Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những năm qua, công tác thi hành án hình sự (THAHS) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm thi hành nghiêm các bản án, quyết định của Toà án, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Xã đoàn Thái Bình (huyện Châu Thành) cùng Công an xã tham quan mô hình phát triển kinh tế của trường hợp chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá về địa phương tái hoà nhập cộng đồng. Ảnh minh hoạ
Chấp hành nghiêm quy định về thi hành án hình sự
Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân- Chánh án TAND tỉnh cho biết, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ xét xử các loại án, TAND tỉnh luôn quan tâm, chú trọng việc triển khai và thực hiện tốt các quy định pháp luật THAHS thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án. Việc ra các quyết định thi hành án phạt tù, tạm đình chỉ, hoãn chấp hành án, xét giảm thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện... được giải quyết kịp thời, đúng quy định. Cán bộ làm công tác THAHS của TAND hai cấp được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên nên nắm vững các quy định của pháp luật. TAND tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra và chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong công tác THAHS, kịp thời chấn chỉnh sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Từ khi Luật THAHS năm 2019 có hiệu lực, TAND hai cấp đã ra quyết định thi hành án 5.234 người/5.832 người bị kết án (trong đó, phạt tù 4.192 người, các hình phạt khác 1.042 người); xem xét, ra quyết định giảm thời hạn chấp hành án đối với 3.841 người; tiến hành uỷ thác cho Toà án khác 571 bị án; không có trường hợp nào khiếu nại, tố cáo liên quan đến quan đến thẩm quyền của Toà án…
Đại tá Trần Văn Đạt- Trưởng Phòng Cảnh sát THAHS và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh chia sẻ, công tác THAHS tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng đã từng bước đi vào nền nếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng; thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng theo quy định pháp luật, nhằm cảm hoá, giáo dục người phạm tội tích cực cải tạo để trở thành công dân tốt.
Từ ngày 1.1.2020 - 30.6.2022, số người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng là 1.189 người (trong đó, án treo 736 người; cải tạo không giam giữ 279 người; quản chế 1 người; cấm đảm nhiệm chức vụ 3 người; hoãn chấp hành án phạt tù 26 người; tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù 2 người; tha tù trước thời hạn có điều kiện 9 người; phạm nhân 133 người); người chấp hành xong án phạt tù còn án tích đang trong diện tái hoà nhập cộng đồng 2.623 người.
Việc xét, đề nghị để lại phạm nhân phục vụ tạm giữ, tạm giam ở Trại tạm giam Công an tỉnh và Cơ quan THAHS Công an cấp huyện được thực hiện đúng quy định, không vượt quá tỷ lệ 15% trên tổng số người bị tạm giữ, tạm giam; các phạm nhân được để lại xét theo tiêu chuẩn có mức án dưới 5 năm, vi phạm pháp luật với các tội danh ít nghiêm trọng như đánh bạc, vi phạm giao thông… Trong kỳ, đã tiếp nhận 133 phạm nhân đến chấp hành án theo đúng quy định. Sau khi tiếp nhận phạm nhân, Cơ quan THAHS Công an các cấp đều gửi thông báo đến TAND đã ra quyết định thi hành án; phổ biến nội quy cơ sở giam giữ cho phạm nhân, kiểm tra sức khoẻ để sắp xếp phân loại và quản lý giam giữ theo quy định; thường xuyên kiểm tra, thanh tra công tác giam giữ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý sai phạm.
Trưởng Phòng Cảnh sát THAHS và hỗ trợ tư pháp cho biết thêm, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản nhiều chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác THAHS và tái hoà nhập cộng đồng trên địa bàn; làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; thường xuyên theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ số người THAHS tại địa phương, người bị kết án tù còn ở ngoài xã hội và số người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Toàn tỉnh đã tiếp nhận, quản lý 1.957 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Lực lượng Công an đã tham mưu cho chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tiếp nhận, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi để người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương sớm ổn định cuộc sống như hướng dẫn làm thủ tục đăng ký cư trú, cấp căn cước công dân, hỗ trợ giúp đỡ thủ tục vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm… (có 32 trường hợp được hỗ trợ vay vốn, 212 người có việc làm ổn định). Đặc biệt, UBND huyện Tân Châu đã xây dựng được mô hình quỹ “Huy động vốn của các doanh nghiệp” để huy động nguồn vốn đóng góp từ các cơ quan tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ, giúp người chấp hành xong án phạt tù vay vốn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống (mô hình đã vận động được 580 triệu đồng và đã giúp đỡ, hỗ trợ cho vay vốn 20 trường hợp với số tiền 420 triệu đồng).
Theo ông Nguyễn Văn Mong- Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh, ngành Kiểm sát 2 cấp luôn chú trọng việc nâng cao nhận thức, thường xuyên và kịp thời triển khai các quy định pháp luật THAHS, đặc biệt là những quy định mới cho đội ngũ cán bộ, công chức trong đơn vị. Do đó, trong thời gian qua, công tác kiểm sát THAHS luôn được thực hiện thuận lợi, có chất lượng và hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử các vụ án hình sự, qua đó không để xảy ra oan, sai; kiên quyết huỷ bỏ hoặc không phê chuẩn các quyết định tố tụng thiếu căn cứ, trái pháp luật; qua kiểm sát kịp thời phát hiện thiếu sót, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử để kiến nghị yêu cầu khắc phục...
Trong kỳ, Viện KSND hai cấp đã tiếp nhận 2.800 bản án; kiểm sát việc ra, gửi 5.027 quyết định về THAHS của TAND cùng cấp; xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 3.850 hồ sơ, chấp nhận giảm án đối với 3.840 hồ sơ. Ngoài ra, còn kiểm sát 7 hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án, đã chấp nhận 6 hồ sơ; kiểm sát 68 hồ sơ đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, đã chấp nhận 67 hồ sơ; kiểm sát 60 hồ sơ đề nghị đặc xá, kết quả có 59 phạm nhân được đặc xá. Viện KSND cấp huyện tham gia xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo là 389 người; xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ 124 người.
Về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, các cơ quan, tổ chức trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam bảo đảm hoạt động giam giữ đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định. Viện KSND các cấp đã trực tiếp kiểm sát tại các cơ sở giam giữ; Cơ quan THAHS Công an hai cấp và UBND cấp xã; kịp thời phát hiện các vi phạm, ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục. Qua kiểm sát, Viện KSND hai cấp đã ban hành 160 kết luận, 58 kiến nghị. Nhìn chung các kết luận, kiến nghị đều có cơ sở pháp lý, căn cứ xác đáng nên được chấp nhận khắc phục góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa, khắc phục các vi phạm trong công tác này.
Xã đoàn Thái Bình (huyện Châu Thành) phối hợp cùng Công an xã thăm hỏi, tặng quà trường hợp người được đặc xá về địa phương tái hoà nhập cộng đồng .
Cần tăng cường phối hợp giữa các ngành
Công tác phối hợp giữa các ngành Công an, Kiểm sát, Toà án và cơ quan có liên quan trong công tác THAHS được thực hiện chặt chẽ, thống nhất trong việc chuyển giao, tiếp nhận bản án, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho công tác THAHS, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, công tác THAHS còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Theo TAND tỉnh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, việc chuyển giao bản án, quyết định thi hành án của TAND cấp huyện cho Cơ quan THAHS Công an tỉnh, huyện còn chưa đầy đủ, kịp thời, thường chậm trễ thời gian gây khó khăn cho công tác theo dõi, quản lý người bị kết án phạt tù. Một số trường hợp Toà án còn chậm ra quyết định thi hành án làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người chấp hành án; việc ban hành bản án, quyết định thi hành án còn xảy ra sai sót như sai địa chỉ, sai thông tin… của người chấp hành án dẫn tới phải đính chính, chỉnh sửa bản án, quyết định thi hành án với số lượng tương đối lớn.
Đại diện Viện KSND thị xã Hoà Thành chia sẻ, mặc dù đơn vị kiểm sát chặt chẽ việc ra quyết định thi hành án những vẫn để xảy ra trường hợp Toà án chậm ra, gửi quyết định thi hành án. Còn Viện KSND huyện Gò Dầu cho hay, công tác phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án treo có lúc còn chậm, phần nào ảnh hưởng đến người chấp hành án. Việc uỷ thác thi hành án treo, Cơ quan THAHS xác minh người chấp hành án không đăng ký nơi cư trú như bản án đã tuyên mà đang cư trú nơi khác nên không thể tổ chức thi hành án. Toà án nơi nhận uỷ thác thông báo trả lại uỷ thác thì Toà án uỷ thác không chấp nhận, dẫn đến không có cơ quan nào xác nhận giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách của án treo theo Luật THAHS, trong khi đó thời gian chấp hành án từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc phúc thẩm đã hết, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người chấp hành án.
Trưởng Phòng Cảnh sát THAHS và hỗ trợ tư pháp cho biết thêm, công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và tổ chức tập huấn nghiệp vụ về THAHS ở một số nơi chưa được thực hiện thường xuyên. Cấp uỷ, chính quyền cơ sở ở một số nơi có quan tâm nhưng chưa sâu sát nên công tác tái hoà nhập cộng đồng chưa đạt hiệu quả cao. Biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ở một số địa phương chưa phù hợp, thiếu hiệu quả nên vẫn còn trường hợp tái phạm, vi phạm pháp luật (trong kỳ, có 128 trường hợp phạm tội mới).
Công tác quản lý, giam giữ phạm nhân ở một số cơ sở giam giữ còn khó khăn, do cơ sở vật chất chưa bảo đảm (thiếu buồng giam người bị kết án tử hình, buồng phạm nhân, buồng kỷ luật). Việc tổ chức giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù chưa thường xuyên.
Thời gian tới, các ngành Công an, Kiểm sát, Toà án cần có quy trình cụ thể, phối kết hợp chặt chẽ trong công tác THAHS, tránh tình trạng bản án, quyết định của Toà án không được thực thi, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm trong chấp hành án hình sự.
THIÊN DI