Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Để từng bước hạn chế sử dụng túi nylon, ngoài việc nâng cao ý thức của người dân, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi nhận thức trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.
Công nhân Công ty môi trường xanh Huê Phương (huyện Gò Dầu) phân loại rác thải trước khi đưa vào hệ thống xử lý
Ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, nếu người dân thực hiện đúng hướng dẫn của các ngành chức năng về phân loại rác thải tại nguồn, các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển rác thải cũng phải thay đổi phương thức thu gom, vận chuyển rác thải, trong đó có việc đầu tư xe vận chuyển rác chuyên dụng cho từng loại rác thải sinh hoạt khác nhau.
Thực tế, các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chỉ sử dụng một xe chuyên dụng đi thu gom, vận chuyển rác cho tất cả các loại rác thải sinh hoạt trong dân. Còn việc phân loại rác thải sinh hoạt để xử lý theo quy định là nghĩa vụ của các công ty xử lý rác thải sinh hoạt.
Khi thu gom rác thải sinh hoạt, công nhân thường lựa các sản phẩm nhựa có thể tái chế bỏ riêng ra một bao tải, dành để bán. Số còn lại, công nhân dồn vào xe thu gom rác vận chuyển đi xử lý.
Một doanh nghiệp xử lý rác thải sinh hoạt cho biết, hiện tại, dù chưa được người dân phân loại tại nguồn nhưng thực tế cho thấy, các đơn vị thu gom, vận chuyển gần như đã “phân loại” sơ bộ trong quá trình thu gom, do đó, rác thải nhựa chỉ chiếm khoảng 3%-5% trên tổng số lượng rác thải sinh hoạt mà các doanh nghiệp đưa về nhà máy xử lý.
Rác thải nhựa trong rác thải sinh hoạt hàng ngày được công nhân đi thu gom rác phân loại ra.
Cần có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt có công suất lớn, vì rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh.
Rác thải sinh hoạt tập kết đến nhà máy, qua hệ thống máy bằm và di chuyển băng tải qua hệ thống sàn rung để tách một lượng rác hữu cơ (khoảng 30%) đem đi ủ làm phân bón. Còn lại khoảng 70% rác vô cơ sẽ tiếp tục đi qua băng tải để công nhân phân lựa bọc nylon và nhựa. Trung bình sau khi phân loại, rác thải nhựa chiếm khoảng 2%-3% trong tổng số lượng rác thải sinh hoạt tiếp nhận. Điều đáng nói, các loại rác thải sinh hoạt thuộc loại nguy hại, nhà máy cũng phải tự phân loại, xử lý theo quy định pháp luật.
Vấn đề tuyên truyền để người dân hạn chế sử dụng túi nylon, vật dụng nhựa còn rất gian nan. Đây là điều thực tế mà các cơ quan chức năng, trong đó có ngành TN&MT cần phải đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp hợp lý để tiến tới loại dần ảnh hưởng của túi nylon, rác thải nhựa.
Tỉnh nhanh chóng có giải pháp căn cơ từ việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đến việc thu gom, vận chuyển, xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt sẽ gia tăng trong tương lai để Tây Ninh trở thành điểm du lịch xanh trong mắt du khách.
Tấn Hưng