Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp 

Cập nhật ngày: 05/11/2021 - 01:07

BTN - Để phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững thì yếu tố đầu vào không thể thiếu là vật tư nông nghiệp. Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm lợi ích của nông dân.

Cán bộ Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, lấy mẫu phân bón tại một cơ sở kinh doanh.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tỉnh có 10 công ty sản xuất phân bón, 479 cơ sở kinh doanh với 1.305 sản phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh (trong đó, khoảng 154 sản phẩm của công ty trong tỉnh, 1.151 sản phẩm của công ty sản xuất ngoài tỉnh).

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp nói chung và về phân bón nói riêng được ngành NN&PTNT Tây Ninh chú trọng. Ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân để nâng cao nhận thức và cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác thực hiện đúng quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Giai đoạn 2016-2021, Sở NN&PTNT thực hiện 17 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã thanh tra, kiểm tra 18 lượt cơ sở sản xuất, 357 lượt cơ sở kinh doanh; lấy 784 sản phẩm kiểm tra chất lượng.

Kết quả, có 239 sản phẩm vi phạm (có 108 mẫu là hàng giả, 131 mẫu là hàng kém chất lượng); xử phạt 152 trường hợp với tổng tiền phạt trên 2,6 tỷ đồng. Các trường hợp vi phạm (kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng) qua thanh tra, kiểm tra đã được xử lý nghiêm theo quy định.

Song song với xử phạt vi phạm hành chính, đơn vị còn thông tin các sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng trên báo, đài, trang thông tin điện tử của Sở; thông tin đến các địa phương- nơi có công ty sản xuất và thông báo về huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn các cơ sở kinh doanh sản phẩm không đạt chất lượng.

Gia đình chị Nguyễn Ngọc Minh Thơ, ngụ khu phố 3, thị trấn Dương Minh Châu có khoảng 4 ha trồng mãng cầu. Sản xuất nông nghiệp đã nhiều năm, gia đình chị có vài lần mua phải phân bón kém chất lượng trên thị trường.

Chị Thơ cho biết: "Khi mua phải lô hàng như vậy cũng đành chịu. Sau khi bón phân, thấy cây không phát triển, trái không lớn thì đổi qua xài loại khác, vì cũng không biết báo với ai để xử lý".

Theo Sở NN&PTNT, những trở ngại trong việc xử lý phân bón kém chất lượng, hàng giả hiện nay là các cơ sơ kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhỏ lẻ, nằm rải rác; còn sản phẩm của công ty sản xuất ngoài tỉnh rất đa dạng, nhiều chủng loại.

Các công ty sản xuất không có trụ sở trên địa bàn tỉnh, chỉ thông qua đại lý để bán sản phẩm, nếu phát hiện sai phạm, chỉ xử phạt đại lý kinh doanh sản phẩm đó và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; không thể xử lý toàn bộ lô hàng và công ty sản xuất hàng kém chất lượng.

Mặt khác, việc thông tin các công ty có sản phẩm vi phạm đến nơi công ty đăng ký sản xuất chưa đạt hiệu quả chưa cao, phần lớn phụ thuộc vào trách nhiệm của các địa phương. Hiện nay, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà chưa có biện pháp xử lý cụ thể.

Công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi (số lượng bày bán ít nhằm né tránh thanh tra xử phạt và truy xuất nguồn gốc), nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì mức xử phạt vẫn thấp hơn so với lợi nhuận thu được.

Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường vật tư nông nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, đầy đủ, kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Vừa qua, Sở NN&PTNT tổ chức đợt thanh tra về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, giống cây trồng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh lần 2 năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Qua thanh tra tại 17 cơ sở và lấy 56 mẫu các loại để kiểm tra chất lượng, nhìn chung, các cơ sở kinh doanh cơ bản chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hoá, hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm.

Tuy nhiên, về chất lượng mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, có 19/52 mẫu (chiếm 36,5%) sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (14 mẫu hàng giả, 5 mẫu hàng không đạt chất lượng); có 1/17 cơ sở (chiếm 5,9%) kinh doanh sản phẩm phân bón có tên và thành phần đăng ký không đúng so với quyết định công nhận lưu hành.

Sở NN&PTNT chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có sản phẩm không đạt chất lượng theo quy định; đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, truy thu tiền hoặc hiện vật đối với các sản phẩm vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, triển khai công bố kết luận thanh tra và kiểm tra, giám sát việc chấp hành kết luận thanh tra và báo cáo Giám đốc Sở NN&PTNT việc thực hiện; trong quá trình thực hiện, kịp thời tham mưu xử lý những vướng mắc phát sinh (nếu có).

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống và giống cây trồng đến các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cho các chủ cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống và giống cây trồng; kiên quyết xử lý và không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các cơ sở không đạt yêu cầu theo quy định.

TRÚC LY


Liên kết hữu ích