Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam (20-11)
Nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới
Thứ tư: 09:57 ngày 20/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đội ngũ nhà giáo được xác định là nhân tố quyết định chất lượng và sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân. Những năm qua, ngành giáo dục các địa phương đã chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và tận tụy với nghề, để đáp ứng tốt nhất yêu cầu đổi mới.

Sinh viên Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh trong giờ học. Ảnh: TẤN THẠCH

Theo Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hoàng Đức Minh, tính đến tháng 10-2019, toàn quốc có hơn 1,3 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trong những năm qua, ngành giáo dục và các địa phương đã nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cả nước đã có hơn 99% số giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo; phát triển theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng.

Cùng với ngành giáo dục, các địa phương cũng tích cực chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo. Tại tỉnh Lâm Đồng, ngành giáo dục luôn ưu tiên nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Trường THPT chuyên Thăng Long (TP Đà Lạt) được đánh giá là lá cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng.

Phó Hiệu trưởng phụ trách Đào Mạnh Trinh cho biết: Bên cạnh các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của ngành giáo dục, nhà trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên “làm mới” bản thân bằng các chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các trường chuyên trong nước; mời chuyên gia đầu ngành trao đổi, cập nhật kiến thức; tài trợ những giáo viên tham gia các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo quy chế…

Nhà trường đã ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá thi đua, trong đó, trình độ và năng lực chuyên môn là tiêu chí quan trọng nhất. Thầy Nguyễn Xuân Linh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Thăng Long chia sẻ: Mỗi giáo viên ở trường đều phải rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu và phải có “nét riêng”, tư duy đột phá để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong thời kỳ mới.

Đại diện Trường đại học Cần Thơ cho biết: Hằng năm, trường phối hợp các sở GD và ĐT ở đồng bằng sông Cửu Long tổ chức lớp bồi dưỡng thường xuyên ngắn hạn vào dịp hè hoặc các đợt bồi dưỡng trong năm cho đội ngũ nhà giáo. Các chuyên đề bồi dưỡng thường tập trung vào những nội dung như: dạy học và đánh giá theo hướng phát triển năng lực; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học; ứng dụng mô hình nghiên cứu bài học trong phát triển chuyên môn cho giáo viên...

Tuy nhiên, để phát triển đội ngũ nhà giáo, cần có các cơ chế, chính sách hợp lý vừa đãi ngộ, vừa tuyên dương động viên những người giỏi vào ngành. Đại diện Sở GD và ĐT tỉnh Long An đề xuất, Bộ GD và ĐT cần tham mưu Chính phủ có chính sách tốt hơn để thu hút, chọn lựa những sinh viên giỏi, yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp GD và ĐT, từ đó đào tạo ra những giáo viên giỏi ngay tại trường để về công tác tại các địa phương.

Bên cạnh đó, cần có hình thức sát hạch năng lực giáo viên theo định kỳ bằng một tổ chức độc lập, có như vậy mới đánh giá đúng thực chất năng lực giáo viên hiện nay, để từ đó có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Ngành GD và ĐT Cà Mau đề xuất cần có những chính sách đãi ngộ tốt để tạo động lực cho giáo viên tích cực rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực chuyên môn. Ngoài ra, điều chỉnh, sửa đổi những quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên một cách hợp lý.

Theo Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Hoàng Đức Minh, Bộ GD và ĐT đã rà soát xây dựng lại các chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng các chương trình bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của các chuẩn, trong đó có các quy định về phẩm chất và năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, giảng viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên, giảng viên đối với các cấp học và trình độ đào tạo, các chuẩn được ban hành, phù hợp việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp.

Ngành giáo dục cũng tổ chức thực hiện tốt quy hoạch các trường sư phạm, các cơ sở bồi dưỡng, đào tạo nhà giáo phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, trong đó cho phép thí điểm mô hình đào tạo giáo viên trong các trường khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ; xây dựng và thực hiện quy hoạch đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học, bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học.

Nguồn nhandan

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục