Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM:
Nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân
Thứ bảy: 19:04 ngày 10/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định ngày 9.11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật), nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Báo cáo viên Sở Tư pháp tuyên truyền pháp luật tại thành phố Tây Ninh.

5 năm qua, từ năm 2013 - năm công bố Ngày Pháp luật Việt Nam, Tây Ninh đã triển khai, hưởng ứng, mang lại nhiều kết quả bước đầu quan trọng, tạo sức lan toả lớn trong xã hội. Việc thực hiện Ngày Pháp luật đã và đang đi vào cuộc sống, làm chuyển biến ý thức pháp luật trong mỗi người dân. Từ đó, tạo ra nền tảng góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phục vụ ngày càng tốt hơn lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ ra quân hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2018 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ðặng Hoàng Oanh nhận định: “Việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật từng bước trở thành một sự kiện chính trị pháp lý quan trọng, một ngày hội lớn thắm đượm tinh thần giáo dục, giá trị nhân văn sâu sắc”.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh các văn bản pháp luật ngày càng được ban hành nhiều hơn, điều chỉnh đa dạng hơn các lĩnh vực của đời sống xã hội thì việc phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người dân có vai trò quan trọng, góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật mà ở đó mọi công dân hành xử theo đúng chuẩn mực, đúng pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật và nâng cao nhận thức tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Với tinh thần đó, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, việc thực hiện Ngày Pháp luật nói riêng đã dần trở thành nền nếp, góp phần tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân. Theo thống kê, từ ngày 1.10.2017 đến ngày 30.9.2018, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, đã tuyên truyền trực tiếp 24.713 cuộc cho hơn 1,1 triệu lượt người; lồng ghép phổ biến pháp luật với trợ giúp pháp lý lưu động 991 cuộc với 3.944 lượt người; phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các hình thức sinh hoạt định kỳ các ấp, khu phố, tổ chức đoàn thể, các câu lạc bộ ở cơ sở cho cán bộ và nhân dân được 1.144 cuộc với 33.185 lượt người dự.

Bên cạnh công tác tuyên truyền trực tiếp, các ngành còn biên soạn, in ấn hơn 1,1 triệu tờ gấp, 25.520 quyển sổ tay hỏi - đáp pháp luật, 24.000 nội san ngành cấp phát đến tận cơ sở để tuyên truyền pháp luật rộng rãi trong nhân dân.

Ngoài ra, tỉnh còn tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.000 tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn và ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Trong năm 2018, các tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn đã phục vụ cho 400.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, doanh nghiệp và nhân dân đến nghiên cứu, tham khảo. Ðể phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, các cơ quan, đơn vị còn luân chuyển sách pháp luật giữa các tủ sách để tạo sự mới mẻ, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của người đọc.

Ðiểm nổi bật trong công tác tuyên truyền pháp luật là, ngoài việc căn cứ vào nhiệm vụ của từng ngành, các sở, còn có hoạt động tuyên truyền riêng cho những đối tượng đặc thù. Cụ thể như: Ban Quản lý Khu kinh tế triển khai văn bản quy phạm pháp luật cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế với những nội dung trọng tâm về cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; quy định “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; phát triển thị trường công nghệ, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020”; quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tuyên truyền chuyên đề nâng cao đạo đức lái xe tại các cơ sở đào tạo dạy nghề lái xe, triển khai tuyên truyền kết hợp với công tác tuần tra, kiểm tra, giải toả bảo đảm trật tự an toàn giao thông với hình thức tuyên truyền bằng loa phóng thanh cho đối tượng là các chủ phương tiện đường thuỷ nội địa; chủ bến khách và người dân, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chợ tập trung đông người.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn cho cán bộ, công chức và các doanh nghiệp đang hoạt động lĩnh vực nông nghiệp về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7.3.2017 của Chính phủ… Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền các quan điểm chỉ đạo về công tác phòng, chống ma tuý tại các huyện, thành phố và cơ sở cai nghiện ma tuý…

Không những vậy, Tây Ninh còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu ứng của truyền thông, mạng xã hội để mang đến luồng gió mới cho Ngày Pháp luật nói riêng cũng như công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung.

Qua công tác quản lý, kiểm tra, nắm bắt thực tế cho thấy, tình hình tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện. Tình hình vi phạm pháp luật hành chính trong năm 2018 là 1.614 trường hợp, với số tiền phạt gần 7,9 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự, thương mại, tài nguyên môi trường, xây dựng và đất đai.

Các chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp về công tác tuyên truyền pháp luật luôn được quan tâm. Từ đó sẽ góp phần không nhỏ trong thực hiện các chủ trương, chính sách của trung ương, địa phương. Ðiển hình nhất có thể kể đến là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy. Ðược triển khai từ cuối năm 2007, đến nay hơn 10 năm thực hiện, quy định này đã thật sự đi vào cuộc sống.

Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, tỷ lệ người dân chấp hành quy định đạt hơn 90%. Ðiều này đã góp phần kéo giảm số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông cả nước xuống dưới con số 9.000 người mỗi năm, đồng thời cũng hạn chế được nhiều thương tích nặng để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.

Với ý nghĩa quan trọng của Ngày Pháp luật Việt Nam, các ngành, các cấp cần quan tâm hơn nữa trong việc tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật rộng khắp trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội- nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Xuân Vũ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục