Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn 

Cập nhật ngày: 10/03/2020 - 19:47

BTNO - Giai đoạn 2013-2019, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng được 1.062 lớp, với 35.742 học viên (bình quân 5.106 học viên/năm).

Nhờ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển sản xuất, giải quyết việc làm đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn. Đến nay, tỉnh đã vận động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, khuyến khích thành lập doanh nghiệp tạo nhiều việc làm mới.

Đào tạo nghề cạo mủ cao su ở xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên.

Bên cạnh đó các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Qua đó cũng đã nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 ước đạt 50 triệu đồng/người- tăng 21,9 triệu đồng/người so với năm 2013 (28,1 triệu đồng/người) góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo tiêu chuẩn mới, giảm bình quân 1,5%/năm xuống còn 1% năm 2019.

Công tác bồi dưỡng công chức, viên chức cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tuy nhiên số lượng người có học hàm, học vị thu hút không nhiều do chưa có chính sách, cơ chế và môi trường làm việc phù hợp để thu hút nguồn nhân lực.

Làm nghề mây tre nứa trên địa bàn thị xã Hòa Thành.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nông thôn mục tiêu năm 2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng là việc làm cần thiết hiện nay.

Tỉnh cũng tập trung tổ chức đưa cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp, nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình nông nghiệp công nghệ mới tại các tỉnh, thành phố trong nước hoặc các nước có nền nông nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel.

Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và tạo việc làm cho lao động tại địa phương; thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề gắn với việc làm. Mở rộng các hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới theo nhu cầu của lao động, doanh nghiệp, thị trường; gắn đào tạo nghề với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp.

Đổi mới hoạt động huấn luyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ quản lý và nông dân; xây dựng mới một số trung tâm thực nghiệm sản xuất gắn với đào tạo nghề, đào tạo kỹ thuật.

Nhi Trần