Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chiều 17.1, tại hội trường Trung tâm đào tạo TPA, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở” trên địa bàn tỉnh. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối các điểm cầu UBND và trung tâm văn hoá cấp huyện, xã.
Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở VH, TT&DL kết luận buổi hội thảo.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL cho biết, tính đến nay, hệ thống thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở cơ bản được đầu tư, xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của nhân dân, như: Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật, Thư viện, Bảo tàng; 9 Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố; 94 Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn; 301 Nhà văn hoá ấp, liên ấp và 12 Nhà văn hoá dân tộc.
Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở (VHCS) chưa trở thành điểm thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt, các hoạt động văn hoá, văn nghệ chưa đáp ứng nhu cầu, sáng tạo nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân nói chung và thanh, thiếu niên nói riêng.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu có chuyên môn, am hiểu về lĩnh vực thiết chế văn hoá đã chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế VHCS (cấp xã, ấp) trên địa bàn tỉnh thời gian tới, như: thực trạng chung về cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức bộ máy; sự phù hợp của các cơ chế, chính sách liên quan; năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương trong tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hoá trên địa bàn...
Trước thực trạng hệ thống thiết chế VHCS hiện nay, hội thảo thống nhất đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở trên địa bàn tỉnh, như: giải pháp về công tác chỉ đạo, điều hành, cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động văn hoá, xã hội hoá trong khai thác sử dụng, phát huy công nă ng của cơ sở vật chất tại các thiết chế văn hoá; đề xuất chế độ cho người quản lý, kinh phí duy trì tổ chức hoạt động của thiết chế văn hoá cấp xã, ấp; chú trọng công tác đào tạo, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ VHCS; bố trí, đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, duy tu, sửa chữa các thiết chế văn hoá bị hư hỏng, xuống cấp; xây dựng mô hình mẫu hoạt động của trung tâm văn hoá và học tập cộng đồng cấp xã; phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng mô hình mẫu hoạt động nhà văn hoá ấp, nhà văn hoá dân tộc...
Kết luận hội thảo, ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở VH, TT&DL nhấn mạnh, kết quả hội thảo sẽ là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về thiết chế VHCS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Những đánh giá toàn diện thực trạng về thuận lợi, khó khăn, bất cập, hạn chế, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra sẽ là cơ sở để ngành tham mưu xây dựng, trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành đưa vào nghị quyết và triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế VHCS trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hoá tỉnh nhà, tạo nền móng vững chắc cho việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, hướng đến mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Tâm Giang