Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT:

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân 

Cập nhật ngày: 23/09/2022 - 07:27

BTN - Việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật PBGDPL được các cấp, ngành thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế, đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cấp, ngành tổ chức hội nghị giới thiệu Luật PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành mình.

Công an huyện Châu Thành tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên - thanh niên. Ảnh: Đào Như

Theo UBND tỉnh, kết quả 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo chính quyền địa phương về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và người dân. Quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được phổ biến kịp thời đến đa số cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện tốt các kế hoạch về PBGDPL

Theo UBND tỉnh, khi Luật PBGDPL được Quốc hội thông qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các cấp ban hành kế hoạch công tác PBGDPL năm 2013, trong đó hướng dẫn, chỉ đạo các cấp, ngành tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi cho cán bộ và nhân dân Luật PBGDPL; đồng thời, căn cứ vào nhiệm vụ đã được Luật PBGDPL giao, triển khai thực hiện theo đúng quy định. Việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật PBGDPL được các cấp, ngành thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế, đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cấp, ngành tổ chức hội nghị giới thiệu Luật PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành mình.

UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền những vấn đề mới, nóng, được dư luận xã hội quan tâm, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước và của địa phương. Trong những năm qua, các cấp, ngành địa phương tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tín dụng đen, xâm hại trẻ em, ma tuý, tảo hôn; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phòng, chống tham nhũng; các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; các quy định của pháp luật gắn với các dịp lễ, tết hằng năm; các quy định của pháp luật về bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp…

Đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ hoặc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ trong lĩnh vực công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm kịp thời bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Hằng năm, UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL, công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các sở, ngành, địa phương và kiểm tra, giám sát lồng ghép trong kiểm tra, giám sát công tác tư pháp của các Phòng Tư pháp cấp huyện. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn chỉ đạo Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua theo dõi báo cáo của các sở, ngành, địa phương.

Qua 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, công tác PBGDPL đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo; huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp đã làm tốt công tác tham mưu, giúp UBND cùng cấp triển khai công tác PBGDPL tại địa phương, giữ vai trò nòng cốt là ngành Tư pháp- cơ quan thường trực Hội đồng.

Nhiều hình thức, mô hình tuyên truyền về pháp luật

Tây Ninh chọn hình thức tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương và đối tượng, trong đó, tập trung vào các hình thức sau: phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; tuyên truyền pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, pa-nô, áp-phích; đăng tải văn bản quy phạm pháp luật trên công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền pháp luật lồng ghép trong công tác xét xử, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL), hòa giải cơ sở; lồng ghép trong hoạt động văn hoá, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hoá khác ở cơ sở; thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân…

Có được nhiều mô hình hay, cách làm mới như: mô hình “Cà phê miễn phí với pháp luật” tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu niên; mô hình “Cà phê doanh nhân” tuyên truyền pháp luật cho doanh nhân; mô hình “Tuyên truyền pháp luật qua loa truyền thanh trong sân trường vào giờ ra chơi” để tuyên truyền pháp luật cho học sinh; mô hình “Rung chuông vàng” thi tìm hiểu pháp luật cho học sinh… Các cấp, ngành còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Đặc biệt, Trang thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Tây Ninh được thành lập đã tạo nên một kênh tuyên truyền pháp luật mới, hiệu quả, kịp thời đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản mới; tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đăng tải các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Trung ương và địa phương tổ chức…

Tủ sách pháp luật điện tử của các cơ quan, đơn vị được thành lập đã kịp thời cập nhật, đăng tải các văn bản pháp luật mới, nhất là các văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp đúng pháp luật; đồng thời, cũng góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước không phải chi một khoản tiền lớn để trang bị sách pháp luật cho các cơ quan, đơn vị.

Các chương trình tuyên truyền pháp luật trên Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, trang fanpage của Tỉnh đoàn, hệ thống thông tin cơ sở do các cơ quan, đơn vị (Báo Tây Ninh, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Tỉnh đoàn, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông) phối hợp thực hiện, là những chương trình mới, sinh động. Hình thức tuyên truyền pháp luật trên móc khoá, quạt cầm tay và nhiều hình thức khác… cũng đã kịp thời tuyên truyền các quy định của pháp luật gắn liền với tình hình của địa phương đến với mọi cán bộ và nhân dân.

Sở Tư pháp hằng tháng biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng đặc thù. Phòng Tư pháp huyện Gò Dầu hằng quý, biên soạn và in ấn các loại tài liệu tuyên truyền pháp luật với nội dung ngắn gọn, thiết thực với người dân địa phương, cấp phát cho 1.138 tổ dân cư tự quản trên địa bàn huyện để tuyên truyền cho nhân dân tại cơ sở.

Phòng Tư pháp huyện Tân Biên phối hợp với Huyện đoàn triển khai chương trình “Tư vấn pháp luật” cho đoàn viên, thanh niên, học sinh thông qua đường dây nóng, khi đoàn viên, thanh niên, học sinh có nhu cầu tư vấn pháp luật. Huyện đoàn Châu Thành phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma tuý cho công nhân trên hệ thống xe đưa rước công nhân, bãi đậu xe và nhà chờ trên địa bàn xã Phước Vinh và khu vực chợ xã Biên giới…

Toàn tỉnh hiện có 534/535 ấp, khu phố đã xây dựng quy ước, đạt 99,81%. Các quy ước có nội dung phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, tiếp tục góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của dân tộc, hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật ở cơ sở.

Thực hiện Luật PBGDPL, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù nhất là người dân ở vùng biên giới; người dân tộc thiểu số; người nghiện ma tuý; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người lao động trong doanh nghiệp.

Đức Tiến