Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những năm qua, tốc độ phát triển đô thị khá nhanh, việc xây dựng mới, cải tạo sửa chữa các công trình của tổ chức, cá nhân ngày càng nhiều, kéo theo tình trạng xây dựng nhà ở trái phép, không phép, sai phép tiếp tục diễn ra.
Thi công công trình tại thành phố Tây Ninh (ảnh minh hoạ).
Dù Sở Xây dựng đã tăng cường công tác tham mưu, quản lý trật tự xây dựng; chính quyền các địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại, tập trung ở những nơi có tốc độ đô thị hoá nhanh như: thành phố Tây Ninh, huyện Hoà Thành... Nhiều trường hợp người dân cố tình vi phạm, xây dựng công trình không phép, sai phép, thậm chí có công trình còn “nghỉ ngày, làm đêm” gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, 9 tháng qua, UBND các huyện, thành phố đã cấp giấy phép xây dựng cho gần 1.200 công trình xây dựng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều công trình chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về xây dựng và quản lý an toàn lao động trong thi công. Việc khởi công xây dựng công trình khi chưa có giấy phép hoặc sai nội dung giấy phép còn xảy ra tại các khu công nghiệp…
Đơn cử như tại huyện Dương Minh Châu, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra nhiều trường hợp tự ý san ủi đất nông nghiệp để xây dựng các công trình tạm, nhà ở hoặc xây dựng nhà không đúng giấy phép được cấp, sai quy hoạch… Tại thị trấn huyện này, theo quy hoạch đô thị, người dân ven đường Nguyễn Chí Thanh phải xây dựng nhà từ 2 đến 5 tầng. Nhiều người dân vẫn xin giấy phép làm nhà 2 tầng, nhưng khi thi công chỉ xây dựng nhà cấp 4 với lý do kinh tế hạn hẹp, không đủ khả năng thực hiện đúng quy định.
“Đa số người dân trên tuyến đường này không xây dựng theo đúng quy hoạch. Theo quy định thì họ xây dựng sai nhưng xử lý như thế nào để hợp tình hợp lý lại không đơn giản” - một cán bộ chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng tại UBND Thị trấn chia sẻ.
Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị nêu rõ: “Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng đô thị là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Chủ tịch chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra tình hình trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn, ban hành kịp thời quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo thẩm quyền. Xử lý những cán bộ dưới quyền được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra sai phạm.
Chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn”. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn một số địa phương chưa thực thi đầy đủ chức năng, quyền hạn. Bởi Do quá trình đô thị hoá quá nhanh, nhu cầu cải tạo, xây dựng mới nhà ở của người dân quá lớn, chỉ cần một chút lơ là trong quản lý, giám sát thì tình trạng vi phạm trật tự xây dựng sẽ diễn ra tràn lan.
Mặt khác, nguyên nhân của tình trạng vi phạm trật tự xây dựng chậm được xử lý là Thanh tra xây dựng quá mỏng, lực lượng quản lý và xử lý vi phạm trật tự xây dựng (đặc biệt là cấp xã, huyện) còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ chuyên môn, phần lớn là kiêm nhiệm nên không phát hiện kịp thời và giải quyết triệt để vi phạm ngay từ đầu mà để người dân xây dựng công trình mới xử lý; ý thức chấp hành Luật Xây dựng của một số bộ phận người dân còn hạn chế, cố tình vi phạm, gây khó khăn trong công tác quản lý và xử lý vi phạm về trật tự xây dựng.
Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng, hoạt động xây dựng và thực hiện công tác bảo trì công trình đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng; thường xuyên tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các quy định quản lý trật tự xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ quản lý trật tự xây dựng.
Vũ Nguyệt