Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nâng cao chuỗi giá trị cây mì
Thứ hai: 19:06 ngày 25/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng cây mì lớn nhất cả nước. Qua thống kê, từ năm 2010 đến nay, do lợi ích kinh tế cây mì mang lại cao nên diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh gia tăng liên tục, đầu tư thâm canh cao và năng suất tăng dần theo các năm.

Từ năm 2010 – 2018, diện tích trồng mì trên địa bàn tỉnh dao động từ 40.000 ha đến trên 60.000 ha; đến năm 2018, diện tích mì khoảng 50.000 ha, năng suất 25 tấn/ha. Theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, dự kiến đến năm 2020, tổng diện tích mì sẽ giảm còn 50.000 ha, năng suất bình quân 36 tấn/ha; sản lượng đạt 1,8 triệu tấn.

Nông dân chăm sóc cây mì.

Có thể nói, đây là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế khá nhất trong các cây trồng chủ lực truyền thống. Cây mì cho thu hoạch trong giai đoạn 8 – 10 tháng sau khi trồng. Tổng chi phí đầu tư cho 1 ha mì khoảng 42 triệu đồng/ha/vụ. Từ năm 2010 cho đến trước khi xảy ra dịch bệnh khảm lá, giá thu mua củ mì tươi trên địa bàn tỉnh dao động ở mức 2.400 đồng/kg với củ mì đạt 30% hàm lượng tinh bột. Khi bệnh khảm lá mì phát sinh gây hại đã làm giảm sản lượng thu hoạch nên đẩy giá thu mua tăng cao đột biến, từ cuối năm 2017 đến nay có giá từ 2.500 – 3.700 đồng/kg với củ mì đạt 30% hàm lượng tinh bột.

Theo Sở NN&PTNT, điểm mạnh trong chuỗi sản xuất cây mì hiện nay trên địa bàn tỉnh là điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi; nguồn nước tưới dồi dào; loại cây trồng này không đòi hỏi cao về đầu tư tài chính và trang thiết bị, máy móc, dễ chăm sóc hơn các loại cây trồng khác, nông dân chủ động được mùa vụ và thu hoạch.

Tuy nhiên, dù điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng với nền đất xám bạc màu, nông dân sử dụng chủ yếu phân vô cơ trong thời gian dài, thêm vào đó cây mì là loại cây lấy nhiều chất dinh dưỡng từ đất nên đã làm cho đất ngày càng nghèo dinh dưỡng, nguồn nước ngầm nhiều nơi bị phèn hóa… dẫn đến độ pH đất giảm mạnh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng gây hại trong đất phát sinh gây thối củ, giảm năng suất.

Sản xuất cây mì không đòi hỏi cao về tài chính, trang thiết bị… nhưng khó khăn nhất là thiếu hụt công lao động nông thôn trong các khâu trồng, chăm sóc, nhất là thu hoạch, do hiện nay phần lớn người dân trong độ tuổi lao động đều tập trung vào các khu, cụm công nghiệp.

Ngoài vấn đề trên thì chuỗi giá trị cây mì đang có những yếu điểm khác như chất lượng nguồn giống chưa bảo đảm; tình hình dịch hại diễn biến ngày càng phức tạp, khó khăn trong kiểm soát và quản lý nguồn sâu bệnh hại, tiềm ẩn nhiều khả năng bùng phát thành dịch. Mức độ cơ giới hóa chưa cao, chủ yếu vẫn làm thủ công, dẫn đến giá thành sản xuất cao.

Bên cạnh đó, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến chưa chặt chẽ, chủ yếu thông qua khâu trung gian là thương lái thu mua nên làm giảm hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Sản phẩm sau chế biến chủ yếu là tinh bột thô, chưa đa dạng hóa sản phẩm sau tinh bột và chưa sử dụng nhiều các phụ phẩm trong chế biến nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Thị trường xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, mất nhiều chi phí trung gian nên giá trị kinh tế chưa cao.

Theo Sở NN&PTNT, ngành mì đang tạo ra gần 18.000 việc làm, chiếm 7,5% tổng lao động trong khu vực nông nghiệp. Giá trị gia tăng 2.895 tỷ đồng, chiếm 18,4% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp.

Vận chuyển củ mì lên xe.

Cây mì còn có giá trị kinh tế cao, vì là một trong những nguồn nguyên liệu sản xuất ethanol phục vụ tạo ra xăng sinh học E5 RON 92 và E10 RON 92 theo lộ trình của Chính phủ đề ra về việc thay thế xăng khoáng RON 92.

Do đó, để phát triển chuỗi giá trị cây mì, cần phát triển, đa dạng hóa nguồn giống canh tác nhằm bảo đảm đạt năng suất, chất lượng; rà soát, định hướng vùng sản xuất tập trung, cắt giảm số diện tích trồng xen canh với các cây trồng khác, đất bị nhiễm nặng bệnh thối củ.

Đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, nhất là các khâu: trồng, làm cỏ và thu hoạch nhằm giảm công lao động, giúp hạ giá thành sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề lao động nông thôn đang ngày càng thiếu hụt.

Tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (sử dụng giống mới, chất lượng cao, bón phân đúng quy trình, tưới tiết kiệm nước…) nhằm hướng đến việc canh tác bền vững, canh tác theo hữu cơ. Phát triển các liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ gắn với các sản phẩm đạt chất lượng, sản phẩm hữu cơ.

Về chế biến, doanh nghiệp chế biến cần đa dạng hóa các sản phẩm, chế biến chuyên sâu các sản phẩm sau tinh bột, nhất là sản xuất tinh bột hữu cơ, đồng thời sử dụng nhiều hơn nữa các phụ phẩm trong chế biến (phân bón…) để nâng cao chuỗi giá trị.

Đối với khâu tiêu thụ, các cơ sở, doanh nghiệp chế biến cần mở rộng thị trường xuất khẩu để không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Giang Hà

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục