát triển sản phẩm ra ngoài thị trường bằng các chương trình hỗ trợ về nhãn mác, hàng hoá, thiết bị phục vụ quá trình sản xuất.

Các sản phẩm từ dế đạt sản phẩm 3 sao.

Đối với các sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP trong thời gian tiếp theo, đơn vị đặt ra một số giải pháp trọng tâm như: tăng cường công tác tuyên truyền cho các chủ cơ sở, nhà sản xuất nhận biết rõ điều kiện tham gia OCOP, những lợi thế của sản phẩm khi đạt chứng nhận OCOP.

Bên cạnh đó, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ đề xuất tổ chức tập huấn cho chủ cơ sở về kiến thức, kỹ năng liên quan đến việc xây dựng thương hiệu, xây dựng câu chuyện sản phẩm và cải tiến chất lượng để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu mà chương trình OCOP đã đề ra.

Nhi Trần

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 18 sản phẩm của 9 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở thị xã Hoà Thành, huyện Tân Châu, thành phố Tây Ninh và huyện Gò Dầu tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 3 sản phẩm xếp hạng 4 sao, gồm: sản phẩm trái mãng cầu của Công ty Cổ phần Natani (phường 2, thành phố Tây Ninh); sản phẩm Rượu mãng cầu của Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan (phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành) và sản phẩm Nước ép mãng cầu của Công ty TNHH Đông dược Vĩnh Xuân (xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành).