Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nâng cao hiệu quả sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn để liên kết chuỗi
Thứ năm: 11:33 ngày 29/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thuận lợi khi thực hiện cánh đồng lớn đó là ngay từ bước đầu triển khai, mô hình nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền cũng như người dân, nhất là những hộ trực tiếp sản xuất.

Để thực hiện cánh đồng lớn, từ năm 2016, tỉnh và ngành Nông nghiệp có các chính sách như: Quyết định 18/2016/QĐ-UBND ngày 3.6.2016 của UBND tỉnh ban hành quy mô diện tích tối thiểu cánh đồng lớn; Kế hoạch số 2913/KH-SNN ngày 19.9.2016 của Sở NN&PTNT về việc thí điểm xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ mía năm 2016; Quyết định 15/2017/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của UBND ban hành quy định về mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh.

Thuận lợi khi thực hiện cánh đồng lớn đó là ngay từ bước đầu triển khai, mô hình nhận được sự đồng thuận cao của chính quyền cũng như người dân, nhất là những hộ trực tiếp sản xuất. Thông qua xây dựng cánh đồng lớn, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với thị trường, tăng khả năng cạnh tranh do kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

Tưới phân bón cho vườn khóm.

Từ vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, ông Nguyễn Văn Sáu (xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) chuyển đổi sang trồng khóm với dự án cánh đồng lớn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, ông đã trồng được 61 ha khóm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm được Công ty Cổ phần Lavifood ký hợp đồng bao tiêu, trong đó: khóm trên 1 kg có giá 6.000 đồng/kg; từ 0,6 – 1 kg/trái có giá 4.300 đồng/kg, dưới 0,6 kg/trái có giá 3.000 đồng/kg.

Ông Sáu cho biết, ông được Nhà nước hỗ trợ 30% chi phí mua giống khóm với số tiền 547,2 triệu đồng/diện tích 38 ha. Trong thời gian tới, ông sẽ triển khai trồng tiếp số diện tích còn lại theo hợp đồng với Công ty.

Theo ông Trần Văn Thậm- Giám đốc hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp An Hoà ở phường An Hoà (thị xã Trảng Bàng), do nhu cầu hàng hoá, các doanh nghiệp sẽ tìm những HTX có cánh đồng lớn, sản xuất quy mô lớn để ký hợp đồng.

HTX thành lập vào năm 2018, đến nay có 54 thành viên với diện tích 102 ha, sản xuất theo quy trình VietGAP. Từ năm 2018 đến nay, HTX ký hợp đồng sản xuất lúa thương phẩm với 2 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ông Thậm chia sẻ, bên cạnh những thuận lợi của việc liên kết sản xuất quy mô lớn, nhìn chung, một số nông dân còn giữ tập quán cũ, thích làm tự do, không tập trung lại một nguồn để cung ứng cho doanh nghiệp. Do đó, việc tập hợp nông dân sản xuất theo quy trình, yêu cầu của HTX còn khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2017, tỉnh đã triển khai thực hiện cánh đồng lớn trên cây lúa, mía... Trong đó, Công ty Thành Thành Công triển khai được 4 cánh đồng lớn mía với tổng diện tích 99,82 ha, tại 3 huyện Tân Biên, Tân Châu và Châu Thành.

Đối với cây lúa, đã triển khai tại 6 huyện với tổng diện tích 7.890 ha. Bước đầu, các doanh nghiệp Huỳnh Dự, Thành Thành Công, Huỳnh Phương, Năm Kháng, Hùng Diệp, Đại Hưng ký kết hợp đồng thu mua lúa với giá cả hợp lý, bảo đảm lợi ích của cả nông dân và doanh nghiệp.

Vườn khóm của ông Sáu ở xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng.

Nông dân tham gia cánh đồng lớn được đào tạo, tập huấn về sản xuất, góp phần nâng cao trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra lượng sản phẩm lớn, đồng bộ theo nhu cầu thị trường; ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất, giúp giảm giá thành sản phẩm.

Ở khâu đầu vào, nông dân kết nối trực tiếp với nhà cung ứng, không thông qua đại lý, bảo đảm nguồn cung đầu vào ổn định, giá cả hợp lý. Khâu đầu ra được kết nối bằng hợp đồng ổn định lâu dài, sản xuất theo định hướng thị trường của doanh nghiệp.

Về chính sách hỗ trợ cánh đồng lớn trên cây mía, áp dụng 100% cơ giới từ làm đất, chăm sóc, thu hoạch (trước đây cơ giới ở khâu làm đất, còn lại trồng, chăm sóc, thu hoạch là thủ công). Bên cạnh đó, doanh nghiệp có hỗ trợ cày ngầm, cày sâu không lật với 1 triệu đồng/ha; chi phí trồng mía bằng máy 1 triệu đồng/ha; lắp đặt hệ thống tưới béc ngầm. Ngoài ra, công ty chi hỗ trợ cho nông dân đối với đất thuê là 6 triệu đồng/ha.

Ông Xuân cho biết thêm, tuy đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng việc triển khai thực hiện cánh đồng lớn thời gian qua còn những hạn chế. Trên cây mía, việc vận động bà con “dồn điền” thành cánh đồng lớn gặp khó. Nông dân tham gia mô hình không đồng ý phá bờ, mà chỉ hạ thấp bờ để bảo đảm được việc thực hiện đồng bộ về cơ giới hoá, tưới tiêu cho cánh đồng.

Doanh nghiệp được xác định là thành phần quan trọng quyết định sự thành công của chương trình xây dựng cánh đồng lớn lại ngần ngại đầu tư vào nông nghiệp, lĩnh vực vốn còn nhiều rủi ro. Về triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ chưa được các doanh nghiệp, HTX và nông dân quan tâm triển khai thực hiện; thủ tục hỗ trợ cho các đối tượng rườm rà, gây khó khăn và hạn chế thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định. Một số địa phương chưa quan tâm tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia triển khai thực hiện các mô hình, dự án xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nông dân ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc tham gia cánh đồng liên kết, vẫn còn quan niệm đây là mô hình Nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và phải mua với giá cao. Doanh nghiệp thu mua sản phẩm chưa tạo được niềm tin đối với người dân, giá cả và hình thức thu mua chưa được người dân thống nhất cao. Diện tích sản xuất của nông dân ở nhiều nơi chưa liên kết lại được với nhau nên còn manh mún, nhỏ lẻ, một bộ phận nông dân còn tập quán bán qua thương lái, chưa quen với hình thức liên kết tiêu thụ.

Từ năm 2018, cánh đồng lớn không còn được thực hiện. Các chính sách về cánh đồng lớn cũng hết hiệu lực, như Quyết định số 18 của UBND tỉnh ban hành quy mô, diện tích tối thiểu cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 15 của UBND tỉnh ban hành quy định về mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2019, hai Quyết định này được thay thế bằng Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2025. Sở NN&PTNT đang triển khai Quyết định này đến UBND các huyện, thị xã, thành phố để người sản xuất biết và đăng ký được hỗ trợ.

Tại huyện Châu Thành, thực hiện Quyết định số 23, năm 2019, huyện hỗ trợ chuỗi trồng hoa huệ ở xã Hảo Đước với số tiền 400 triệu đồng. Năm 2020, sẽ hỗ trợ chuỗi cây lúa cho HTX ở xã Thanh Điền khoảng 200 triệu đồng, hiện nay, Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn xã viết đề án.

Củ huệ được chuẩn bị để xuống giống.

Địa bàn xã Hảo Đước đã hình thành vùng sản xuất trồng bông huệ rất nhiều năm, diện tích xuống giống năm 2019 đạt 79 ha. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cây bông huệ cao, từ 150 – 170 triệu đồng/ha, chưa có chính sách hỗ trợ nên người dân còn trồng và tiêu thụ nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn theo hình thức tự cung tự cấp, số lượng cung cấp ra thị trường quá thấp nên chưa ký được hợp đồng liên kết đầu tư và tiêu thụ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Việc xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động kinh tế hợp tác, HTX và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nông dân chuẩn bị đất để xuống giống bông huệ.

Anh Phan Văn Hùng- Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và thu mua bông huệ xã Hảo Đước cho biết, tổ được thành lập năm 2018 với 19 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 11 ha. “Tổ hợp tác được Nhà nước hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng về giống, vật tư nông nghiệp. Nông dân được Nhà nước hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết nên yên tâm sản xuất hơn, Hiện nay, các thành viên đã xuống giống cho vụ mới”, anh Hùng chia sẻ.

Chị Trần Thị Tuyết Trang- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hảo Đước cho biết, những năm qua, trồng bông huệ trắng đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương. Sản phẩm đầu ra của tổ hợp tác được ký kết tiêu thụ với vựa hoa Trí Huệ (chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) và một số thương lái có uy tín khác.

Theo Sở NN&PTNT, đến nay, có tổng số 23 dự án đăng ký thụ hưởng chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2025, trong đó, có 22 đơn vị đang được cơ quan chuyên môn hướng dẫn viết dự án, 1 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ củ mì hữu cơ, đang lấy ý kiến về sự phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nơi triển khai thực hiện liên kết sản xuất.

Trong thời gian tới, để xây dựng cánh đồng lớn, Sở sẽ phối hợp cùng địa phương vận động các hộ có ruộng liền kề “dồn điền” thông qua HTX cùng sản xuất một loại cây trồng. Đồng thời, xây dựng mô hình điểm cánh đồng lớn ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, sử dụng giống có chất lượng tốt, quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, từ đó, góp phần nhân rộng mô hình.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục