Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
Thứ hai: 07:24 ngày 18/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới theo hướng tập trung vào các vụ việc, nhất là tham gia tố tụng.

Sở Tư pháp và TAND tỉnh ký kết kế hoạch liên tịch về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại TAND hai cấp trên địa bàn.

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những chính sách mang tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước, bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực hiện công bằng xã hội. Hiện hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới theo hướng tập trung vào các vụ việc, nhất là tham gia tố tụng.

Trong năm 2023, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Tây Ninh tiếp nhận thụ lý và phân công người thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng 391 vụ cho 391 người thuộc diện được TGPL miễn phí của Nhà nước; trong đó, lĩnh vực hình sự 324 vụ, dân sự 60 vụ, hành chính 4 vụ, lĩnh vực pháp luật khác 3 vụ (số người tiếp cận và được thụ hưởng chính sách TGPL của Nhà nước tăng trên 60% số với năm 2022).

Ông Lê Minh Hiền- Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết, khi có yêu cầu của các đối tượng được TGPL, Trung tâm luôn có các hình thức trợ giúp như tư vấn, bào chữa, bảo vệ trong quá trình tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Các trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện TGPL tích cực, nhiệt tình trong công việc, quyết tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.

Trong nhiều vụ việc tham gia tố tụng, trợ giúp viên pháp lý có quan điểm bào chữa, bảo vệ được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL như thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, giảm nhẹ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bị cáo hay tăng mức bồi thường thiệt hại cho đương sự…

Đơn cử như trường hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại L.T.U.N (sinh năm 2010, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) thuộc diện được TGPL trong vụ án hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Trước đó, N.V.B (sinh năm 2004), quen biết với N thông qua mạng xã hội Zalo.

Sau một thời gian nhắn tin nói chuyện, cả hai nảy sinh tình cảm. Trong khoảng thời gian từ ngày 11.10.2022 đến ngày 26.10.2022, B đã 4 lần quan hệ tình dục với N. Ngày 30.10.2022, mẹ của N phát hiện B chở N đi uống nước về nên hỏi chuyện, B thừa nhận đã nhiều lần quan hệ tình dục với N. Sau đó, mẹ của N đến Công an xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu tố cáo B.

Tại phiên toà, với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại L.T.U.N, trợ giúp viên pháp lý đã bày tỏ quan điểm, đưa ra những bằng chứng, lý lẽ đầy thuyết phục, yêu cầu bị cáo bồi thường tổn thất tinh thần cho bị hại, đề nghị HĐXX xử lý thật nghiêm khắc bị cáo, để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

“Trợ giúp viên pháp lý rất tận tình hướng dẫn thủ tục và tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu N tại Toà án, giúp cháu không bị thiệt thòi. Tôi thật sự biết ơn sự giúp đỡ của Trung tâm”- chị K.H (mẹ của cháu N) bày tỏ.

Một trợ giúp viên pháp lý chia sẻ, với tư cách là người bào chữa cho bị cáo tại phiên toà hình sự, trợ giúp viên pháp lý có thể sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định nhằm làm sáng tỏ những tình tiết liên quan đến sự thật của vụ án, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo; giúp bị cáo về mặt pháp lý cần thiết như tham gia hỏi đối với bị cáo, người tham gia phiên toà khác để làm rõ nội dung của vụ án, làm cơ sở đưa ra luận chứng bảo vệ cho bị cáo.

Trong phần tranh luận, trợ giúp viên pháp lý sẽ trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình đối đáp với các quan điểm của kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Khi tiến hành tranh luận, bào chữa cho bị cáo, trợ giúp viên pháp lý đưa ra đề nghị của mình về tội danh, mức án và quan điểm xử lý đối với bị cáo mà mình được phân công bào chữa…

Đối với vụ việc dân sự, trong giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án, vai trò là người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người thực hiện TGPL cần đưa ra lời tư vấn về tính khả thi về vấn đề, yêu cầu của đương sự muốn giải quyết tại Toà án; kiểm tra, đối chiếu những dữ liệu, tài liệu mà đương sự cung cấp, nghiên cứu và chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ cần thiết để tư vấn cho đương sự một cách giải quyết phù hợp và tốt nhất. Trong giai đoạn hoà giải, trợ giúp viên pháp lý nắm chắc nội dung vụ án, phân tích cho đương sự những thuận lợi, khó khăn, lợi ích nếu hoà giải thành.

Trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại tại một phiên toà.

Trong giai đoạn mở phiên toà, trợ giúp viên pháp lý phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để giúp đương sự bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác; đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án, đáp lại ý kiến của người khác.

Kết thúc phiên toà, trợ giúp viên pháp lý cần xem kỹ biên bản và có quyền yêu cầu sửa chữa, bổ sung biên bản. Đây là một quyền rất quan trọng nhằm phát hiện những sai lầm để kiến nghị sửa chữa, bổ sung, bảo đảm quyền và lợi ích của đương sự.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tổ chức thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, năm 2022, Sở Tư pháp phối hợp TAND tổ chức ký kết kế hoạch liên tịch về người thực hiện TGPL trực tại TAND hai cấp trên địa bàn; qua đó bảo đảm cho đối tượng thuộc diện được TGPL tiếp cận TGPL kịp thời.

Ông Đỗ Văn Thinh- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, tại trụ sở TAND hai cấp niêm yết danh sách, số điện thoại người thực hiện TGPL (trợ giúp viên pháp lý; luật sư thực hiện TGPL).

Người tiến hành tố tụng, công chức TAND khi phát hiện người thuộc diện được TGPL sẽ thông báo và cung cấp số điện thoại của người được TGPL hoặc người thân của họ (nếu có) ngay cho người trực (Trung tâm TGPL Nhà nước phân công người trực theo ngày làm việc); đồng thời, hướng dẫn người thuộc diện được TGPL liên hệ với người thực hiện TGPL theo địa chỉ và số điện thoại đã được niêm yết.

Sau đó, người trực tiếp nhận nguồn tin, yêu cầu TGPL từ người tiến hành tố tụng, công chức TAND, từ người thuộc diện được TGPL, người thân của họ hoặc từ cơ quan, tổ chức khác sẽ liên hệ với người thuộc diện được TGPL hoặc người thân của họ để thực hiện các hoạt động TGPL.

“Đối tượng thuộc diện TGPL trong các vụ việc mà TAND thụ lý được giải thích đầy đủ, tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời; bên cạnh đó, củng cố, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành trong việc TGPL cho đối tượng thuộc diện được TGPL, đặc biệt trong việc thông tin, thông báo về TGPL”- Phó Chánh án TAND tỉnh chia sẻ.

Để công tác TGPL trong hoạt động tố tụng trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC; tập trung thực hiện vụ việc TGPL, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người được TGPL cho tất cả người thuộc diện được TGPL khi có yêu cầu; tổ chức lấy ý kiến người được TGPL hoặc người thân của người được TGPL; phối hợp với các địa phương tổ chức truyền thông công tác TGPL kết hợp tư vấn pháp luật; tham mưu tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc TGPL hoàn thành năm 2023.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục