Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tuyến du lịch miền Đông Nam bộ:
Nàng công chúa sẽ được đánh thức
Thứ sáu: 16:37 ngày 06/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xây dựng tuyến du lịch khép kín, mang sắc thái riêng của vùng Đông Nam bộ, cụ thể là giữa ba tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương là một hướng đi mới đã được lãnh đạo tỉnh hoạch định trong giai đoạn 2015-2020, đồng thời đây cũng là một tuyến mới đang nằm trong tầm ngắm của Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Khách du lịch nước ngoài đến Tây Ninh rất đông, nhưng không có chỗ để... tiêu tiền.

Ý TƯỞNG MỚI

Để có cơ sở thành lập tuyến du lịch này, vừa qua, ông Phùng Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã dẫn đầu đoàn khảo sát xây dựng tuyến du lịch Đông Nam bộ đến khảo sát các điểm du lịch ở cả ba tỉnh nêu trên. Tham gia trong đoàn có bà Vũ Giang Biên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cộng đồng Việt Nam và 25 vị đại diện doanh nghiệp, công ty du lịch lữ hành của 18 tỉnh, thành trong nước.

Sau hai ngày đoàn khảo sát đi tìm hiểu, trải nghiệm thực tế tại một số điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Ninh, như tham dự đêm gala ở Khu du lịch sinh thái Long Điền Sơn, nghỉ qua đêm ở khách sạn Sunrise, tham quan Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (TP Tây Ninh), Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên), Toà thánh Cao Đài Tây Ninh (huyện Hoà Thành) v.v... Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch (VH,TT&DL) Tây Ninh tổ chức buổi hội thảo tại hội trường Ban quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen để nghe ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn về du lịch Tây Ninh.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Thanh- Giám đốc Sở VH,TT&DL Tây Ninh giới thiệu về tiềm năng du lịch Tây Ninh, và chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Ngoài những tiềm năng to lớn như núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài, Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát, những làng nghề truyền thống, các cửa khẩu quốc tế, quốc gia và giáp biên giới với nước bạn Campuchia, Tây Ninh còn có nhiều đặc sản như bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, mật ong rừng nguyên chất thơm ngon, bổ dưỡng của Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát, hệ thống quán ăn bò tơ Năm Sánh, trà túi lọc Tâm Lan, Hoàn Ngọc nổi tiếng khắp mọi miền đất nước v.v...

Giám đốc Sở VH,TT&DL Tây Ninh cho biết, hiện nay, Tây Ninh đang xúc tiến xây dựng đường cao tốc nối liền giữa TP Hồ Chí Minh và TP Phnom Penh (Vương quốc Campuchia)- đây là một trong những điều kiện tốt để phát triển du lịch quốc tế. Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đã được quy hoạch thành 9 khu chức năng. Trong đó, đang quy hoạch 5,5 ha trên đỉnh núi Bà Đen thành khu nghỉ dưỡng, hiện nay có một nhà đầu tư định đầu tư vào đây với số tiền khoảng 2 tỷ đô-la. Tại Tây Ninh còn có một địa điểm thu hút rất đông du khách là Toà thánh Cao đài với kiến trúc độc đáo, có các nghi lễ, nhạc lễ mang sắc thái riêng. Hiện nay, Sở đang có ý định thiết kế tour cho du khách vừa tham quan vừa thưởng thức các món chay. 

Ông Thanh cung cấp thêm thông tin, về nơi ăn, ở cho du khách, hiện tại, Tây Ninh đã có khách sạn 4 sao, với nhà hàng và 104 phòng nghỉ. Sắp tới sẽ có thêm khách sạn 5 sao với 143 phòng, do Tập đoàn Vingroup xây dựng. Một số doanh nghiệp khác đang chuẩn bị xây dựng khách sạn từ 3-5 sao. Giám đốc Sở VH,TT&DL chân thành kêu gọi các thành viên trong đoàn “hiến kế” để phát triển du lịch Tây Ninh.

Ông Nguyễn Hồng Thanh giới thiệu sơ lược về tiềm năng du lịch Tây Ninh.

NHIỀU Ý KIẾN TÂM HUYẾT

Sau khi nghe Giám đốc Sở VH,TT&DL trình bày và thể hiện sự cầu thị, các thành viên trong đoàn khảo sát thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến với ngành du lịch Tây Ninh. Trong đó có những ý kiến đầy tâm huyết, đáng chú ý như, chị Hồng- một nữ doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết, trong những năm qua, chị thường xuyên đưa khách đến Tây Ninh. Trong tour của chị có chương trình đưa khách đến tham quan, mua sắm ở Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (huyện Bến Cầu), nhưng càng đưa khách đến càng thất vọng, vì hàng hoá của các siêu thị miễn thuế ở đó quá ít, quá cũ và đều sắp hết hạn sử dụng. Các đặc sản của Tây Ninh như bánh canh, bánh tráng, muối ớt, mãng cầu v.v... bán rời rạc, mỗi nơi một thứ, du khách muốn mua nhưng không làm sao có đủ thời gian để đi đến hết các nơi. Nữ doanh nhân này bày tỏ mong muốn: “Siêu thị miễn thuế Mộc Bài bán hàng phong phú hơn và Tây Ninh cần đầu tư hệ thống cửa hàng bán đầy đủ các đặc sản để thuận tiện cho việc mua sắm trong các tour du lịch”.

Một nữ doanh nhân khác thường tổ chức tour đưa du khách các nước Đông Âu đến Việt Nam, sau khi đến Tây Ninh trải nghiệm thực tế, khách tỏ ra ngạc nhiên khi thấy quầy bar của khách sạn Sunrise chỉ hoạt động đến 22 giờ. Chị cho biết, trong khi du khách Đông Âu đến 22 giờ mới bắt đầu ăn, uống. Nhân viên nhà hàng của Khu du lịch sinh thái Long Điền Sơn phục vụ du khách chưa chuyên nghiệp và cần cải thiện các món ăn. “Mong sao Tây Ninh khắc phục được những tình trạng này”, nữ doanh nhân này bộc bạch.

Anh Thắng- đại diện một công ty du lịch ở Bình Dương băn khoăn làm sao có sự gắn kết giữa ba tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương để tạo ra một sản phẩm du lịch mang đậm tính riêng biệt chỉ có ở miền Đông Nam bộ. Riêng đối với Tây Ninh, anh thẳng thắn nhận xét sản phẩm du lịch còn nghèo nàn. Anh kể: “Tối hôm qua, sau khi dự đêm gala ở Khu du lịch sinh thái Long Điền Sơn xong, các thành viên trong đoàn muốn đi chơi tiếp, nhưng không có chỗ nào để chơi cả”. Đại diện doanh nghiệp đến từ Bình Dương trăn trở: “Khách đi du lịch thường mang theo rất nhiều tiền. Họ sẵn sàng ăn, chơi, mua sắm. Làm sao để kéo khách ở lại và tiêu tiền?”.

Chị Mỹ- đại diện một doanh nghiệp ở Bà Rịa- Vũng Tàu kể, chị thường xuyên đưa khách đến tham quan di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam vào những ngày lễ, tết. Trong đó, có nhiều đoàn khách đông từ 120-180 người. Họ muốn tổ chức hội nghị, ăn, ở tại Khu di tích Trung ương Cục để tận hưởng không gian núi rừng, nhưng nhà hàng, nhà nghỉ ở đây quá nhỏ, nên đành quay về trong ngày. Chị Mỹ còn mong muốn giá bán vé đi các loại hình dịch vụ cáp treo, máng trượt ở Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen có sự ưu đãi, ưu tiên đối với những đoàn khách du lịch có số lượng lớn, đi theo tour do các công ty lữ hành, khai thác du lịch tổ chức.

Chị Hường- doanh nghiệp đến từ tỉnh Sơn La, cho rằng, các nhà hàng ở Tây Ninh phải có kiến trúc đẹp, chú ý khâu vệ sinh, nhân viên phải thân thiện và món ăn bảo đảm sức khoẻ cho du khách. Ngoài ra, trong dịch vụ du lịch cần chú ý khai thác nét văn hoá đặc trưng của vùng miền để du khách thấy được sự mới lạ, giảm mệt mỏi và sẵn sàng bỏ tiền ra mua sắm quà lưu niệm của tỉnh nhà. “Qua khảo sát ở cả ba tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, tôi chưa thấy tỉnh nào chú ý khai thác loại hình du lịch văn hoá nào”, chị Hường nói.

Bà Vũ Giang Biên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, cho biết, 20 năm nay, bà đã tổ chức nhiều tour du lịch đến Tây Ninh. Bà nhận thấy Tây Ninh chưa có trang web giới thiệu về du lịch, chưa có Trung tâm Xúc tiến du lịch, hướng dẫn viên du lịch ở Tây Ninh cũng chưa chuyên nghiệp. Bà nói: “Giới thiệu về Tây Ninh như robot nói chuyện chứ không như người có tâm huyết thuyết minh du lịch”. Bà Biên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn viên du lịch là linh hồn của tour, tuyến. Trên sách vở, hướng dẫn viên du lịch chiếm 70% sự thành công của tour, tuyến du lịch, nhưng trên thực tế, người làm công tác này chiếm đến 80% sự thành bại.  

Hầu hết du khách đến Tây Ninh đều trở về, chứ chưa ở lại dài ngày.

Còn theo anh Dũng- người chuyên tổ chức các tour du lịch đến từ tỉnh Quảng Bình thì cần quan tâm đến an toàn cho du khách. Sau chuyến đi khảo sát ở Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, anh cho hay, ở khu vực cáp treo núi Bà còn tồn tại tình trạng chèo kéo, nói khích để khách du lịch mua gạo, muối, tương, chao lên cúng chùa. Đối với du khách miền Trung, miền Bắc thì việc chèo kéo khách như thế này thực sự là một áp lực, khiến du khách rất sợ”. Anh Dũng mong muốn ngành du lịch Tây Ninh có biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Ông Phùng Quang Thanh cho rằng, du lịch Tây Ninh chưa biết cách “lấy tiền” của du khách. Trong chuyến khảo sát này, ông đã ở lại Tây Ninh 2 ngày, 1 đêm, nhưng không biết ăn, chơi ở đâu. Ông kể một mẩu chuyện vui: “nghe đồn” ở Tây Ninh còn có món đặc sản thịt trâu rất ngon. Buổi tối, đói bụng, ông tra tìm trên mạng internet thấy duy nhất có một mẩu quảng cáo giới thiệu về quán thịt trâu ở TP Tây Ninh. Ông và một thành viên trong đoàn liền đón xe taxi đến ăn, nhưng khi đến nơi mới biết quán đã đóng cửa, ngưng bán hơn hai tháng nay. Thế là hai người buồn tình đi bộ lang thang và ghé vào một quán cóc ven đường “lai rai” cho đỡ buồn.

Kết luận tại hội thảo, Giám đốc Sở VH,TT&DL ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn của các thành viên trong đoàn. Ông Thanh cho biết, theo chủ trương của tỉnh, hiện nay, du lịch được xác định là một trong ba ngành kinh tế chiến lược của Tây Ninh. Sắp tới, Tây Ninh sẽ thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch, Hiệp hội du lịch để đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch. Trước mắt, tỉnh sẽ sớm tổ chức hội thảo về phát triển du lịch, trong đó, mời diễn giả có uy tín ở TP Hồ Chí Minh đến góp ý cho du lịch Tây Ninh.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh