Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương để hạn chế tình trạng “thất thoát” khoáng sản
Thứ bảy: 06:24 ngày 01/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh ban hành Công văn số 3229, trong đó, quy định rõ chính quyền địa phương, cụ thể là UBND cấp huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo phối hợp với các lực lượng trên địa bàn giải toả, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Một mỏ đất đã hết hạn giấy phép nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định, tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng.

Thời gian qua, Báo Tây Ninh có các bài viết phản ánh những vụ việc vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản đất san lấp trái phép. Ðể quản lý tình trạng khai thác khoáng sản (trong đó có đất san lấp) trên địa bàn tỉnh, từ năm 2015, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3229 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Theo công văn, ngoài trách nhiệm của các sở, ngành trong quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, UBND tỉnh còn quy định rõ chính quyền địa phương, cụ thể là UBND cấp huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; huy động và chỉ đạo phối hợp với các lực lượng trên địa bàn giải toả, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực đấu tranh với các hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong công tác bảo vệ, khai thác, chế biến khoáng sản.

Thường xuyên tổ chức tuần tra, phát hiện và ngăn chặn việc khai thác, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo thẩm quyền; báo cáo kịp thời và đề xuất với UBND tỉnh xử lý đối với những vụ việc vượt quá thẩm quyền.

Công văn của UBND tỉnh nêu rõ trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, địa phương để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép không được phát hiện xử lý kịp thời, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự, gây bức xúc cho nhân dân thì Chủ tịch UBND cấp huyện nơi đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Thời gian qua vẫn có xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác khoáng sản vượt quá độ sâu, diện tích cho phép khai thác. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, vẫn còn khó khăn đối với chính quyền địa phương trong công tác quản lý khai thác khoáng sản nói chung, đất san lấp nói riêng, như thiếu phương tiện máy móc đo đạc, lực lượng địa phương mỏng, không phát hiện vụ việc vi phạm…

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau: các hành vi vi phạm khai thác khoáng sản vượt quá diện tích, độ sâu khai thác theo giấy phép sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Ðiều 37, Nghị định số 33/2020/NÐ-CP ngày 24.3.2020 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; nếu tổ chức, cá nhân vi phạm các khoản theo Ðiều 227, Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cụ thể là UBND cấp huyện như thế nào trong quản lý khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết,  căn cứ Khoản 2, Ðiều 81, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định nhiệm vụ của UBND cấp cơ sở, UBND cấp huyện, thị, thành phố và cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm như sau: giải quyết theo thẩm quyền cho thuê đất hoạt động khoáng sản, sử dụng hạ tầng kỹ thuật và các vấn đề khác có liên quan cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản; báo cáo UBND cấp trên về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền.

Ðối với công tác đóng cửa mỏ và quản lý hầm hố sâu trên địa bàn tỉnh, ngày 13.11.2020, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 7641/STNMT-PQLTNN&KS về việc tăng cường quản lý các hầm, hố sâu trên địa bàn tỉnh, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại các hầm, hố sâu, cũ trên địa bàn, kiểm tra việc lập hàng rào bảo vệ, trồng cây xanh xung quanh khu vực đã khai thác (mật độ trồng 2m/cây); bảo vệ cảnh quan, bảo đảm an toàn xung quanh khu vực đã được cấp phép, có kế hoạch kiểm tra giám sát đối với các tổ chức, cá nhân này.

Trường hợp tổ chức, cá nhân không có nhu cầu sử dụng đất hầm, hố sâu cũ, đề nghị tổ chức, cá nhân có văn bản giao đất lại cho Nhà nước quản lý theo quy định. Sau đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố lập dự toán chi phí về cải tạo phục hồi môi trường, đưa các mỏ về trạng thái an toàn, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trình UBND tỉnh. Trường hợp nếu các tổ chức, cá nhân không chấp hành việc cải tạo phục hồi môi trường tại các hầm, hố sâu, đề nghị UBND các huyện, thị xã thành phố không xem xét giải quyết các quyền lợi liên quan đối với tổ chức, cá nhân tại địa phương.

Dư luận rất mong UBND tỉnh có những giải pháp chấn chỉnh các vi phạm trong quản lý khai thác khoáng sản, trong đó có khoáng sản đất san lấp- vốn gây “nóng” trong dư luận thời gian qua.

Nhóm phóng viên Phòng Kinh tế

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục