Pháp luật   Tư vấn pháp luật

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nặng lòng với nghề “Trợ giúp viên pháp lý” 

Cập nhật ngày: 02/04/2021 - 14:50

BTNO - Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một nghề đặc thù, cung cấp dịch vụ pháp lý không thu tiền cho người nghèo, đối tượng chính sách thuộc diện người được TGPL. Trong đó, trợ giúp viên pháp lý có trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật.

Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Trần Thị Cẩm Vân (bên trái) trao đổi công việc với Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Ngọc Linh (bên phải).

Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Trần Thị Cẩm Vân chia sẻ, còn nhớ khi Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh mới thành lập, lúc đó đối với chị nghề “trợ giúp viên pháp lý” vẫn còn là khái niệm mới mẻ. Dần dần, được tiếp xúc với những sự việc, vụ án, gặp những con người, hoàn cảnh cụ thể, hiểu được tâm tư, kỳ vọng của những người có quyền lợi bị xâm phạm, chị Vân dần hiểu hết trách nhiệm đối với nghề nghiệp của mình.

Không chỉ vậy, với trách nhiệm bào chữa cho người bị buộc tội là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, chị còn giải thích cho họi về những quyền được pháp luật bảo đảm, giúp họ chuẩn bị tâm lý, bình tĩnh, sáng suốt trong quá trình khai báo, để từ đó có những lời khai chính xác, trung thực, góp phần kết thúc vụ án nhanh chóng.

Hằng năm, mỗi trợ giúp viên pháp lý thực hiện đến hàng chục vụ, việc thông qua hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Trong quá trình thực hiện TGPL có những vụ việc khiến những người trợ giúp viên pháp lý nhớ mãi.

“Với tư cách là người bào chữa cho bị cáo N.H.Y (ngụ huyện Tân Biên) trong vụ án hình sự về vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, bằng sự cố gắng, phân tích, lập luận, những lý lẽ bảo vệ, tôi đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Y, qua đó HĐXX đã cân nhắc, xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng mức phạt thấp nhất là án treo, thời hạn thử thách 4 năm.

Vui lắm khi mình nhận được những lời cảm ơn, ánh mắt rưng rưng, đầy xúc động của gia đình có người được bào chữa thành công!”- chị Vân bồi hồi nhớ lại. Đã rất nhiều năm làm nghề trợ giúp viên pháp lý, tham gia tố tụng rất nhiều vụ việc, thành công có, thất bại có, nhưng với chị Vân việc thực hiện TGPL là công việc hằng ngày, không còn cảm giác lo lắng hay hồi hộp như thuở ban đầu mà là sự đam mê, tận tâm, lấy hiệu quả công việc là niềm vui nghề nghiệp.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Ngọc Linh, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, cái cảm giác hồi hộp, lo lắng khi lần đầu tiên ngồi vào vị trí người bào chữa cho bị cáo tại Tòa án đã không còn. Vụ việc đầu tiên khi vào nghề trợ giúp viên pháp lý của chị với tư cách là người bào chữa đã thành công vì đạt được sự đồng thuận của Hội đồng xét xử, cảm xúc vui mừng khi quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo được bảo vệ. 

Chị Linh chia sẻ, mặc dù thời gian công tác chưa nhiều, nhưng hầu hết các cơ quan tố tụng và chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã “quen mặt” và luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ chị trong mọi công việc. Nhưng quan trọng nhất là niềm tin của người dân giúp chị có thêm động lực để bảo vệ quyền lợi cho họ.

Niềm vui, niềm vinh dự khi được góp công sức nhỏ bé của mình vào việc "xoá nghèo pháp luật", giúp những người yếu thế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình là động lực để những người trợ giúp viên pháp lý không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp- đây là kim chỉ nam giúp chị Linh gắn bó sâu sắc với nghề. Đối với chị Linh, mỗi vụ việc đều để lại những kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc. Tuy nhiên, với các vụ việc về xâm hại tình dục trẻ em, việc tham gia bảo vệ quyền lợi cho các cháu nhỏ khiến chị không khỏi day dứt.

“Nói đến xâm hại tình dục trẻ em, người ta thường dành sự quan tâm nhiều cho bé gái. Ít ai để ý rằng các bé trai cũng là mục tiêu của nhiều đối tượng bệnh hoạn. Mới đây, TAND huyện Dương Minh Châu tổ chức xét xử vụ một thầy giáo Trường THCS Phước Minh (huyện Dương Minh Châu) dâm ô với 4 nam sinh.

Với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các em học sinh trong vụ này, tôi và những trợ giúp viên pháp lý khác đã bày tỏ quan điểm, đưa ra những bằng chứng, lý lẽ đầy thuyết phục, đề nghị HĐXX xử lý thật nghiêm khắc bị cáođể răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”- trợ giúp viên pháp lý Ngọc Linh cho hay.

Khi thực hiện TGPL một vụ việc, các trợ giúp viên pháp lý đều tìm gặp thân nhân, tìm hiểu về hoàn cảnh, động cơ phạm tội của họ, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xác minh vụ việc, tìm những chứng cứ pháp lý, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị tài liệu, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Thậm chí, đôi khi mọi người trong Trung tâm còn góp tiền để giúp đỡ những người già, trẻ em, người nghèo khó khăn, để rồi nhận được những câu cảm ơn đầy chân tình, ấm áp hay có khi là cả nước mắt từ người được TGPL, đó cũng là niềm vui và nguồn động viên lớn cho các trợ giúp viên pháp lý.

Thiên Di