BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai 

Cập nhật ngày: 20/02/2024 - 19:28

BTNO - Với sự nỗ lực của các thẩm phán, thư ký Tòa án hai cấp, cán bộ chuyên trách của Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, hàng năm, Tòa án hoàn thành chỉ tiêu giải quyết án.

Đại diện TAND cấp huyện ý kiến liên quan đến công tác giải quyết các tranh chấp có liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác giải quyết những vụ, việc có liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm lợi ích của nhà nước, trật tự an toàn xã hội, năm 2018, TAND tỉnh Tây Ninh và Sở Tài nguyên và Môi trường ký kết quy chế phối hợp trong giải quyết các tranh chấp có liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh.

Theo TAND tỉnh, trong các loại tranh chấp về dân sự tại Tòa án, tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm khoản 30%, gồm các tranh chấp: quyền sử dụng đất, đòi lại đất bị lấn chiếm, về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất, các loại hợp đồng về quyền sử dụng đất, tranh chấp liên quan đến đất dự án rừng phòng hộ, dự án khu công nghiệp… Tất cả tranh chấp liên quan đến đất đai đều phải được đo đạc, thẩm định trước khi đưa ra xét xử, kể cả trường hợp các bên đương sự thỏa thuận với nhau.

Hàng năm, trong các vụ án dân sự chưa giải quyết, các vụ án phải kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, có hơn 50% án tranh chấp liên quan đến đất đai phải đo đạc, thẩm định. Năm 2023, Tòa án hai cấp đã giải quyết 5.176 vụ án dân sự, trong đó có 1.552 vụ tranh chấp liên quan đến đất đai phải đo đạc, thẩm định, lập sơ đồ hiện trạng sử dụng và lồng ghép bản đồ địa chính.

Với sự nỗ lực của các thẩm phán, thư ký Tòa án hai cấp, cán bộ chuyên trách của Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai, hàng năm, Tòa án vẫn hoàn thành chỉ tiêu giải quyết án. Trong năm 2023, Tòa án hai cấp đã giải quyết dứt điểm các vụ án quá thời hạn chuẩn bị xét xử, đa phần là án tranh chấp liên quan đến đất đai.

TAND tỉnh cho biết, thông qua công tác phối hợp giữa 2 đơn vị đã phát hiện một số trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng, Tòa án tuyên hủy và cấp lại theo bản án. Tòa án và cơ quan Tài nguyên và Môi trường luôn phối hợp trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của các bên, kể cả việc cho mượn hồ sơ gốc để làm mẫu so sánh trưng cầu giám định. 

Hàng tuần, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố, thị xã dành từ 1 - 2 buổi tham gia đo đạc, thẩm định theo yêu cầu của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án hoàn thành nhiệm vụ xét xử.

Các vụ án liên quan đến đất đai đã xét xử, hầu hết được thi hành án theo quy định, chỉ một vài vụ có sai sót về số đo, diện tích, đất quy hoạch nên chậm thi hành hoặc phải sửa chữa, bổ sung, giải thích bản án. “Từ khi có quy chế phối hợp đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn đọng của Tòa án hai cấp trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh” - một lãnh đạo TAND tỉnh cho biết.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy chế, các đơn vị còn gặp khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện việc cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ cho Tòa án còn chậm trễ so với thời hạn từ 15 - 20 ngày so với quy định do hồ sơ bị thất lạc, chuyển kho lưu trữ và chuyển giao vì thay đổi địa giới hành chính hay quá tải công việc. 

Nhiều trường hợp khi đo đạc, thẩm định, đại diện Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai có tham gia nhưng khi ký xác nhận sản phẩm đo đạc lại tổ chức thẩm định lại, đương sự phải chịu thêm một khoản chi phí thẩm định và mất nhiều thời gian chờ kết quả, có vụ thẩm định lại nhiều lần...

Một số trường hợp Tòa án tổ chức đo đạc, thẩm định có Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tham gia, ký xác nhận sản phẩm đo đạc, Tòa án xét xử theo kết quả đo đạc đó. Tuy nhiên, đến khi thi hành án thì Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tổ chức đo đạc lại, diện tích, số đo cạnh khác với ban đầu và yêu cầu Tòa án sửa chữa, bổ sung bản án. Trường hợp này Tòa án không thể thực hiện vì không thuộc trường hợp sửa chữa, bổ sung bản án quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Thời gian tới, TAND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp, trao đổi, đề xuất phương án khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết các tranh chấp có liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh. 

Thiên Di