Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nâng cao chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm năng suất, giá trị cho nông sản
Thứ sáu: 07:42 ngày 03/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương siết chặt công tác quản lý, tăng cường công tác kiểm soát, quản lý vật tư nông nghiệp trên thị trường...

Nông dân vào vụ thu hoạch lúa.

Hiện nay, không chỉ giá thành tăng cao mà chất lượng của các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng có nhiều vấn đề gây lo lắng cho người sản xuất nông nghiệp. Để hạn chế rủi ro, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm lợi ích của người nông dân, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương siết chặt công tác quản lý, tăng cường công tác kiểm soát, quản lý vật tư nông nghiệp trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Cần trang bị kiến thức cho nông dân

Thị trường vật tư nông nghiệp đa dạng, thế nhưng không phải mặt hàng nào cũng thật sự chất lượng như quảng cáo. Trên thực tế, đại đa số nông dân tìm mua giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều dựa trên khuyến cáo của các cơ sở kinh doanh.

Tuy nhiên, trình độ của một bộ phận người bán thuốc còn hạn chế. Một số đại lý vì lợi nhuận dẫn đến tình trạng bán các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không đúng đối tượng sử dụng, làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng dẫn đến giảm năng suất, chất lượng nông sản.

Ông Hồ Văn Út, ngụ xã Long Chữ, huyện Bến Cầu cho biết, gia đình ông có khoảng 1,2 ha chuyên sản xuất lúa, mỗi khi thăm đồng, thấy xuất hiện tình trạng bệnh hoặc sâu rầy tấn công, ông thường đến cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn mua thuốc bảo vệ thực vật về phun. Đến đại lý, ông thường miêu tả triệu chúng bệnh hoặc loại sâu rầy tấn công, phía đại lý sẽ bán loại thuốc có công dụng đặc trị, vì ông không có kiến thức về các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Còn theo ông Nguyễn Trung Kiên, ngụ xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nhiều sản phẩm với công dụng na ná nhau, nông dân rất khó phân biệt đâu là hàng thật, hàng giả, việc mua và sử dụng chủ yếu là do các đại lý tư vấn và bán. Nếu mua phải loại kém chất lượng, người nông dân cũng rất khó để đòi hỏi quyền lợi vì sử dụng cần phải có thời gian theo dõi và kiểm tra mới biết được kết quả.

Theo tìm hiểu, hiện có quá nhiều sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nhiều đơn vị sản xuất được giới thiệu, quảng cáo, song, việc lựa chọn loại phân bón và thuốc bảo vệ thực nào cho hiệu quả tốt, sản xuất sản phẩm năng suất cao, chất lượng, đồng thời an toàn khi sử dụng là vấn đề nhiều nông dân băn khoăn, trăn trở.

Nhiều vụ vi phạm được phát hiện

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp sản xuất và 479 cơ sở kinh doanh về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với trên 2.824 sản phẩm lưu thông trên thị trường (trong đó, có khoảng 164 sản phẩm sản xuất trong tỉnh); 26 đơn vị sản xuất giống ngoài tỉnh có 216 sản phẩm bán tại Tây Ninh và 53 cơ sở kinh doanh giống cây trồng. Các sản phẩm đa dạng về chủng loại và đã đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hơn hai năm qua, giá các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, tình trạng gian lận trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp ngày càng diễn biến phức tạp. Đã có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình này tung ra thị trường các sản phẩm giả, kém chất lượng nhằm thu lợi bất chính.

Các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, phân bón không bảo đảm chất lượng với phương thức nhái nhãn mác của những thương hiệu nổi tiếng và bán với giá rẻ hơn.

Bà Võ Thị Ngoan- Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp được ngành nông nghiệp tỉnh chú trọng, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân để nâng cao nhận thức và cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác thực hiện đúng quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Giai đoạn 2016-2021, Sở NN&PTNT thực hiện 17 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã thanh tra, kiểm tra 18 lượt cơ sở sản xuất, 357 lượt cơ sở kinh doanh; lấy 784 sản phẩm kiểm tra chất lượng.

Song song với xử phạt vi phạm hành chính, đơn vị còn thông tin các sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng trên báo, đài, trang thông tin điện tử của Sở; thông tin đến các địa phương- nơi có công ty sản xuất và thông báo về huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn các cơ sở kinh doanh sản phẩm không đạt chất lượng.

Trong năm 2022, Sở đã thực hiện 6 cuộc thanh tra, kiểm tra (1 cuộc kiểm tra đột xuất) về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống tại 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh, lấy 253 mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống (159 mẫu phân bón, 82 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, 12 mẫu hạt giống) kiểm tra chất lượng.

Kết quả, có 35 cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh, nhãn hàng hoá, 46 mẫu vi phạm về chất lượng (còn 18 mẫu đang chờ kết quả). Sở tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 54 trường hợp với tổng số tiền trên 893 triệu đồng.

Tỷ lệ vi phạm đã được kéo giảm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thấy: các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cơ bản chấp hành tốt điều kiện kinh doanh của Nhà nước; các sản phẩm của doanh nghiệp vi phạm năm trước giảm lưu thông thị trường; so với năm 2021, số vụ vi phạm về chất lượng sản phẩm có chiều hướng giảm (năm 2021 vi phạm 25,5%), tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm về chất lượng, hàng giả năm 2022 vẫn chiếm tỷ lệ tương đối cao (18,2%).

Các trường hợp vi phạm được xử lý nghiêm theo quy định. Song song đó, ngành chức năng thông báo các sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng đến các địa phương nơi có công ty sản xuất và đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở, cũng như cung cấp thông tin cho báo, đài để khuyến cáo người dân trong việc kinh doanh, mua sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, khó khăn trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y) trên địa bàn tỉnh là các đại lý, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ, nằm rải rác; các sản phẩm rất đa dạng, nhiều chủng loại, chủ yếu do các doanh nghiệp ngoài tỉnh sản xuất, chỉ thông qua đại lý để bán sản phẩm; do đó, phát hiện sai phạm chỉ xử phạt đại lý kinh doanh sản phẩm đó và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định, mà không thể xử lý toàn bộ lô hàng và đơn vị sản xuất.

Công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh sản phẩm giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi (số lượng bày bán ít nhằm né tránh thanh tra, xử phạt và truy xuất nguồn gốc) và nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì mức xử phạt vẫn thấp hơn so với lợi nhuận thu được.

Bên canh đó, việc thông tin các công ty có sản phẩm vi phạm đến các nơi công ty đăng ký sản xuất đã được thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao do phần lớn phụ thuộc vào trách nhiệm của các địa phương, hiện nay chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà chưa có biện pháp xử lý cụ thể.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng theo đúng quy định pháp luật.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục