Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nặng lòng với gốm Hương Canh
Thứ sáu: 07:23 ngày 10/06/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - "Ai về mua vại Hương Canh, Ai lên mình gửi cho anh với nàng" - câu thơ xưa chứng tỏ Làng gốm Hương Canh vốn đã nổi danh từ lâu đời. Dân gian còn truyền khẩu "sứ Móng Cái, vại Hương Canh", bởi gốm Hương Canh chống được nước thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị của những thứ đựng bên trong.

Các sản phẩm gốm ở đây chủ yếu là gốm mộc như: Chum, vại, nồi niêu, ấm chén…

Nặng lòng với gốm Hương Canh

Tìm đến ngôi làng nổi tiếng với nghề truyền thống hơn 300 năm ở trị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) trong một buổi chiều cuối xuân, có phải do những cơn mưa giao mùa, khiến thời tiết ảm đạm làm cho không khí trong làng cũng trầm lắng? Còn đâu sự nhộn nhịp, hối hả chỉ vài năm trước. Cả làng chỉ còn vài nhà giữ nghề, lác đác dăm cửa hàng giới thiệu sản phẩm với những mẫu mã không lấy gì làm đặc sắc, nếu không muốn nói là đi đâu cũng có thể bắt gặp. Gốm Hương Canh nức tiếng một thời giờ cũng vắng bóng dần trên thị trường. Những gia đình gắn bó với nghề vẫn canh cánh nỗi lo mai một nghề truyền thống.

Bảo tồn nghề truyền thống

Mấy trăm năm trước, Đàng Ngoài nổi tiếng với 3 làng gốm truyền thống: Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) Thổ Hà (Việt Yên – Bắc Giang), và Hương Canh. Nếu như gốm Bát Tràng đa dạng hơn và nhất là từ khi đổi mới đã cập nhật nhiều mẫu mã, theo kịp thị hiếu nên vẫn còn có chỗ đứng trên thị trường, thì gốm Thổ Hà và gốm Hương Canh (đều chuyên về làm vại chĩnh, chậu, lọ, tiểu sành…) lại đang dần chỉ còn lại cái tên xưa cũ.

Những câu truyền tụng như: “Mã Đông Hồ gấm thêu hoa quyện/ Cày làng Lê dựng nghiệp nông gia/ Chĩnh chum thời có Thổ Hà…” hay “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh” chỉ còn trong dĩ vãng, phản ánh rõ nét qua sự đìu hiu của làng nghề bây giờ.

Theo sự chỉ dẫn của người dân, len lỏi trong những con ngõ nhỏ, ngoằn nghèo, chúng tôi đến nhà nghệ nhân Bùi Thị Nụ, trú tại thôn Lò Cang, thị trấn Hương Canh - một trong không nhiều gia đình vẫn giữ được nghề truyền thống ở làng nghề hiện nay.

Trong không gian nhỏ hẹp chất đầy những sản phẩm đang chờ khách hàng đến lấy, ông Lê Thanh Tuấn, 55 tuổi (con trai bà Nụ), tự hào cho biết: “Làng gốm Hương Canh cho đến nay đã hơn 300 tuổi. Gốm Hương Canh nổi tiếng trên thị trường là do sự ưu ái của thiên nhiên. Nằm giữa nơi tiếp giáp trung du và đồng bằng nên đất sét Hương Canh dẻo và có nhiều màu sắc: Xám, vàng, đỏ, nâu… rất thích hợp cho nghề làm gốm.

Các sản phẩm gốm ở đây chủ yếu là gốm mộc như: Chum, vại, nồi niêu, ấm chén… được nung chủ yếu bằng lò thủ công nên chất lượng sản phẩm tốt, có độ bền cao, chống được nước thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị nguyên chất của những thứ đựng bên trong; do vậy đựng rượu mà không giảm nồng độ, đựng hạt giống khô không bị ẩm mốc, pha trà không bị mất hương vị…”.

Tính đến đời ông Tuấn, gia đình nghệ nhân Bùi Thị Nụ đã giữ nghề đến nay là 5 đời. Bản thân nghệ nhân Bùi Thị Nụ đã được trao danh hiệu “thợ giỏi Vĩnh Phúc” cách đây ít năm. Bà Lê Thị Vụ (con gái bà Nụ) chia sẻ: Làm gốm đến nay vẫn là nghề chính, mang lại đến 90% thu nhập cho gia đình, bởi sản phẩm làm ra trung thành với chất lượng truyền thống, được đặt mua khắp cả nước. Tuy nhiên, cũng theo bà Vụ, hiện không còn nhiều gia đình ở Hương Canh còn trông chờ phần lớn vào nghề cha truyền như vậy nữa.

Nỗi lo mai một nghề truyền thống

Thấy chúng tôi chăm chú nhìn những sản phẩm gốm vừa ra lò, ông Tuấn thở dài, tâm sự: “Cái nghề này không biết còn được lưu truyền bao lâu nữa. Vì gặp nhiều khó khăn mà nhiều hộ gia đình đã dừng làm. Trong làng có 178 hộ nhưng đến giờ chỉ còn lại 3, 4 hộ là còn theo nghề”.

Nói là tới 90% thu nhập của gia đình trông chờ vào nghề gốm, nhưng thực tế, thu nhập đó cũng chẳng đáng là bao, khi ông Tuấn chia sẻ mỗi tháng cả gia đình chỉ thu được 4 - 5 triệu đồng, nếu chia đầu người (chỉ những thành viên tham gia lao động trực tiếp) thì mỗi một người trên một tháng mới thu được 1 triệu. Ông Tuấn cũng tiết lộ, hiện nay gia đình ông cũng chỉ là cố giữ nghề truyền thống chứ đang phải tìm hướng làm ăn lâu dài khác.

“Còn cố được thì còn phải giữ lấy nghề. Hiện ở Hương Canh này, nhà nào còn làm nghề thì đều đang lo tìm hướng khác hoặc đã có nguồn thu khác phụ trợ rồi. Chưa kể mọi nhà đều chỉ giữ được quy trình sản xuất chứ không giữ được bản sắc riêng của gốm Hương Canh, vì đất nguyên liệu địa phương đã hết, phải lấy từ nơi khác về sản xuất, chất lượng thua xa với loại đất sét đặc trưng làm nên tên tuổi gốm Hương Canh trước đây” - ông Tuấn cho biết.

Được biết trước đây, người dân có thể khai thác ngay đất trong làng hay ở địa phương lân cận. Nhưng những năm gần đây, do địa bàn dân sinh sống tăng, xây dựng công ty nhiều khiến cho địa bàn lấy nguyên liệu và địa bàn sản xuất bị thu hẹp đã gây ra không ít khó khăn cho người làm gốm. Do nhu cầu thị trường thất thường nên số sản phẩm đặc trưng của làng nghề như chum, vại, chĩnh, sành… ngày càng ít nhu cầu. Những khó khăn đó cộng dồn lại khiến ngày càng nhiều gia đình chán nản và bỏ nghề.

Vừa nhào đất sét chuẩn bị cho những sản phẩm mới, ông Tuấn vừa giãi bày: “Do đặc trưng của nghề đòi hỏi người làm phải có chuyên môn cao và cần sự tỉ mỉ. Điều này đối với thanh niên trẻ gần như là rất khó khăn. Con trai tôi vì đam mê cũng đã từng thử sức làm để sau này nối nghiệp cha, nhưng được một thời gian ngắn nó từ bỏ vì nhiều vất vả, khó khăn mà đồng tiền thu được không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Nghề này chắc chỉ đến đời vợ chồng tôi là dừng lại”.

Đây là viễn cảnh không chỉ trong gia đình ông Tuấn, mà chúng tôi còn ghi nhận được ở những gia đình làm nghề khác có tiếng trong làng như nhà ông Nguyễn Thanh, ông Trần Hải… khi họ đều xác định có lẽ mình là thế hệ cuối cùng trong gia tộc còn làm nghề cha truyền này.

“Ở làng này còn rất nhiều nghệ nhân còn đam mê và muốn quay lại với nghề nhưng vì do không có vốn nên họ đành phải chịu. Nhiều hộ muốn vay vốn ưu đãi nhưng cũng khó khăn. Hy vọng rằng chính quyền sẽ có được những chính sách khả quan hơn ủng hộ nhân dân tiếp tục giữ nghề truyền thống. Làng nghề được khôi phục lại và phát triển thì chúng tôi thấy ấm lòng”, nghệ nhân Trần Hải tâm tư.

(Theo giaoducthoidai.vn)

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục