Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên
Thứ ba: 03:00 ngày 06/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số với hơn 5.551 hộ/20.415 nhân khẩu, nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer (khoảng 2.392 hộ/9.229 nhân khẩu, chiếm 0,77% dân số), sinh sống chủ yếu tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và thị xã Hoà Thành.

Điệu múa trống Chhay-dăm độc đáo của người Khmer ở xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.

Những năm qua, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của đồng bào Khmer được các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Các thiết chế văn hoá được đầu tư, xây dựng, tạo sự thay đổi đời sống văn hoá cơ sở; nhiều nhà văn hoá dân tộc được đầu tư xây dựng; các di sản được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn góp phần làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào Khmer.

Qua thống kê, toàn tỉnh có 7 nhà văn hoá dân tộc Khmer, 3 nhà lễ Sala và 6 chùa Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer. Bà con duy trì các buổi sinh hoạt văn hoá văn nghệ, dạy học, đàn ngũ âm, múa trống Chhay-dăm và tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc.

Những ngày này, đồng bào Khmer ở ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên đã có nơi để tập trung sinh hoạt cộng đồng. Theo đó, công trình nhà văn hoá dành cho đồng bào Khmer được xây dựng khang trang với tổng kinh phí 1,6 tỷ đồng, do Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành khu vực phía Nam (thuộc Khối thi đua quân sự địa phương Quân khu 7) cùng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh và UBND huyện Tân Biên đóng góp.​

Bà Đoàn Thị Minh Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, trên địa bàn có 17 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc Khmer là 454/1.782 nhân khẩu; riêng tại xã Tân Phong có 83 hộ với 319 nhân khẩu.

Ông Cao Văn Sa Kha (52 tuổi)- người có uy tín trong đồng bào Khmer ở ấp Xóm Tháp cũng là người được địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ trông coi, quản lý nhà văn hoá của bà con.

Ông Sa Kha cho biết, đây là niềm vui lớn mà đồng bào Khmer ở địa phương vừa nhận được. Nhà văn hoá đã đáp ứng nguyện vọng của bà con là có nơi sinh hoạt cộng đồng, thụ hưởng các giá trị văn hoá tinh thần.​

Ông Sa Kha nói, bà con cảm nhận được sự quan tâm đặc biệt, chu đáo và nghĩa tình của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và đặc biệt là của quân đội; không chỉ quân đội trong tỉnh mà của nhiều tỉnh, thành quan tâm, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer nói riêng. Từ đó, tạo điều kiện cho bà con phát huy văn hoá truyền thống, góp phần giáo dục các thế hệ con cháu của đồng bào Khmer về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các thiếu nữ Khmer đến chùa Chung Rút.

“Tại nhà văn hoá này, chúng tôi hứa sẽ duy trì thường xuyên, hiệu quả nội dung sinh hoạt để giữ gìn và phát huy những nét văn hoá của người dân Khmer. Đặc biệt, sẽ giáo dục tốt cho thế hệ con cháu của đồng bào Khmer về truyền thống, nét văn hoá của dân tộc Việt Nam nói chung và của đồng bào Khmer nói riêng. Qua đó, cùng với các cấp chính quyền phấn đấu duy trì xã văn hoá, nông thôn mới, góp phần thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao”- ông Sa Kha nhấn mạnh.

Còn ở xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên, những ngày giáp tết, các thanh niên Khmer có dịp trình diễn điệu múa Lâm Thôn hay múa chằn truyền thống trong ngày hội “Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản” trên tuyến biên giới.

Thiếu nữ Khmer ở ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Biên Nguyễn Thị Thành, huyện có 3 xã biên giới với đường biên dài 92,5km (trong đó có 37,2km đường sông, suối), giáp với 4 huyện thuộc 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia, là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Trong những năm qua, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được đẩy mạnh; 100% nhà văn hoá các xã đạt chuẩn; tỷ lệ gia đình văn hoá duy trì trên 80%; huyện có 13 câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ truyền thống.

Những tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã biên giới từng bước xoá bỏ; các trường học được xây kiên cố, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao. Trung tâm Văn hoá Thể thao xã được xây dựng, tạo điều kiện để nhân dân có nơi hội họp và tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, mang lại diện mạo, sắc thái mới cho khu vực biên giới của huyện.

Tường Linh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục