Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản
Chủ nhật: 23:15 ngày 04/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu cho sản xuất, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, quản lý đất đai liên quan đến khoáng sản chưa đồng bộ.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, quản lý đất đai liên quan đến khoáng sản chưa đồng bộ; việc khai thác khoáng sản đã tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường tự nhiên.

Ngoài ra, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại, gây thất thoát tài nguyên; còn nhiều trường hợp doanh nghiệp khai thác quá độ sâu, ngoài ranh cấp phép, ngoài ranh thuê đất, kê khai chưa đầy đủ sản lượng đã khai thác. Cùng với đó, công tác đóng cửa mỏ, việc thu hồi đất sau khi đóng cửa để tạo quỹ đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, các mỏ sau khai thác còn để lại những hố sâu nguy hiểm.

Hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập

Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh đã có đợt khảo sát thực tế một số điểm khai thác khoáng sản trên địa bàn 3 huyện: Tân Biên, Tân Châu và Dương Minh Châu.

Qua đợt khảo sát cho thấy nhiều hạn chế trong hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay, như: cắm mốc ranh giới khai thác không đúng với giấy phép khai thác được cấp, vi phạm về độ sâu và khối lượng được phép khai thác, nhiều mỏ chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan, vấn đề bảo đảm an toàn khu vực mỏ, công tác kiểm soát các công ty và doanh nghiệp đang lập thủ tục và sau khi đóng cửa mỏ.

Tại huyện Tân Biên, hiện có 13 giấy phép khai thác vật liệu san lấp đang hoạt động với diện tích 64,93 ha, trữ lượng khai thác 4.145.924m3 và 21 mỏ hết hạn giấy phép khai thác đã được phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, có quyết định đóng cửa mỏ. Từ đầu năm 2019 đến ngày 30.5.2022, Tân Biên đã tổ chức 5 cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm 2 trường hợp còn khai thác khi giấy phép khai thác đã hết hiệu lực và thực hiện không đầy đủ số lượng, khối lượng các hạng mục công trình, các giải pháp an toàn, phục hồi đất đai, không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép kiểm tra, cho phép đóng cửa mỏ từng phần trước khi tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường với số tiền trên 5 triệu đồng.

Trên địa bàn huyện Tân Châu có 18 giấy phép khai thác khoáng sản, gồm: 1 giấy phép khai thác khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp với diện tích khai thác 75,7 ha đá vôi và đá sét, với trữ lượng toàn mỏ đá vôi là 32.148.783 tấn và đá sét 7.333.220 tấn, vị trí khai thác: ấp Cây Cầy, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. 17 giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường do UBND tỉnh cấp, trong đó, có 9 giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng (2 giấy phép tạm ngưng hoạt động do chưa đầy đủ thủ tục theo quy định), 8 giấy phép khai thác khoáng sản đất san lấp (6 giấy phép hết thời hạn, ngưng khai thác).

Tính đến tháng 5.2022, huyện thành lập 4 đoàn kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc chấp hành quy định của pháp luật về khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; thực hiện 10 lượt kiểm tra tại 18 cơ sở, qua đó phát hiện, lập biên bản 18 vụ vi phạm, trong đó có 6 vụ bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 1,6 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Dương Minh Châu, trên địa bàn huyện có 11 giấy phép khai thác khoáng sản được UBND tỉnh cấp. Trong đó, 2 giấy phép khai thác đất san lấp (1 giấy phép đã hoàn thành việc khai thác và đóng của mỏ), 1 giấy phép khai thác đá xây dựng và 8 giấy phép khai thác cát xây dựng (có 6 giấy phép được UBND tỉnh cho hoạt động trở lại, 2 giấy phép tạm ngưng hoạt động).

Một bãi tập kết cát khai thác trong lòng hồ Dầu Tiếng tại huyện Tân Châu.

Thời gian qua, tổ kiểm tra liên ngành của huyện Tân Châu phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành 40 cuộc tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát của các công ty, doanh nghiệp trong hồ nước Dầu Tiếng, quá đó, phát hiện 5 vụ việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ với số tiền 50 triệu đồng; chuyển Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh, xử lý 4 trường hợp.

Công an huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra an toàn đường thuỷ, phương tiện lưu thông tại các bến bãi, các phương tiện vận chuyển cát lưu thông trên đường. Qua kiểm tra phát hiện, xử phạt 23 phương tiện vượt tải trọng với số tiền 78,3 triệu đồng; Đội Thanh tra giao thông vận tải số 4 tổ chức tuần tra phát hiện và xử lý vi phạm trọng tải 131 trường hợp vi phạm, tổng số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2019-2022, Sở đã tổ chức 7 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và 8 cuộc kiểm tra đột xuất, đồng thời tiếp nhận hồ sơ do Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh chuyển qua 11 vụ, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 tổ chức, 2 cá nhân và 1 quyết định khắc phục hậu quả đối với 1 tổ chức, tổng số tiền gần 600 triệu đồng; tịch thu trên 2,9 tỷ đồng, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 120 triệu đồng đối với các hành vi khai thác vượt công suất, khai thác ngoài diện tích được cấp phép, khai thác không có giấy phép, chưa thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường, khai thác khoáng sản trái phép.

Thiếu nguồn cung nguyên liệu, vật liệu tại chỗ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh không phong phú, chủ yếu thuộc nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng như đá vôi, đất sét làm gạch ngói, đá xây dựng, cuội, sỏi, cát xây dựng, đất san lấp và than bùn.

Từ năm 2019-2022, sản lượng khoáng sản đã khai thác và sử dụng trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 3.312.343m3; trữ lượng còn lại ước tính vào khoảng 12.938.009m3.

Từ năm 2019 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh cấp 73 giấy phép hoạt động khoáng sản, bao gồm: 4 giấy phép thăm dò khoáng sản, 9 giấy phép khai thác khoáng sản, 11 giấy phép gia hạn khai thác khoáng sản, 3 giấy phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, 2 giấy phép điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác khoáng sản, 19 quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, 11 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản, 14 dự án tận dôi dụng đất dư.

Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành 19 quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, 6 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản, thẩm định các hạng mục cải tạo phục hồi môi trường, chủ yếu lắp hàng rào, trồng cây xung quanh mỏ, đắp đê bao quanh mỏ, dựng biển báo nguy hiểm, duy tu sửa chữa đường vận chuyển, tưới đường giảm bụi khi vận chuyển, lắp đặt cống thoát nước.

Trên địa bàn tỉnh có 50 giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh đang hoạt động, với tổng diện tích cấp phép 1.206,9 ha (diện tích mặt nước: 939,6 ha, diện tích mặt đất: 267,3 ha); trữ lượng cấp phép khai thác gồm: 4.559.717m đá xây dựng; 8.877.538m cát xây dựng; 7.159.068m đất san lấp; 420.351m sét gạch ngói; 2.302.956m than bùn. Trong đó, mỏ đá Lộc Trung (xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) với công suất khai thác, chế biến đá xây dựng đã được cấp phép là 450.000 m3/năm, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng đá xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Đối với đất san lấp, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, với số lượng và diện tích quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông hiện nay của tỉnh, khả năng đáp ứng nhu cầu của các mỏ khoáng sản chỉ đạt khoảng 54,12%. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 15 đơn vị khai thác cát xây dựng được cấp giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm, với 95 phương tiện tàu được cấp phép khai thác cát xây dựng, 12 bến thuỷ nội địa được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cũng bộc lộ nhiều khó khăn hạn chế, do địa bàn rộng, lực lượng làm công tác chuyên môn cấp huyện mỏng; công tác giám sát, báo cáo tại địa phương chưa kịp thời nên việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm còn khó khăn; công tác kiểm tra, giám sát có lúc chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Việc phát hiện xử lý vi phạm vùng giáp ranh với các tỉnh bạn trong lòng hồ Dầu Tiếng còn khó khăn do thiếu quy chế phối hợp trong quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh