Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nâng cao chất lượng nữ hoà giải viên ở cơ sở
Thứ hai: 18:30 ngày 04/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với vai trò là thành viên của tổ hòa giải, cán bộ chi, tổ hội, hội viên phụ nữ nòng cốt đã trực tiếp tham gia, thực hiện tốt công tác hoà giải.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chú trọng nâng cao chất lượng, năng lực hoà giải viên nữ ở cơ sở. Với vai trò là thành viên của tổ hòa giải, cán bộ chi, tổ hội, hội viên phụ nữ nòng cốt đã trực tiếp tham gia, thực hiện tốt công tác hoà giải. Nhờ đó, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Hoà Hội là xã biên giới của huyện Châu Thành. Công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn được đặc biệt quan tâm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa-Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, địa phương hiện có 4 tổ hoà giải, trong đó có 4 nữ hoà giải viên. Đơn vị đã bám sát chỉ đạo của Hội cấp trên, tổ chức tuyên truyền và triển khai thực hiện các quy định về hòa giải ở cơ sở với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Hoà giải viên thường xuyên trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Hội LHPN xã triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải cơ sở. Đặc biệt, tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện, hỗ trợ trong giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Việc nỗ lực trong công tác hoà giải của chị em phụ nữ đã góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, gắn kết hạnh phúc cho nhiều gia đình, tình làng nghĩa xóm hòa thuận, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoà Hội cho biết thêm, phần lớn nữ hoà giải viên ở cơ sở tham gia giải quyết các vụ việc mâu thuẫn chủ yếu bằng kinh nghiệm và vốn sống, ít có sự vận dụng, giải thích bằng pháp luật hiện hành, bởi hiểu biết về pháp luật của chị em còn hạn chế.

Để khắc phục khó khăn trên, hàng năm, Sở Tư pháp có phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ giúp các hoà giải viên cơ sở nắm chắc những quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực để vận dụng cho phù hợp vào mỗi vụ việc cụ thể.

Trong quá trình hoạt động, các nữ hòa giải viên tự củng cố kiến thức qua việc nghiên cứu văn bản pháp luật thông qua các tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để có phương pháp hòa giải hiệu quả, góp phần ngăn chặn mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra ở địa bàn dân cư.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Hoà Bình, thành viên tổ hòa giải của ấp cho hay, dù đang đảm nhiệm công việc trong chi hội phụ nữ ấp, bận bịu với việc gia đình, nhưng chị vẫn sẵn sàng tham gia hoạt động hòa giải ở địa phương. Với chị Thảo, công tác hòa giải đã tạo ra niềm vui cho chính bản thân người hòa giải khi các mâu thuẫn, tranh chấp được hóa giải, chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ hoá không, tình làng nghĩa xóm trở nên khăng khít.

“Khi hòa giải một vụ tranh chấp, hoà giải viên phải xoa dịu cảm xúc của các bên, tìm hiểu rõ vụ việc để có hướng giải quyết phù hợp. Trong nhiều trường hợp, hoà giải viên phải vận dụng tình làng nghĩa xóm, mối quan hệ thân thiết và cả điều khoản của pháp luật để thuyết phục các bên. Việc này đòi hỏi hòa giải viên phải có nhiều kỹ năng như giao tiếp, lắng nghe, khai thác thông tin, tài liệu, nắm chắc quy định của luật để tìm giải pháp tư vấn vừa hợp tình, hợp lý”, nữ hoà giải viên của ấp Hoà Bình chia sẻ thêm.

Xã Long Vĩnh (huyện Châu Thành) hiện có 4 tổ hoà giải, với 23 hoà giải viên, trong đó có 3 hoà giải viên nữ. Số lượng hoà giải viên luôn được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng trong công tác hoà giải ở cơ sở. Hoà giải viên ở cơ sở đa phần là người được sự tín nhiệm của nhân dân, am hiểu kiến thức pháp luật, có uy tín, tâm huyết, nhiệt tình trong công tác.

Trong năm 2019, UBND xã Long Vĩnh quán triệt và tổ chức triển khai Luật Hoà giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành luật; củng cố, nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở gắn với triển khai thực hiện đề án Năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022 và Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải ở cơ sở cho hoà giải viên.

11 năm gắn bó với công việc hoà giải viên, bà N.T.N.L (ngụ ấp Long Phú, xã Long Vĩnh) cho hay, khi có vụ việc xảy ra, tổ hòa giải tập hợp các hòa giải viên đến tìm hiểu rõ nguyên nhân, tổ chức gặp gỡ động viên, thuyết phục, lắng nghe ý kiến của các bên rồi họp bàn và đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả; hướng dẫn cụ thể để các bên hiểu và tự thỏa thuận giải quyết với nhau trước sự chứng kiến của tổ hòa giải.

Muốn hòa giải thành công một vụ việc không chỉ nắm bắt tâm tư, tình cảm giữa các bên mà còn phải nắm chắc quy định của pháp luật để đưa ra những phân tích thấu tình đạt lý, nhận được sự đồng thuận từ các bên từ đó hóa giải mâu thuẫn”, bà N.L chia sẻ kinh nghiệm khi tham gia hoà giải.

Một vị lãnh đạo xã Long Vĩnh chia sẻ, nhờ phát huy vai trò của các tổ hòa giải, các vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp đất ở địa phương ít xảy ra, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp. Các hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, người dân chấp hành tốt quy định.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân- Ảnh minh hoạ

Bên cạnh những kết quả đạt được, khi tham gia hoạt động hoà giải ở cơ sở, các nữ hòa giải viên cũng còn gặp một số hạn chế, khó khăn nhất định. Ngoài ra, đội ngũ hòa giải viên thường biến động, tổ hòa giải ở một số nơi có thời điểm không đủ số lượng thành viên hoặc đủ số lượng nhưng không có hòa giải viên nữ, gây khó khăn trong việc dàn xếp vụ việc có liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

Trước đây, các địa phương đã rà soát, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, thời gian đầu, có một số tổ hòa giải chưa đủ thành phần theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Hầu hết các xã chưa cấp kinh phí in, mua tài liệu, văn phòng phẩm, sổ sách... phục vụ công tác hòa giải hàng tháng cho tổ hòa giải.

Trước thực trạng trên, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã ban hành công văn đề nghị chấn chỉnh ngay hoạt động hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn công chức tư pháp–hộ tịch cấp xã tham mưu UBND cùng cấp khẩn trương rà soát lại các tổ hòa giải trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp kiện toàn tổ hòa giải theo đúng thành phần quy định; cấp kinh phí in, mua tài liệu, văn phòng phẩm, sổ sách... phục vụ công tác hòa giải.

UBND các xã đã củng cố, kiện toàn lại tổ hòa giải, đảm bảo đủ thành phần quy định. Năm 2019, toàn tỉnh có 549 tổ hòa giải. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã thụ lý 796 vụ tranh chấp, đưa ra hòa giải 794 vụ, trong đó hòa giải thành 675 vụ, chiếm tỷ lệ 85,01%; các vụ hòa giải không thành được hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Các đơn vị tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên; tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn hướng dẫn các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế trong công tác hoà giải ở cơ sở. Để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở, Sở Tư pháp đã tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho tổ trưởng các tổ hòa giải trên toàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên trên địa bàn.

Thiên Di-Phương Thảo

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục