Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam:
Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng
Thứ tư: 09:26 ngày 27/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 26.12, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động năm 2023 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Năm 2023, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, triển khai đều khắp trên địa bàn tỉnh, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức về trách nhiệm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhân dân trong mua sắm, tiêu dùng các sản phẩm, hàng hoá Việt Nam.

Cuộc vận động góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong mua sắm, sử dụng hàng Việt và đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong năm, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kết quả, đã tổ chức thực hiện 7 cuộc kiểm tra tại 158 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, lấy 88 mẫu kiểm nghiệm chất lượng, xử phạt vi phạm hành chính hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 26 trường hợp với số tiền 286.062.450 đồng.

Trong năm, Ban chỉ đạo quan tâm đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và hệ thống tiêu thụ hàng hoá, nông sản, thực phẩm sạch trong tỉnh, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 108 chợ đang hoạt động, 13 siêu thị và 1 trung tâm thương mại; 122 cửa hàng cung ứng thực phẩm nông sản an toàn, trong đó có 99 cửa hàng cung ứng thịt heo, 23 cửa hàng, tổ hợp tác cung ứng nông sản, thủy sản, trái cây và rau các loại và có 1 sàn nông sản điện tử. Đến nay, hầu hết các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng hiện có đều phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu hàng hoá của nhân dân địa phương.

Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp qua việc kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được các sở, ngành quan tâm thực hiện như: Tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động nhằm kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; Tập huấn “Nâng cao năng lực thiết kế nhãn hiệu bao bì, cải tiến quy trình sản xuất nhằm đẩy mạnh sản phẩm vào các kênh phân phối, hệ thống siêu thị”;

Hỗ trợ các doanh nghiệp và người sản xuất đăng ký cấp mã số vùng trồng cho nông sản xuất khẩu và thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc KIPUS; Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển về số lượng, chất lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chương trình bình ổn thị trường được Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện công tác bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 gồm 08 mặt hàng thiết yếu đó là: gạo; đường; dầu ăn; thịt gà; thịt heo; trứng gà; rau, củ, quả; nước chấm. Tổng nguồn vốn dự trữ hàng hoá đáp ứng nhu cầu 1 tháng là 1.299,41 tỷ đồng, tham gia chương trình bình ổn có 13 doanh nghiệp tham gia, với tổng trị giá lượng hàng hoá đăng ký là 243,02 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp đã thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt như hàng hoá bảo đảm chất lượng, niêm yết và bán theo giá niêm yết, giá bán giảm từ 5% đến 10% so với giá thị trường đáp ứng đủ lượng hàng hoá cho nhu cầu thị trường. Tổng doanh thu bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp là 466,390 tỷ đồng.

Để tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Chỉ đạo đề ra một số phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 như: Tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm các mặt hàng do doanh nghiệp tiếp thị phải đạt chất lượng, thương hiệu, nhãn mác và giá cả rõ ràng, chế độ khuyến mãi phù hợp với nhu cầu người lao động tại nông thôn; Kiểm tra, giám sát chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các thành viên tham dự hội nghị.

Đẩy mạnh các hoạt động bán hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, các khu, cụm công nghiệp phục vụ nhu cầu của người dân; nhân rộng các Điểm bán hàng Việt Nam; Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, đưa các mặt hàng lên sàn thương mại điện tử, tổ chức bán hàng lưu động đưa hàng Việt về các xã vùng nông thôn, biên giới và các khu, cụm công nghiệp đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch năm 2024 và Kế hoạch phát triển Thương mại điện tử tỉnh Tây Ninh năm 2024 theo phê duyệt của UBND tỉnh.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất về thủ tục pháp lý, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về hồ sơ pháp lý chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn mác, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm địa phương. Trên cơ sở đó, các sản phẩm có chất lượng của địa phương trong tỉnh có điều kiện thâm nhập vào hệ thống các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đề nghị các thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; chú trọng thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam, hàng hoá sản xuất trong tỉnh, các sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP.

Người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng Điểm bán hàng Việt Nam tại xã Long Chữ (huyện Bến Cầu).

Sở Công thương tham mưu tỉnh liên kết với các siêu thị trên địa bàn tỉnh và chủ động kết nối với doanh nghiệp, kịp thời nắm được mong muốn của doanh nghiệp, từ đó để có tỷ lệ sản phẩm trong tỉnh được tiêu thụ nhiều hơn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm soát quy mô, chất lượng các sản phẩm tại các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tránh kết hợp với chương trình lô tô tại các hội chợ.

Ngoài ra, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, đa dạng hoá các hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước, trong tỉnh, kết hợp với phân phối truyền thống để các sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong tỉnh có nhiều cơ hội mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục