Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nâng cao hiệu quả bào chữa, bảo vệ cho người được TGPL dưới 18 tuổi
Chủ nhật: 10:52 ngày 09/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Lê Minh Hiền Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đánh giá, phần lớn các vụ việc TGPL cho người dưới 18 tuổi đều đạt chất lượng tốt. Trung tâm phân công các trợ giúp viên pháp lý, luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý trẻ em để trợ giúp pháp lý trong hầu hết các vụ việc.

Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi tại một phiên toà

Những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL được thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ cho người được TGPL là người dưới 18 tuổi trong các vụ án đang thụ lý giải quyết.

Điều 7, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định các trường hợp người dưới 18 tuổi được TGPL như: trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người dưới 18 tuổi là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. Ngoài ra, người dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau cũng được TGPL như thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và nhóm các đối tượng có khó khăn về tài chính gồm: con liệt sĩ dưới 18 tuổi; người nhiễm chất độc da cam dưới 18 tuổi, người khuyết tật dưới 18 tuổi; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình dưới 18 tuổi; nạn nhân của hành vi mua bán người dưới 8 tuổi, người nhiễm HIV dưới 18 tuổi.

Ông Lê Minh Hiền - Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết, để hướng dẫn thi hành các quy định về TGPL trong các bộ luật, luật tố tụng và Luật TGPL năm 2017, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, TAND tối cao và VKSND tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định rõ cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan thông qua việc quy định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng nói chung và đối với người dưới 18 tuổi nói riêng.

Thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạo điều kiện cho trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng. Khi người bị buộc tội dưới 18 tuổi có yêu cầu được TGPL thì các cơ quan Cảnh sát điều tra đã giải thích quyền được TGPL. Việc giải thích được thể hiện trong biên bản tố tụng để lưu tại hồ sơ vụ án; thông báo và thông tin về TGPL, thực hiện việc đăng ký bào chữa theo quy định của Thông tư liên tịch số 10. 

Các cơ sở giam giữ đều thực hiện việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL theo quy định cho người dưới 18 tuổi thuộc diện được TGPL; niêm yết tờ thông tin về TGPL trong buồng tạm giữ, tạm giam, tại nơi làm thủ tục tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phòng thăm gặp, phòng làm việc của người bào chữa và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Khi họ có yêu cầu TGPL, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ có trách nhiệm hướng dẫn họ viết đơn yêu cầu TGPL và chuyển đến Trung tâm cùng với thông báo TGPL; tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL gặp gỡ, tiếp xúc với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

TAND hai cấp tỉnh phối hợp với Trung tâm trong việc hướng dẫn cho người dân tiếp cận được với chính sách TGPL của nhà nước. Đối với các vụ án dân sự có đối tượng là trẻ em, người dưới 18 tuổi, TAND hai cấp có biên bản giải thích về quyền được TGPL cho các đương sự và lưu trong hồ sơ tố tụng.

Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có người thuộc diện được TGPL thông báo lịch xét xử cho người thực hiện TGPL theo quy định. VKSND hai cấp kết hợp kiểm sát việc phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, chủ động liên hệ đến Trung tâm để phối hợp thực hiện TGPL cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi theo quy định pháp luật và quy chế phối hợp của Hội đồng. 

Để tăng cường năng lực, trình độ và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL nói chung và TGPL cho người dưới 18 tuổi nói riêng, hằng năm, Sở Tư pháp đều tổ chức buổi tập huấn nghiệp vụ về TGPL, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng đặc thù như: trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo... trong các vụ án.   

Qua thống kê, số vụ việc thực hiện TGPL năm 2019 là 205 vụ, trợ giúp viên pháp lý thực hiện khoảng 150 vụ, số người được TGPL dưới 18 tuổi chiếm hơn 80% số vụ việc của Trung tâm thụ lý. Đa số các vụ việc TGPL cho người dưới 18 tuổi được thực hiện thông qua hình thức cử người tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án hình sự, dân sự. 

Đơn cử, trường hợp cháu Đ.T.B.N (sinh ngày 25.12.2006) đã bị kẻ xấu giở trò đồi bại khi chỉ mới 12 tuổi. Khoảng giữa tháng 12.2018, cháu N đến một vườn cao su thuộc ấp Tân Thuận, xã Tân Thành, huyện Tân Châu để lượm mủ đất, bị P.V.M (sinh năm 1984, ngụ xã Tân Thành, huyện Tân Châu) khống chế từ phía sau để thực hiện hành vi giao cấu. 

Vài ngày sau, vào buổi sáng khi cháu N cùng với em trai lượm mủ cao su đất, tại một vườn cao su khác thuộc ấp Tân Thuận, thì lại bị M khống chế định giao cấu, nhưng bị cháu N cắn vào vai, rồi bỏ chạy nên M không thực hiện được. Cháu N chạy về nhà bỏ lại xe đạp. Chiều cùng ngày, cháu N một mình quay lại vườn cao su nói trên để lấy xe, thì M từ phía sau đi đến ôm, đè cháu N xuống giao cấu. 

Tại phiên toà, trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho em N bày tỏ quan điểm bảo vệ quyền, lợi ích cho em N, đề nghị HĐXX xử lý nghiêm bị cáo M để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Ông Lê Minh Hiền đánh giá, phần lớn các vụ việc TGPL cho người dưới 18 tuổi đều đạt chất lượng tốt. Trung tâm phân công các trợ giúp viên pháp lý, luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý trẻ em để trợ giúp pháp lý trong hầu hết các vụ việc. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách TGPL và thực hiện cơ chế phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, địa phương cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tại khoản 7, Điều 7, Luật Trợ giúp pháp lý quy định nhóm đối tượng có khó khăn về tài chính thì mới được TGPL: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người... 

Như vậy, nếu người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thuộc các trường hợp: con của liệt sĩ; người khuyết tật; người nhiễm chất độc da cam; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình hay nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người phải đi kèm điều kiện có khó khăn về tài chính thì mới được TGPL.

Việc quy định về điều kiện có khó khăn về tài chính đi kèm với một số nhóm người tại Khoản 7, Điều 7 của Luật TGPL năm 2017 phần nào gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện. Trong khi trên địa bàn tỉnh có rất nhiều người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có nhu cầu được TGPL. 

Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết rất nhiều vụ án, có những vụ án hình sự, dân sự như là hụi, họ, cho vay nặng lãi, số bị can, bị cáo, bị hại, đương sự rất đông, có vụ lên đến hàng trăm người. Vì vậy, nếu thực hiện đầy đủ các bước giải thích, thông báo, thông tin về TGPL theo Thông tư liên tịch số 10 sẽ phát sinh lượng hồ sơ rất lớn, gây áp lực cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng...

Để nâng cao hiệu quả bào chữa, bảo vệ cho người được TGPL là người dưới 18 tuổi, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định thống nhất trong các chính sách pháp luật về quyền được TGPL có liên quan đến người dưới 18 tuổi, phù hợp với các văn bản pháp luật khác và Công ước quốc tế về quyền trẻ em; hướng dẫn về việc phát bản thông tin TGPL, việc lập biên bản giải thích về quyền được TGPL miễn phí của người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện được TGPL theo Mẫu số 2 của Thông tư liên tịch số 10.

THIÊN DI

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục