BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cao hiệu quả phòng, chống mại dâm 

Cập nhật ngày: 24/06/2024 - 14:31

BTN - Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp các đơn vị, sở, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể chú trọng đổi mới cách thức tuyên truyền, đổi mới nội dung theo hướng sinh động để thu hút giới trẻ...

Những năm qua, công tác phòng, chống mại dâm luôn được các cấp, ngành chức năng quan tâm phối hợp, tuyên truyền sâu rộng, liên tục; địa bàn được kiểm tra, quản lý sát sao; các cơ sở kinh doanh (CSKD) có điều kiện thường xuyên được tuyên truyền, hướng dẫn nhằm phòng ngừa các vi phạm xảy ra. Nhờ vậy, các tệ nạn xã hội được kiểm soát, đầy lùi và đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính đối với đối tượng có hành vi môi giới mại dâm.

Hoạt động ngày càng tinh vi

Theo Công an Tây Ninh, các đối tượng thường lợi dụng các lĩnh vực kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, quán cà phê, dịch vụ massage, karaoke... để hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm. Đối phó với các lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng nhà nghỉ, khách sạn kiên cố, lắp đặt hệ thống camera giám sát và chỉ thực hiện hành vi môi giới mại dâm cho khách quen. Đối tượng bán dâm ngày càng có xu hướng trẻ hoá, chủ yếu ở độ tuổi từ 18-35 tuổi, đa số xuất thân từ các vùng nông thôn, không nghề nghiệp, điều kiện gia đình khó khăn, lười lao động, thích ăn chơi, đua đòi.

Mới đây, Công an thành phố Tây Ninh tiến hành kiểm tra các quán cà phê giải khát trên đường Trần Phú thuộc địa phận phường Ninh Sơn và xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh. Theo đó, vào khoảng 22 giờ ngày 12.6, lực lượng Công an phát hiện 4 nhân viên hoạt động mại dâm và massage kích dục tại quán.

Cụ thể, tại quán cà phê N.A (tỉnh lộ 785, khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn), lực lượng Công an phát hiện một nhân viên đang thực hiện hành vi massage kích dục cho khách nam với giá 200.000 đồng. Cùng thời điểm trên, lực lượng Công an tiếp tục kiểm tra 3 quán cà phê khác, phát hiện 3 nhân viên đang thực hiện hành vi massage kích dục và bán dâm cho khách nam tại quán, với giá từ 200.000 - 400.000 đồng. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm và bàn giao cho Công an xã Tân Bình, Công an phường Ninh Sơn tiếp tục điều tra, xử lý.

Tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội

Để ngăn ngừa, giảm thiểu các hoạt động mại dâm, Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh Tây Ninh (Ban Chỉ đạo) đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, ban, ngành nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đối với người sử dụng, người nghiện ma tuý, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán; về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua bán người, buôn bán và nghiện hút ma tuý để người dân không bị sa vào con đường nghiện hút, trẻ em gái và phụ nữ ở địa phương tránh được và không bị lừa gạt vào con đường làm gái mại dâm, nạn nhân mua bán người...

Đối với công tác PCMD, các ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động, cho các cơ sở lưu trú làm cam kết thực hiện nghiêm các quy định khi kinh doanh, khi phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn phải báo ngay cho cơ quan Công an hoặc chính quyền địa phương.

Để kéo giảm tình hình mại dâm, Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch và tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đội kiểm tra liên ngành về PCMD (Đội 2 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì) đã tiến hành kiểm tra đối với 31 cơ sở kinh doanh karaoke và 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, 7 cơ sở massage, tiến hành xử phạt hành chính một số cơ sở kinh doanh núp bóng trá hình mại dâm với số tiền gần 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được tỉnh quan tâm thực hiện. Từ năm 2023 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận và hỗ trợ 6 nạn nhân, trong đó có 2 nạn nhân nữ được lực lượng chức năng giải cứu tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài khi bị nhóm đối tượng tìm cách đưa bán sang Campuchia, các trường hợp này sau đó được bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội và Điều dưỡng người có công chăm sóc và hỗ trợ ban đầu theo quy định.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16.8.2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý; Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống ma tuý giai đoạn 2021-2025, từ đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma tuý, công tác phòng, chống mại dâm, công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiến hành kiểm tra giám sát theo kế hoạch.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Theo báo cáo của các địa phương, cả nước ước tính có hơn 7.500 người bán dâm, trong đó có hơn 2.116 người bán dâm được thống kê qua xử lý vi phạm hành chính, hỗ trợ xã hội, y tế... Trên thực tế, con số này có thể cao hơn nhiều do tính di biến động, phức tạp, trá hình của các hoạt động mại dâm.

Tại Tây Ninh, do địa bàn khu vực biên giới, đối diện phía Campuchia có rất nhiều casino, massage, khách sạn, nhà nghỉ... trong đó có hoạt động mại dâm phần lớn là người Việt Nam. Thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 37 tụ điểm hoạt động dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 1.537 CSKD dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong đó, 53 CSKD dịch vụ liên quan đến hoạt động mại dâm và 6 CSKD nghi vấn hoạt động mại dâm. Số người nhiễm HIV gần 6.000 người, trong đó, người hoạt động mại dâm chiếm 0,74% (khoảng 45 người).

Theo Sở LĐ-TB&XH, thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, Sở đã tập trung tổ chức thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ hoà nhập cộng đồng như: Các dịch vụ hỗ trợ xã hội như hỗ trợ y tế, phòng chống HIV; hỗ trợ học nghề, tạo sinh kế; trợ giúp pháp lý, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới...; thực hiện lồng ghép với hệ thống chính sách có liên quan được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Luật Bảo hiểm y tế năm 2014; và lồng ghép thực hiện một số chính sách phúc lợi xã hội thông qua các chương trình kinh tế - xã hội, chương trình phòng, chống HIV, chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn… tại địa bàn cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm hoặc các đối tượng có nguy cơ cao.

Trong Chương trình Phòng, chống mại dâm qua các giai đoạn 5 năm, từ năm 2016 đến nay, Sở đã triển khai các mô hình thí điểm hỗ trợ can thiệp giảm hại, hoà nhập cộng đồng với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội, hoà nhập cộng đồng đối với người bán dâm sau khi bị xử phạt hành chính thông qua việc xây dựng các mô hình thí điểm tại cộng đồng, như: mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới...

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp các đơn vị, sở, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể chú trọng đổi mới cách thức tuyên truyền, đổi mới nội dung theo hướng sinh động để thu hút giới trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng internet và mạng xã hội; các hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, có tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, trường học…; vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm về tệ nạn mại dâm.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở; thiết lập cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong các chương trình về dạy nghề, tìm việc làm, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo, người dân tộc thiểu số… để giảm đối tượng có nguy cơ cao; hỗ trợ người bán dâm tiếp cận các dịch vụ từ các chương trình trên nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.

Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, quy định như sau: 
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi mua dâm; phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng trong trường hợp mua dâm từ 2 người trở lên cùng một lúc (Điều 24). 
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi bán dâm; phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng trong trường hợp nếu bán dâm cho 2 người trở lên cùng một lúc. Trong trường hợp là người nước ngoài vi phạm các hành vi mua, bán dâm nêu trên thì sẽ bị trục xuất (Điều 25).

Tâm Giang