Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Thứ bảy: 15:47 ngày 28/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua thời gian ngắn thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - gọi tắt là OCOP, đã có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của tỉnh khẳng định lợi thế trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Ðể đạt được kết quả trên, các ngành, địa phương cũng như các cơ sở sản xuất đã nỗ lực nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP.

Ðóng gói bánh tráng tại cơ sở bánh tráng Tân Nhiên (xã Trường Ðông, thị xã Hoà Thành).

Trong kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh xác định và tập trung phát triển, nâng cấp các sản phẩm đặc trưng như mãng cầu Bà Ðen, trà Tâm Lan, trà Hoàn Ngọc, chuối sứ, bưởi da xanh, chao, muối ớt, bánh tráng, các món ăn chay, sản phẩm từ cá lóc, hoa lan ngọc điểm, sầu riêng, bánh tráng phơi sương, rau ăn lá, dưa lưới, bánh canh, bánh tráng thịt luộc… và nhiều sản phẩm tiềm năng khác có thể xây dựng các tiêu chí để đạt chuẩn OCOP nhằm phát huy giá trị kinh tế của sản phẩm.

Ðể nâng cao chất lượng cũng như tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm đặc trưng theo Ðề án OCOP, các đơn vị sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng áp dụng công nghệ vào sản xuất; xây dựng, phát triển được các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản phẩm OCOP phù hợp với xu thế, đòi hỏi của thị trường.

Trong thực tế, hiện nay, các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã có sự khác biệt, mang đặc trưng riêng, nhiều sản phẩm có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Cụ thể như bánh tráng phơi sương ở thị xã Trảng Bàng. Ðây là một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương có thương hiệu trên thị trường.

Nắm bắt được các chính sách từ chương trình OCOP, người dân địa phương mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ,  cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó, họ duy trì được làng nghề, cải thiện chất lượng sản phẩm, làm tăng sản lượng, tăng thu nhập đáng kể.

Hơn 15 năm gắn bó với nghề làm bánh tráng phơi sương, chị Nguyễn Thị Thanh Thuý (phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng) gầy dựng được một cơ ngơi khang trang. Cơ sở của chị có công suất 20.000 chiếc bánh/tuần.

Theo chị Thuý, từ khi được thị xã Trảng Bàng chọn làm điểm để thực hiện chương trình OCOP, nhận thấy đây là chương trình ý nghĩa và là cơ hội phát triển, chị Thuý không ngần ngại đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất.

Theo đó, ngoài chiếc máy cắt bánh tráng chạy bằng mô tơ điện, chị còn chế tạo ra chiếc máy nướng bánh tráng phơi sương với trị giá hàng trăm triệu đồng, đem lại hiệu quả đáng kể cho quá trình sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

Nhận thấy chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình OCOP, HTX thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Phước Ninh (xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu) đã chú trọng các khâu từ lựa chọn vùng nước nuôi, con giống, thức ăn... Tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm cá lóc.

Vừa qua, sản phẩm cá lóc của HTX được huyện Dương Minh Châu chọn là 1 trong 42 sản phẩm chủ lực của huyện tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Ðây là cơ hội để HTX mở rộng quy mô, đa dạng hoá sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu, đưa đặc sản địa phương đến với người tiêu dùng. Bên cạnh cá lóc tươi, HTX còn liên kết người dân trong vùng sản xuất khô cá lóc và chế biến các loại mắm cá lóc. Bước đầu, sản phẩm của HTX đã được nhiều khách hàng khen ngợi.

Bà Lâm Thị Có- Phó Giám đốc HTX cho biết, việc được chọn làm sản phẩm OCOP sẽ là tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm cá lóc địa phương. Xã viên HTX sẽ có nhiều cơ hội quảng bá đến người tiêu dùng cả nước, kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho HTX và người nuôi trong vùng liên kết.

Theo ông Ðặng Khánh Duy- chủ cơ sở bánh tráng Tân Nhiên (xã Trường Ðông, thị xã Hoà Thành), để sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, cơ sở tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, đóng gói bao bì sản phẩm, tăng tính nhận diện sản phẩm và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Ông Lê Chính Nghĩa- Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng cho biết, Thị xã vẫn đang tập trung nhiều cho hoạt động tuyên truyền qua các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý điều hành chương trình OCOP và các chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất kinh doanh để họ hiểu rõ hơn về chương trình OCOP.

Ðể sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa hơn nữa, từ ngày 10 đến ngày 15.12, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Tây Ninh sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ triển lãm thương mại “Sản phẩm OCOP- Kết nối vươn xa” tại  Ðồng Tháp.

Hội chợ sản phẩm OCOP lần này có quy mô 300 gian hàng trưng bày, quảng bá nhiều mặt hàng là đặc sản, đặc trưng của các tỉnh, thành lân cận. Hội chợ sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh; các tổ chức xúc tiến thương mại thuộc các tỉnh, thành phố tăng cường liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá.

NHI TRẦN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục